VNTB – Nếu “Nhà nước Đề Ga” cũng yêu cầu bảo hộ quyền tự quyết?

VNTB – Nếu “Nhà nước Đề Ga” cũng yêu cầu bảo hộ quyền tự quyết?

Hồng Dân

 

(VNTB) – Các yêu cầu về “văn hóa, tôn giáo” của người Thượng Tây Nguyên lâu nay vẫn bị xâm phạm khi tôn giáo chỉ được tự do trong khuôn khổ “theo ý Đảng”

 

Theo nguyên tắc tự quyết, người dân các nước từng bị chiếm làm thuộc địa, hay từng phải chịu áp bức nặng nề có quyền tự do quyết định chính phủ tương lai và địa vị của mình trong cộng đồng quốc tế.

Nhìn từ Ukraina…

Tháng 5-2014, người dân Ukraine bằng quyền dân tộc tự quyết đã đưa đất nước vào một hướng đi mới. Sau những cuộc biểu tình tại quảng trường Maiden kết thúc bằng xung đột, họ đã lật tổng thống tham ô và thân Nga Viktor Ianoukovitch.

Để củng cố nền độc lập, người dân Ukraine khẳng định chiều hướng thắt chặt quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, quyết tâm tiêu diệt tham nhũng và tàn tích quá khứ Xô Viết.

Ngay lập tức, nguyện vọng của đại đa số người dân Ukraine đã bị chính quyền Nga cản trở bằng các hành động xâm chiếm Crimée. Nhà phân tích Alain Guillemos, cựu phóng viên của AFP tại Kiev, tác giả quyển sách “Même la neige était orange” (Đến tuyết cũng màu cam) cho rằng thái độ này chỉ đào rộng thêm hố sâu chia cắt Ukraine với Nga và càng làm cho người dân nước vệ tinh cũ của Liên Bang Xô Viết quyết liệt hơn trong tinh thần bảo toàn chủ quyền lãnh thổ và quay theo Âu Mỹ.

Dù vậy, khi sự chú ý của thế giới đã chuyển từ Sevastopol sang Kiev và nhiều cuộc khủng hoảng gần đây tại những nơi khác, một sự cân bằng chủ chốt giữa hai trong số những nguyên tắc cơ bản nhất của trật tự pháp lý và chính trị quốc tế thời kỳ hậu Thế chiến thứ hai vẫn đang bị đe dọa.

Đó là câu chuyện của mâu thuẫn giữa quyền dân tộc tự quyết và toàn vẹn lãnh thổ.

Lý do đòi độc lập có thể bắt nguồn từ những biện pháp thắt lưng buộc bụng và những thất bại của chính phủ trung ương.

Được xem là một nguyên tắc trong luật pháp quốc tế, quyền tự quyết của dân tộc được xác nhận là nền tảng cho các cuộc đàm phán về nhiều vấn đề khác nhau, như nghị quyết chấm dứt xung đột ở vùng Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan của Liên Hiệp Quốc năm 1948, biên giới các nước ở Đông Âu năm 1990…

Tuy nhiên, từ Kirkuk – Iraq đến Catalonia – Tây Ban Nha, vấn đề dân tộc lại nổi lên, khiến các nền dân chủ hiện đại không khỏi bối rối. Những người nắm quyền đang phải tìm đọc lại những quyển sách giáo khoa về luật pháp quốc tế.

Tính đến hiện tại, có lẽ nhiều đồng thuận hơn về quan điểm khi mà tự chủ là không đủ, thì có thể sắp xếp một vụ “ly hôn thân thiện”, giống như khi Tiệp Khắc phân tách một cách hòa bình thành hai quốc gia có chủ quyền như là Cộng hòa Czech và Slovakia.

Nhưng những đòi hỏi quyền tự quyết một cách tuyệt đối sẽ nhiều khả năng trở thành một nguồn cơn bạo lực, và đó là lý do tại sao chúng phải được xử lý một cách cực kỳ cẩn thận.

Trước khi viện dẫn quyền tự quyết như là một nguyên tắc đạo đức, người ta phải chú ý tới phiên bản ngoại giao của Lời thề Hippocrates: Primum non nocere – Trước hết, không gây ra tổn hại nào!.

… Đến vấn đề người Thượng ở Việt Nam

Khi những lời kêu gọi sự tự trị và độc lập xuất hiện ngày càng nhiều, thì một nước đơn nguyên chính trị như Việt Nam xem chừng cũng bộn bề lo lắng về những phiên bản khác nhau như “Nhà nước Đề Ga” thay cho Fulro (Fulro là tên gọi tắt theo cách ghép những chữ cái đứng đầu các từ tiếng Pháp: Front Unifié de Lutte des Races Opprimées, dịch sang tiếng Việt là “Mặt trận thống nhất đấu tranh của các dân tộc bị áp bức”) hồi nào.

Tuyên giáo Việt Nam cho rằng “Nhà nước Đề Ga” hay “Cộng hòa Đề Ga” là là một tổ chức phản động của nhóm người lưu vong với mưu đồ ly khai khu vực Tây Nguyên thành một quốc gia riêng rẽ độc lập.

