(VNTB) – Pháp luật không nên nhân nhượng với những hành vi tham gia giao thông hung hăng đó dù đó có là ai đi chăng nữa
Vụ việc xảy ra ở cầu Ông Cộ, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương hôm 11.8.2024, đã làm cho xôn xao dư luận về một thói quen giao thông hung hăng, người đúng thường là người cam chịu.
Theo đó, do mâu thuẫn khi tham gia giao thông, người đàn ông tên Trần Tấn Phong truy đuổi xe hơi 5 chỗ, đập vỡ kính xe, hỏi rằng biết ông ta là ai hay không và bắt tài xế quỳ xuống đường xin lỗi.
Phẫn nộ trước hành vi hung hăng của Phong, độc giả bút danh Thanh Liêm chia sẻ: “Thật không thể chấp nhận được. Đây là một hành động rất côn đồ, ngang nhiên phá hoại tài sản của người khác, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác. Theo tôi thấy, người đàn ông tên Phong này bên cạnh bị truy tố dấu hiệu phạm vào tội “Gây rối trật tự công cộng”; “Cố ý làm hư hỏng tài sản”, “Làm nhục người khác”, cần phải xem xét thêm về vấn đề gây nguy hiểm đến tính mạng người khác nữa”.
Là người tham gia giao thông, thường xuyên đi công tác ở các tỉnh, anh Long chia sẻ: “Đâu chỉ là xe hơi, xe máy cũng có mà. Có một lần mình đi công việc, đêm ở lại Vĩnh Long, được người quen chở đi chơi đêm. Bắt gặp hai thanh niên chạy xe ẩu, vượt qua ngã tư, đụng vào xe người ta. Thay vì họ xin lỗi, họ còn sấn tới kiếm chuyện với hai vợ chồng già. Hai người già thì sao làm lại thanh niên, họ chấp nhận xin lỗi. Một điều nhịn chín điều lành”.
“Theo tôi thấy thế này, văn hoá lái xe ở nước mình luôn đòi hỏi mình phải được ưu tiên, không có khái niệm xe lớn nhường xe nhỏ; xe cơ giới nhường cho người đi bộ. Thậm chí cả người đi bộ, có những người cũng không tuân thủ quy định khi tham gia giao thông, thích đi xuống lòng đường là đi.
Hay những người chạy xe đạp, tập thể dục có, đi làm có cũng tỉnh bơ chạy lấn chiếm đường, có người dàn hàng hai, hàng ba rồi vừa đi vừa nói chuyện. Gặp mấy trường hợp như vậy, thường là mình sẽ né. Lỡ mà dính vô, hoặc là bị một đám bu quanh kiếm chuyện hoặc là sẽ “trời đất ơi, nó chạy xe nó đụng người xe đạp đi mưu sinh này”, mệt mỏi lắm”, chị Ngọc lắc đầu ngao ngán.
“Tui có theo dõi báo chí, cũng có người nói hành động quỳ của anh thanh niên, rồi mấy đứa con nghĩ sao? Nói thiệt, nhịn cho lành. Chứ ngoài đường nhiều người hung hăng lắm. Đâu có biết chuyện gì sẽ xảy ra! Cương thì cũng được đó nhưng tất yếu không bị này cũng sẽ bị kia. Rồi tình hình có khi còn tồi tệ hơn. Việt Nam là đất nước pháp trị. Mọi chuyện cứ để pháp luật giải quyết. Tin rằng pháp luật sẽ không nhân nhượng với những hành vi hung hăng đó dù có thế nào đi chăng nữa. Thậm chí là nên làm nặng để còn răn đe những đối tượng khác nữa”, bà Út chia sẻ.
Một điểm sáng nên được công nhận là công an Bình Dương giải quyết vụ này nhanh, đúng người đúng tội. Tuy nhiên, liệu rằng, với những hình phạt đó có đủ sức răn đe những người có thái độ hung hăng, những người “biết bố mày là ai không”?
Người bị hại là thanh niên, mà Trần Tấn Phong còn hung hăng vậy. Nếu là những phụ nữ chân yếu tay mềm, hoặc với phụ nữ chở con nhỏ, thì những người như Phong sẽ còn hung hăng đến mức độ nào? Liệu rằng, nên chăng, cần cân nhắc mức độ tăng nặng với những hành vi tham gia giao thông hung hăng này hay không?