Nguyễn Huỳnh
(VNTB) – Nếu những gì mà các quan chức chính phủ đang hồ hởi loan báo về thành tích kinh tế năm 2020 là đúng, thì đây là ‘phản biện’ hữu hiệu nhất trước luồng ý kiến lâu nay đang ngờ vực về tính ưu việt của ‘kinh tế xã hội chủ nghĩa’.
(Tham khảo thêm về số liệu trên trang web của Tổng cục Thống kê https://www.gso.gov.vn)
Thành công chủ yếu về ý chí?
“Mức độ thành công được xác định không chỉ bởi những gì chúng ta đã đạt được, mà bởi cả những trở ngại chúng ta đã vượt qua”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, năm 2020 phải được xem là năm thành công nhất của nước ta trong 5 năm qua về tinh thần và ý chí vươn lên trong mọi khó khăn, thử thách.
Báo Thanh Tra đã có đoạn viết như trên ở bài báo tường thuật hội nghị Chính phủ với các địa phương, diễn ra vào ngày 29-12-2020 (*).
Diễn văn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị đưa ra những con số như sau:
“Năm 2020, trong khi đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, chúng ta đã sớm kiểm soát, khống chế được dịch bệnh, từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hội và phát triển kinh tế – xã hội.
Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 – 2019 bình quân 6,8%/năm. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng cả năm 2020 đạt 2,91%; là mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới.
Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015 (theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN); GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm từ 18,6% năm 2011 xuống còn dưới 4% trong giai đoạn 2016 – 2020. Tỷ giá, thị trường ngoại hối khá ổn định; lãi suất có xu hướng giảm dần; cán cân thanh toán thặng dư; hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện.
Bội chi ngân sách nhà nước và nợ công được kiểm soát trong giới hạn an toàn và giảm so với giai đoạn trước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP đạt khoảng 33,4%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2020 ước đạt 543,9 tỷ USD, xuất siêu 5 năm liên tiếp (năm 2020 ước đạt 19,1 tỷ USD)…”.
Kiều hối và nghi vấn đồng Việt Nam ‘phá giá’
Đa chiều tin tức về bức tranh kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo rằng lượng kiều hối năm 2020 của nước này giảm hơn 7%. Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế của Việt Nam và là nơi nhận được kiều hối nhiều nhất nước, dự kiến trong năm 2020 sẽ đón nhận lượng kiều hối khoảng 5,5 tỷ đô la, chiếm 30% – 40% lượng kiều hối cả nước.
WB dự báo kiều hối Việt Nam năm 2020 chỉ ở mức 15,7 tỷ đô la, chiếm tỷ trọng 5,8% GDP của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là 1 trong 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất toàn cầu.
Theo định nghĩa của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kiều hối là tiền và hiện vật do người lao động sống và làm việc ở nước ngoài từ một năm trở lên chuyển về đất nước của họ. Kiều hối thông thường từ kiều bào, hoặc từ người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài gửi về cho người thân, gia đình. Và từ trước đến nay, Việt Nam xác định kiều hối “là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội”.
Có ý kiến, phải chăng nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là mô hình tốt trong đại dịch Covid-19, khi đã giúp Việt Nam là bạn hàng ngoại thương lớn ở thị trường Hoa Kỳ – tức Việt Nam đang nằm trong danh sách những quốc gia thặng dư thương mại với Hoa Kỳ. Và chính điều đó đang dẫn tới chuyện mới đây các công ty Mỹ hối thúc USTR giao cuộc điều tra Việt Nam thao túng tiền tệ cho Bộ Tài chính.
Tin tức trên VOA hôm 31-12-2020 dẫn nguồn từ báo Politico của Mỹ số phát hành ngày 29-12-2020, nói rằng các công ty Mỹ yêu cầu Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) bỏ cuộc điều tra vào cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ vốn có thể dẫn tới việc Mỹ áp thuế lên hàng loạt sản phẩm Việt Nam, và giao trách nhiệm điều tra lại cho Bộ Tài chính, báo Politico của Mỹ đưa tin hôm 29/12.
