Hoài Nguyễn
(VNTB) – Truyền thông nhà nước Việt Nam kiểm duyệt phát biểu của Tổng thống Biden về nhân quyền trong hội đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Phát biểu của ông Biden về nhân quyền, theo bản ghi do Nhà Trắng công bố và theo video thu trực tiếp tại hiện trường: “Tôi cũng đã nêu lên tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền là ưu tiên hàng đầu của cả chính quyền của tôi và người dân Mỹ. Và chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại thẳng thắn về vấn đề đó”.
Trong khi đó, phiên bản được sử dụng trên truyền thông nhà nước Việt Nam chỉ nói: “Tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền con người”.
Nhân quyền có… định hướng xã hội chủ nghĩa?
Sở dĩ lâu nay “nhân quyền” với Hà Nội là một từ nhạy cảm chính trị vì cách hiểu và diễn giải của Hà Nội dường như có sự khác biệt để phù hợp với thể chế đơn nguyên.
Trước hết là khái niệm “quyền”. Lý thuyết chung được giảng dạy ở môi trường đại học, “quyền” là khả năng áp đặt ý chí của cá nhân lên một cá nhân khác hoặc một vật thể. Quyền cho phép cá nhân yêu cầu một cá nhân khác làm hoặc không làm một điều gì đó cho mình. Quyền cho phép chủ sở hữu áp đặt ý chí tác động lên vật của mình.
Trong xã hội dân sự, hầu hết mọi tranh chấp đều phát sinh từ mâu thuẫn về quyền lợi.
Quyền xuất phát từ hai nguồn là quyền tự nhiên (nhân quyền) và quyền do xã hội ban cho (dân quyền, quyền do pháp luật quy định).
Quyền tự nhiên và quyền xã hội
Quyền tự nhiên là những quyền mà khi sinh ra, chúng ta mặc nhiên có, không ai có quyền tước đoạt, như quyền được thở, quyền được ăn uống, ngủ nghỉ. Quyền tự nhiên là quy luật tất yếu, nhà nước buộc phải thừa nhận và bảo vệ. Quyền xã hội ban cho là những quyền mà các cá nhân trong cộng đồng quy ước để tạo ra khuôn mẫu ứng xử giữa các cá nhân, như quyền được đòi tiền khi bán hàng, quyền cho thuê tài sản thuộc sở hữu của mình.
Quyền tự nhiên (natural rights) là những quyền cơ bản để con người, các loài động vật và cả mọi sinh vật có trên trái đất có thể tồn tại và phát triển. Quyền tự nhiên là những quyền bẩm sinh vốn có của các chủ thể trong tự nhiên, mọi cơ thể sống đều được hưởng bởi chúng là thành viên của gia đình nhân loại.
Quyền tự nhiên không thể bị định hướng
Quyền tự nhiên không bị giới hạn hay phụ thuộc vào ý chí của cá nhân, cộng đồng hay nhà nước. Theo đó, con người là một chủ thể đặc biệt của tự nhiên, trong quyền tự nhiên có quyền con người. Quyền con người (Human rights, Droits de LHomme) là toàn bộ các quyền, tự do và đặc quyền được công nhận dành cho con người do tính chất nhân bản của nó, sinh ra từ bản chất con người chứ không phải được tạo ra bởi pháp luật hiện hành.
Các quyền tự nhiên quan trọng nhất của con người là quyền sống, tự do và sở hữu. Mục đích lập chính phủ là bảo vệ quyền tự nhiên của công dân thông qua bản khế ước xã hội, văn bản thỏa thuận giữa các thành viên trong cộng đồng để thiết lập trật tự công vì lợi ích chung của xã hội. Học thuyết về quyền tự nhiên là nền tảng tư tưởng đấu tranh chống lại mọi hành vi tùy tiện, duy ý chí của nhà cầm quyền khi hạn chế quyền con người.
Quyền tranh chấp về chính trị
Quyền không thể đứng độc lập mà phải gắn liền với một chủ thể nhất định. Chủ thể này có thể là thể nhân hoặc pháp nhân.
Thể nhân đứng độc lập một mình thì thể nhân vẫn có quyền, đó là quyền tự nhiên. Tranh chấp về nhân quyền thường là tranh chấp về chính trị.
Tranh chấp giữa thể nhân với một thể nhân khác trong mối liên hệ xã hội có liên quan tới lợi ích là dân quyền. Đa phần các giao dịch dân sự có tranh chấp đều được quy định trong các văn bản pháp luật. Quyền của mỗi cá nhân xuất phát từ tư cách của chủ thể đó trong các giao dịch.
Thế nhưng ở Việt Nam tính đến hiện tại thì trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, mới chỉ đề cập đến dân quyền và một phần của nhân quyền. Các văn bản hầu hết chỉ quy định theo dạng liệt kê quyền chứ không có khái niệm cụ thể, cũng không phân chia tạo nên hệ thống quyền của con người. Do đó nhân quyền tranh chấp về chính trị là điều mà Đảng Cộng sản Việt Nam thường là không chấp nhận vì tính chất đơn nguyên thể chế khi ấy sẽ bị đe dọa.
_____________
Tham khảo:
– Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng (chủ biên), Giáo trình lý luận và pháp luật về quyền con người, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2015, trang 39.
– Từ điển thuật ngữ chính trị (Lexique de politique), Nhà xuất bản Dalloz, 2001 của Chales Debbash, Jacques Bourdon, Jean Marie Pontier, Jean Claude Rissi (Bản dịch tiếng việt của Nhà xuất bản Thế Giới, 2005, trang 193).
– Vũ Văn Mẫu, Pháp luật nhập môn, giảng tại Đại học Luật Saigon năm 1973, trang 175-196; Triệu Quốc Mạnh, sách đã dẫn, trang 226-289.