Tổ chức này được sự hỗ trợ của “Quỹ người Thượng” thành lập tại Mỹ do Ksor Kơk cầm đầu. Mưu đồ của các thế lực thù địch mà những kẻ như Ksor Kớk là những con bài chính trị của chúng là làm mất an ninh trên toàn Tây Nguyên – Việt Nam…

Lịch sử ghi nhận, những cư dân bản địa của khu vực Tây Nguyên Việt Nam là người Thượng (Đề Ga). Người Việt Nam đã chinh phục Tây Nguyên trong quá trình Nam tiến. Hiện nay, dân số người Việt (người Kinh) đã áp đảo người Thượng sau những nỗ lực tái định cư được tài trợ trước tiên bởi nhà Nguyễn, sau đó là chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, và sau là Chính quyền Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sau khi Việt Nam thống nhất.

Đã có những xung đột xảy ra giữa đồng bào dân tộc thiểu số với người Kinh, từ chính quyền chống Cộng của Việt Nam Cộng Hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đến nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau đó.

Hiện nay, các phong trào đòi ly khai do một số người Thượng thành lập, cùng một số tổ chức phương Tây cáo buộc rằng chính phủ Việt Nam thi hành chính sách đàn áp người Thượng ở Tây nguyên.

Ngược lại, chính phủ Việt Nam cho rằng những người dân tộc thiểu số trên toàn Việt Nam luôn được hưởng các quyền công dân bình đẳng, các phong trào ly khai người Thượng và một số tổ chức phương Tây đã xuyên tạc tình hình ở Việt Nam nhằm phá hoại tình đoàn kết giữa các dân tộc trên đất nước Việt Nam, kích động người dân tộc thiểu số đòi ly khai với ý đồ gây ra bạo loạn để quân đội ngoại quốc có cớ tấn công Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam cho rằng việc bắt giữ các đối tượng kích động gây bạo loạn, ly khai là điều pháp luật các nước đều có quy định để đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ và an ninh xã hội, nên không thể dựa vào đó để nói rằng “chính phủ Việt Nam đàn áp người Thượng” như các tổ chức phương Tây cáo buộc.

“Quyền tự quyết” ở Việt Nam là phải “theo ý Đảng”

Nhà nước Việt Nam lập luận rằng việc thực hiện quyền dân tộc tự quyết và quyền con người cần tương thích với trình độ phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam là đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phù hợp với thể chế Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Do đó việc thực hiện quyền dân tộc tự quyết và quyền con người ở Việt Nam hiện nay là không được đưa ra yêu cầu thay đổi chế độ chính trị – xã hội.

Vấn đề ở đây là nhà nước Việt Nam vẫn đang lúng túng trong chuyện buộc các dân tộc phải “theo ý Đảng” từ căn cứ về các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã thỏa thuận thực hiện.

Theo đó, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966 ghi: “Tại những nước có nhiều nhóm dân tộc thiểu số, tôn giáo và ngôn ngữ cùng chung sống, thì những cá nhân thuộc các dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ và các thiểu số đó, cùng với những thành viên khác của cộng đồng mình, không thể bị tước bỏ quyền được thụ hưởng nền văn hóa riêng, quyền được thể hiện và thực hành tôn giáo riêng hoặc quyền được sử dụng tiếng nói riêng của họ” (Điều 3).

Trong Tuyên bố về quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ năm 1992 ghi: “Các quốc gia sẽ bảo vệ sự tồn tại và bản sắc dân tộc hay sắc tộc, văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ của người thiểu số trong phạm vi lãnh thổ thuộc sự quản lý của họ và khuyến khích những điều kiện để thúc đẩy bản sắc đó; các quốc gia sẽ thông qua những biện pháp lập pháp và những biện pháp thích hợp khác để đạt được những mục tiêu này” (Điều 1).

Như vậy rất nhiều văn bản pháp luật quốc tế thừa nhận quyền của người dân tộc thiểu số trên tất cả các mặt tương đương như người dân tộc đa số trong quốc gia đó, và chưa tìm thấy một quy định của pháp luật quốc tế nào cho rằng một nhóm dân tộc thiểu số ở một quốc gia nào đó có quyền được ly khai, được thành lập một quốc gia độc lập.

Thế nhưng các yêu cầu về “văn hóa, tôn giáo” của người Thượng Tây Nguyên lâu nay vẫn bị xâm phạm khi tôn giáo chỉ được tự do trong khuôn khổ “theo ý Đảng”, chính điều này đưa đến việc thế giới tiếp tục nhìn nhận Việt Nam không tôn trọng nhân quyền, và căn cứ vào chữ nghĩa, người ta thấy “Front Unifie de Lutte des Races Opprimées” không chỉ còn trúng mà là phù hợp với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966.

Công bằng mà nói, từ tự do tôn giáo, tự do ngôn luận cho đến tự do đi lại ở Việt Nam, không có một tự do nào là không chịu sự trói buộc của “ý Đảng” – giống như kinh tế thị trường cũng phải “định hướng xã hội chủ nghĩa”.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)