Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nền tư pháp cảm tính?

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Nền tư pháp Việt Nam thăng – trầm ra sao là tùy thuộc vào ‘cảm tính’ của người đứng đầu “lãnh đạo toàn diện”

 

Tuyên thệ trước các đại biểu Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cam kết hướng tới mục tiêu để nhân dân cảm nhận và thụ hưởng được công bằng và lẽ phải, nghiêm minh và nhân văn trong mỗi phán quyết tư pháp.

Nếu hiểu theo kiểu tạm đoạn luận từ tuyên thệ trên, không hề ‘tự diễn biến – tự chuyển hóa’ để nói rằng lâu nay người dân mỗi khi đáo tụng đình, họ không được đối xử công bằng, lẽ phải không mấy được tôn trọng, và các phán quyết tư pháp không phải luôn là ‘thượng tôn pháp luật’.

Theo như báo chí đưa tin, thì ông Nguyễn Hòa Bình nói rằng trước tiên ông sẽ tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng trong các yêu cầu được hứa hẹn tiếp theo là hướng tới mục tiêu để nền tư pháp nước nhà ngày càng phát triển, để nhân dân cảm nhận và thụ hưởng được công bằng và lẽ phải, nghiêm minh và nhân văn trong mỗi phán quyết tư pháp.

Phát biểu ở trên được đánh giá là khôn ngoan vì đạt được mục tiêu kép: tôn vinh sự lãnh đạo tối cao của Đảng; và nếu kết thúc nhiệm kỳ, lời kêu ca về nền tư pháp vẫn đầy rẫy thì đó là do ‘sự lãnh đạo của Đảng’ – dĩ nhiên nếu khen ngợi, thì đó là nhờ vào tài năng của Chánh án Nguyễn Hòa Bình.

Thế nhưng xét về học thuật, thì với “tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng” sẽ đưa đến chuyện khó khăn trong xây dựng nền tư pháp độc lập.

Ngày nay, chân lý được chấp nhận toàn cầu rằng Hiến pháp của nền dân chủ hiện đại được quản lý bởi nhà nước pháp quyền phải bảo đảm hiệu quả nền tư pháp độc lập. Và nguyên tắc này có rất ít thay đổi (1).

Năm 1994, Bản ghi nhớ của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc có ghi nhận: “Sự độc lập và khách quan của tư pháp và sự chuyên nghiệp của nền pháp lý độc lập là điều kiện đầu tiên cần thiết cho việc bảo vệ quyền con người và việc bảo đảm không có sự phân biệt đối xử trong hoạt động của công lý” (2).

Theo nghĩa thông thường, thẩm phán cần sự độc lập và có phẩm chất đạo đức, người có thể được tin tưởng để giải quyết các nhiệm vụ công độc lập với các mối quan tâm khác.

Tuy nhiên, thẩm phán cũng là một con người, và những thứ họ quyết định liên quan rất lớn đến con người. Vì vậy, thẩm phán cần đến sức mạnh của tổ chức để đối phó với những áp lực hoặc ham muốn vật chất có thể có trong công việc.

Tư pháp độc lập, với nghĩa như trên, là một yếu tố của việc thiết lập tổ chức nơi mà hoạt động tư pháp diễn ra. Tuy nhiên, độc lập tổ chức là một giá trị phức tạp bởi nó là công cụ để theo đuổi một giá trị khác, giá trị nhà nước pháp quyền hoặc giá trị Hiến pháp.

Ở Việt Nam, thẩm phán luôn là đảng viên Đảng Cộng sản. Đảng viên phải tuân thủ chỉ đạo của Đảng ủy cấp trên. Như vậy, yêu cầu vị đảng viên thẩm phán ấy được quyền độc lập tư pháp, xem ra rất khó vì tùy thuộc – nói như tuyên thệ của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, đó là phải “tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng”.

Thật ra cũng không nên chê trách ông Nguyễn Hòa Bình, vì gút mắc lớn nhất của ngành tư pháp Việt Nam là nằm ở thể chế. Sự độc lập của tòa án là yêu cầu căn bản của một nền tư pháp tiến bộ, nhưng điều đó lại mâu thuẫn với thể chế chính trị của Việt Nam.

Về mặt nguyên tắc, các thẩm phán phải hoàn toàn độc lập, chỉ tuân theo pháp luật để xét xử mới đảm bảo được sự công tâm, công bằng. Không thể có một nền tư pháp độc lập khi mà các thẩm phán vẫn là công chức nhà nước và là đảng viên (dù luật không bắt buộc). Trước tòa, họ nhân danh nhà nước để xét xử, nhưng khi trút bỏ chiếc áo thẩm phán họ vẫn chỉ là các công chức, đảng viên bình thường, chịu sự phân công, chỉ đạo của đảng ủy, chính quyền các cấp.

Đơn cử, khi họp Bộ Chính trị, thì ông Nguyễn Hòa Bình vẫn phải chịu mọi quyết định liên quan tư pháp từ những chính khách nhân danh “lãnh đạo toàn diện”.

Bởi vậy nên nền tư pháp của Việt Nam thăng – trầm ra sao là tùy thuộc vào ‘cảm tính’ của người đứng đầu “lãnh đạo toàn diện”, được hiến định tại Điều 4.1, Hiến pháp 2013.

___________

Chú thích:

(1) Bingham, T. H., P. (2000). Judicial Independence in The business of judging: selected essays and speeches. Oxford: Oxford University Press. p. 56.

(2) Commonwealth Law Bulletin (July 1994), at 957, trích trong Bingham, T. H, p. 56.


Tin bài liên quan:

VNTB – Thu hồi tài sản ‘tham nhũng tình dục’: bó tay?

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam kiểm duyệt phát biểu về nhân quyền của ông Biden

Do Van Tien

VNTB – Kê biên tài sản trong tố tụng hình sự: coi vậy mà không hẳn vậy

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo