Hồng Dân
(VNTB) – Mực nước lớn nhất ngày tại trạm Tân Châu trong có thể sẽ dao động trong khoảng từ 1,3 m đến 1,9 m, ở mức cao hơn giá trị lớn nhất trong khoảng 10 năm gần đây và đạt giá trị lớn nhất vào khoảng giữa tháng trùng với đỉnh triều cường.
Dòng chảy về đầu nguồn sông Cửu Long có xu thế tăng dần
Theo số liệu ghi nhận từ Ủy hội sông Mê Kông (MRC) thì tổng lưu lượng trung bình ngày ở hai trạm Tân Châu và Châu Đốc có khả năng sẽ tiếp tục tăng dần từ 11.000 m3/s đến mức cao nhất là 14.000 m3/s. Tổng lượng dòng chảy qua hai trạm này có thể sẽ ở mức từ 13,3 đến 16,2 tỷ m3, cao hơn giá trị trung bình nhiều năm từ 26% đến khoảng 53% và lớn hơn cùng kỳ năm 2021 từ 35% đến 65%.
Nhìn lại diễn biến tháng 5-2022, MRC cho biết, kết quả phân tích số liệu từ các trạm quan trắc trên lưu vực sông Mê Công cho thấy tổng lượng mưa trung bình trên toàn lưu vực trong tháng 5 năm 2022 đạt 247 mm lớn hơn giá trị trung bình nhiều năm khoảng 30%. Lượng mưa phân bố không đều trên lưu vực, phần lớn các vùng có lượng mưa trong khoảng từ 200 mm đến 250 mm, cá biệt một số khu vực thuộc Trung Lào, Nam Tây nguyên và một phần vùng Biển Hồ có lượng mưa lên đến hơn 450 mm.
Tại trạm Chiềng Sẻn là trạm thủy văn trên dòng chính sông Mê Công tại khu vực Tam giác Vàng, mực nước trong tháng 5/2022 duy trì ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, và dao động quanh mức 3,5 m tạo nên 2 đỉnh ở có giá trị lần lượt là 4,2 m và 4,7 m vào ngày 14 và 24 tháng 5-2022, và đã vượt giá trị lớn nhất trong khoảng 10 năm gần đây.
Các đỉnh nêu trên tương ứng với thời điểm xả nước cao khoảng 1500 m3/s của thủy điện Cảnh Hồng – Trung Quốc vào các ngày 11-12, và mưa lớn ở thượng lưu Chiềng Sẻn vào các ngày 22-23 tháng 5-2022. Trong tuần cuối tháng 5 mực nước giảm nhanh, nhưng vẫn cao hơn giá trị cùng kỳ trung bình nhiều năm.
Tương ứng với mực nước, lưu lượng tại trạm Chiềng Sẻn trong tháng 5-2022 cũng được duy trì ở mức cao hơn giá trị cùng kỳ trung bình nhiều năm và có 2 thời điểm đã cao hơn giá trị cùng kỳ lớn nhất trong 10 năm gần đây lần lượt là 620 m3/s và 1.570 m3/s. Tổng lượng dòng chảy tại Chiềng Sẻn đạt 6,0 tỷ m3 tương đương giá trị cùng kỳ năm 2021 và cao hơn giá trị cùng kỳ trung bình nhiều năm khoảng 25%.
MRC cho biết, mực nước sông Mê Kông tại Pakse (Lào) vào ngày 5-6 là 4,74 mét, tăng so với mức nước trung bình 2,1 mét và so với cùng kỳ năm 2021 là 2,08 mét, năm 2020 mới 1,8 mét.
“Mùa lũ của chúng tôi đã bắt đầu vào tuần này”, MRC tuyên bố trong một bài đăng trên trang facebook của MRC (https://www.facebook.com/mrcmekong). Trong một bài đăng mới, MRC miêu tả sông Mê Kông đoạn chảy qua tỉnh Champasak, phía nam Lào hiện giờ nước sông đang chảy nhanh và chuyển sang màu nâu.
Mưa nhiều nên… nước nổi
Còn theo số liệu của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Việt Nam, trong tuần đầu tháng 6, Nam bộ ghi nhận lượng mưa phổ biến từ 30 – 60 mm, có nơi như Biên Hòa (Đồng Nai) lên đến 163 mm, Trà Nóc (Cần Thơ) lên đến 119 mm… Tổng lượng dòng chảy về đầu nguồn sông Cửu Long có xu thế tăng dần và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Từ nay đến giữa tháng 6, mưa tiếp tục cao và tổng lượng dòng chảy về đầu nguồn sông Cửu Long tăng dần và cao hơn trung bình nhiều năm 50 – 60%.
Các chuyên gia khí tượng thủy văn cho rằng, năm nay mưa trái mùa nhiều và mùa mưa đến sớm cộng với việc thủy điện xả nước làm cho mực nước sông Mekong năm nay luôn duy trì mức cao và các tín hiệu lũ đến sớm. Đây là những tín hiệu tích cực không chỉ riêng với người dân đồng bằng sông Cửu Long mà của người dân trên toàn lưu vực sông Mekong.
Tuy nhiên đối với mùa nước nổi ở miền Tây Nam bộ, để chắc năm nay sẽ nổi thế nào thì phải chờ đến tháng 8. Tuy nhiên với tình trạng La Nina kéo dài gây mưa nhiều như hiện nay đang kỳ vọng có thể hy vọng giải cơn “khát lũ” kéo dài nhiều năm qua.
Dự án giám sát hoạt động của các đập thủy điện trên sông Mê Kông (MDM), cho biết tháng 6 đánh dấu mùa mưa chính thức bắt đầu trên lưu vực sông Mê Kông. Một điểm đáng chú ý nhất trong tuần đầu tháng 6 trên toàn lưu vực này là mực nước tại điểm đầu nguồn Biển Hồ (Campuchia) cao hơn 1,68 mét so với cùng thời điểm năm 2021. Đây là một dấu hiệu tốt cho sự bắt đầu của mùa mưa lũ năm nay.
Mực nước cao hơn chủ yếu là do các cơn mưa trái mùa vào tháng 4 và tháng 5. Việc xả đập ở thượng nguồn làm dâng cao mực nước sông có thể gây ra một tác động nhỏ ở điểm đầu nguồn Biển Hồ.
MDM dự báo: “Nếu mưa vẫn tiếp tục và giảm thiểu tích nước ở đập thủy điện thượng nguồn, sông Mê Kông có thể có được nhịp lũ bình thường hoặc thậm chí trên mức trung bình trong năm nay – lần đầu tiên kể từ năm 2018”.
Kể từ năm 2019, khi sông Mekong ghi nhận dòng chảy thấp chưa từng có – do hạn hán và các hoạt động thủy văn ở thượng nguồn – Ban Thư ký MRC và Trung tâm Hợp tác Nguồn nước Lancang – Mekong (trụ sở tại Bắc Kinh) đã đồng ý làm việc cùng nhau để cải thiện chia sẻ thông tin và các hoạt động chung trong hỗ trợ của sáu nước Mekong.
Nghiên cứu chung này, có tên “Mô hình thay đổi điều kiện thủy văn của lưu vực sông Lancang-Mekong và các chiến lược thích ứng”, sẽ được thực hiện trong hai giai đoạn. Lần đầu tiên bắt đầu trong năm nay và dự kiến sẽ mang lại các khuyến nghị có thể hành động. Giai đoạn thứ hai sẽ đến trong giai đoạn 2023-2024, được thực hiện với sự phối hợp của Kế hoạch Chiến lược MRC 2021–2025.
1 comment
Nhờ trời(thiên nhiên)mà dân đồng bằng sông cửu long đón lũ trong hoan hĩ,không còn khô hạn bởi kẽ phá bỉnh đầu nguồn.cám ơn thiên đã ưu đãi cho đất nước ngàn năm văn hiến,một đất nước hiền hòa,nhưng không khất phục cường quyền.