“Bất cứ hành động nào của USTR tại thời điểm này đều có nguy cơ phá vỡ đòn bẩy của Bộ Tài chính với Việt Nam, và khả năng khôi phục lại cán cân trên thị trường”, ông Jerry Cook, Phó Chủ tịch đặc trách quan hệ giữa chính phủ và doanh nghiệp của tập đoàn HanesBrands, được Politico trích phát biểu tại cuộc điều trần của chính phủ Trump để tìm hiểu xem liệu Việt Nam có cố tình định giá tiền đồng thấp để hưởng lợi về thương mại hay không.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã phát động cuộc điều tra vào tháng 10 vừa qua dựa trên điều 301 của Đạo luật thương mại 1974, vốn cho phép USTR đơn phương áp các mức thuế quan để đáp trả một khi cơ quan này quyết định đây là một cách hành xử bất công về thương mại đối với nước Mỹ.
Đạo luật này chưa từng được dùng để điều tra cách định giá tiền tệ của một nước khác, và hành động của ông Lighthizer được xem là một sự can thiệp vào phạm vi chính sách mà theo truyền thống, vẫn thuộc Bộ Tài chính.
Làm nhiều nên cần… đóng góp nhiều, và phải biết hưởng ít (?!)
Trung dung với các nguồn tin tức ở trên, có thể tham khảo hai bản tin sau đây được công khai qua kỳ họp cuối cùng của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, và thành phố Hồ Chí Minh năm 2020.
“Sau nhiều thập kỷ, GRDP năm 2020 của TP.HCM chưa bằng một nửa tăng trưởng của cả nước”. Cụ thể, chỉ tăng 1,39% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng ước 7,83% của năm 2019, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của TP.HCM chưa bằng một nửa tốc độ tăng trưởng cả nước. Thu ngân sách cũng giảm 14,2%.
Còn kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, một con số có thể gây ngạc nhiên được đưa ra, đó là: Dù dịch bệnh Covid-19 gây nhiều khó khăn, nhưng thu ngân sách của thủ đô năm 2020 ước đạt gần 280.000 tỉ đồng, tăng 100,2% so với kế hoạch và tăng trên 30.000 tỉ so với số thu ngân sách thực tế năm 2019.
Lưu ý khi làm phép so sánh: Trước năm 2017, tỉ lệ ngân sách giữ lại của Hà Nội là 42%. Giai đoạn 2017-2020, Hà Nội có tỉ lệ ngân sách giữ lại là 35%. Theo phân bổ ngân sách 2021 mới được công bố (Nghị quyết 129/2020/QH14 ngày 13-11-2020 thì dự toán chi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương đối với Hà Nội là 7.159 tỉ đồng. Hà Nội trở thành địa phương có mức chi bổ sung từ ngân sách cao nhất cả nước.
Trong khi đó, TP.HCM cũng đã kiến nghị được giữ lại ngân sách nhiều hơn thay vì 18% như hiện tại, nhưng không được Trung ương đồng ý.
Cũng cần nhắc lại rằng, riêng lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông, từ 2021 đến 2025, TP.HCM cần 83.000 tỉ đồng trong đó nhu cầu vốn từ ngân sách là 45.100 tỉ đồng. Năm 2021, dự toán chi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương đối với TP.HCM là 4.218 tỉ đồng, bằng khoảng 60% Hà Nội. Trong đó, 3.827 tỉ đồng bổ sung để thực hiện các dự án, nhiệm vụ, còn lại bổ sung vào vốn sự nghiệp thực hiện các chế độ, chính sách.
Xem ra có thể tạm kết bằng một câu trung dung ở ngày cuối cùng của năm 2020, “Kinh tế Việt Nam 2021: Lạc quan chừng mực”.
______________
Chú thích: