VNTB – Đừng tự ru ngủ nhau

VNTB – Đừng tự ru ngủ nhau

 

Nguyễn Huyền

(VNTB) – “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. – Nguyễn Phú Trọng

 

Trong lúc dịch giã Covid hoành hành và chiến tranh Nga – Ukraine đang bùng nổ thì Việt Nam vẫn an nhiên bàn luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội theo phiên bản tạm gọi là “Nguyễn Phú Trọng” với định đề quen thuộc học thuyết Mác – Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Putin nhận xét gì về Lê-nin?

Tối 21/2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin có bài phát biểu một giờ trước quốc dân, giải thích các luận điểm của Nga về khủng hoảng Ukraine. Trong bài phát biểu này ông Putin đã có những nhận xét như sau về Lê-nin, và qua đó rất có thể Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cần xem xét lại những quan điểm chính trị cá nhân của ông về học thuyết Mác – Lê.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra lập luận như sau (bản dịch của BBC tiếng Việt):

“Tôi sẽ bắt đầu với sự thật rằng Ukraine hiện đại hoàn toàn do Nga tạo ra hay nói chính xác hơn là bởi phe Bolshevik, bởi nước Nga Cộng sản. Quá trình này thực tế bắt đầu ngay sau cuộc cách mạng năm 1917, và Lenin và các cộng sự của ông ta đã thực hiện nó theo cách cực kỳ khắc nghiệt đối với nước Nga – bằng cách chia cắt, cắt đứt những gì thuộc về lịch sử của đất Nga. Không ai hỏi hàng triệu người sống ở đó họ nghĩ gì.

Sau đó, cả trước và sau Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, Stalin đã hợp nhất vào Liên Xô và chuyển giao cho Ukraine một số vùng đất trước đây thuộc về Ba Lan, Romania và Hungary. Trong quá trình này, ông ta đã trao cho Ba Lan một phần đất theo truyền thống của Đức để đền bù, và vào năm 1954, Khrushchev đã đưa Crimea khỏi Nga vì một số lý do và cũng trao nó cho Ukraine. Trên thực tế, đây là cách lãnh thổ của Ukraine hiện đại được hình thành.

Nhưng bây giờ tôi muốn tập trung sự chú ý vào thời kỳ đầu mới hình thành của Liên Xô. Tôi tin rằng điều này là cực kỳ quan trọng đối với chúng tôi. Tôi sẽ phải tiếp cận từ xa, có thể nói như vậy.

Tôi sẽ nhắc rằng sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917 và cuộc Nội chiến tiếp theo, những người Bolshevik bắt đầu thành lập một nhà nước mới. Họ đã có những bất đồng khá nghiêm trọng về điểm này. Năm 1922, Stalin giữ các chức vụ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nga (những người Bolshevik) và Dân ủy Nhân dân về các vấn đề dân tộc. Ông ta đề nghị xây dựng đất nước theo nguyên tắc tự trị, nghĩa là, trao cho các nước cộng hòa – các thực thể hành chính và lãnh thổ trong tương lai – quyền hạn rộng rãi khi gia nhập một nhà nước thống nhất.

Lê-nin chỉ trích kế hoạch này và đề nghị nhượng bộ những người theo chủ nghĩa dân tộc, những người mà ông gọi là “những người độc lập” vào thời điểm đó. Ý tưởng của Lê-nin về những gì thực chất là sự sắp xếp nhà nước liên minh và khẩu hiệu về quyền tự quyết của các quốc gia, quyền ly khai, đã được đặt ra trong nền tảng của nhà nước Xô Viết. Ban đầu chúng được xác nhận trong Tuyên bố về sự thành lập Liên bang Xô viết năm 1922, và sau đó, sau khi Lê-nin qua đời, được ghi trong Hiến pháp Liên Xô năm 1924.

(…) Tôi không cố gắng đổ lỗi cho bất kỳ ai. Tình hình đất nước lúc bấy giờ, cả trước và sau Nội chiến đều vô cùng phức tạp; rất nguy nan. Điều duy nhất tôi muốn nói ngày hôm nay là sự thật là vậy đó. Đó là một sự thật lịch sử. Trên thực tế, như tôi đã nói, Ukraine thuộc Liên Xô là kết quả của chính sách của những người Bolshevik và có thể được gọi một cách chính xác là “Ukraine của Vladimir Lenin”. Ông ấy là người tạo ra nó và là kiến ​​trúc sư. Điều này được chứng thực đầy đủ và toàn diện bởi các tài liệu lưu trữ, bao gồm cả những chỉ dẫn khắc nghiệt của Lê-nin về Donbass, là vùng thực tế đã bị chuyển vào Ukraine. Và ngày nay “thế hệ con cháu biết ơn” đã lật đổ tượng đài Lê-nin ở Ukraine. Họ gọi đó là quá trình phi cộng sản hóa (decommunization).

Bạn muốn phi cộng sản sản? Rất tốt, điều này ổn thôi. Nhưng tại sao lại dừng giữa chừng? Chúng tôi đã sẵn sàng để chứng minh rằng việc phi cộng sản hóa thực sự có ý nghĩa như thế nào đối với Ukraine” (dừng trích).

Nguyễn Phú Trọng vẫn trung thành với Lenin cho đến chết

Trung tuần tháng 12-2021, ông Leonid Kalashnikov, phó chủ tịch Đảng, chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề về khối Cộng đồng các quốc gia độc lập, Liên kết Á-Âu và kiều bào của Duma Quốc gia Nga, đã thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên bang Nga trao tặng Tổng bí thư Nguyễn Phú trọng giải thưởng cao quý nhất của Đảng Cộng sản Liên bang Nga và Đảng Cộng sản Liên Xô: Giải thưởng Lê-nin

Phát biểu tại buổi tiếp và tại lễ trao tặng giải thưởng Lê-nin cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Leonid Kalashnikov khẳng định Giải thưởng Lê-nin mà Đảng Cộng sản Liên bang Nga trao tặng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp 150 năm kỷ niệm ngày sinh của Lênin thể hiện sự trân trọng và ghi nhận đối với những đóng góp xuất sắc của Tổng bí thư – nhà hoạt động chính trị lỗi lạc, được đánh giá cao tại Nga và trên thế giới, trong việc phấn đấu vì công bằng, nhân văn và tiến bộ xã hội; vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và nghiên cứu làm phong phú lý luận và thực tiễn cho việc phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, cũng như những nỗ lực không ngừng nhằm củng cố quan hệ hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga. Thành công của Việt Nam là minh chứng sinh động cho chủ nghĩa xã hội được hiện thực hóa.

Ở Việt Nam, tính cho đến hiện tại thì dường như không ai xứng đáng được nhận giải thưởng Lê-nin bằng ông Nguyễn Phú Trọng.

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” đăng trên báo chí nhân dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác giả Nguyễn Phú Trọng có đoạn viết với luận bàn xem ra trái ngược hẳn so bài hùng biện trên truyền hình của Tổng thống Nga Vladimir Putin tối 21/2:

“Như chúng ta đã biết, chủ nghĩa xã hội thường được hiểu với ba tư cách: chủ nghĩa xã hội là một học thuyết; chủ nghĩa xã hội là một phong trào; chủ nghĩa xã hội là một chế độ. Mỗi tư cách ấy lại có nhiều biểu hiện khác nhau, tùy theo thế giới quan và trình độ phát triển ở mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể.

Chủ nghĩa xã hội đề cập ở đây là chủ nghĩa xã hội khoa học dựa trên học thuyết Mác -Lênin trong thời đại ngày nay. Vậy thì chúng ta phải định hình chủ nghĩa xã hội thế nào, và định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh, đặc điểm cụ thể ở Việt Nam?

Trước đây, khi còn Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa thế giới thì vấn đề đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam dường như không có gì phải bàn, nó mặc nhiên coi như đã được khẳng định. Nhưng từ sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ, cách mạng thế giới lâm vào thoái trào thì vấn đề đi lên chủ nghĩa xã hội lại được đặt ra và trở thành tâm điểm thu hút mọi sự bàn thảo, thậm chí tranh luận gay gắt.

Các thế lực chống cộng, cơ hội chính trị thì hí hửng, vui mừng, thừa cơ dấn tới để xuyên tạc, chống phá. Trong hàng ngũ cách mạng cũng có người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa xã hội, quy kết nguyên nhân tan rã của Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là do sai lầm của chủ nghĩa Mác – Lênin và sự lựa chọn con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ đó họ cho rằng chúng ta đã chọn đường sai, cần phải đi con đường khác.

Có người còn phụ họa với các luận điệu thù địch, công kích, bài bác chủ nghĩa xã hội, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản. Thậm chí có người còn sám hối về một thời đã tin theo chủ nghĩa Mác – Lênin và con đường xã hội chủ nghĩa!

Thực tế có phải như vậy không? Thực tế có phải hiện nay chủ nghĩa tư bản, kể cả những nước tư bản chủ nghĩa già đời vẫn đang phát triển tốt đẹp không? Có phải Việt Nam chúng ta đã chọn con đường đi sai không?” (dừng trích)

Dĩ nhiên câu hỏi trên chỉ là “tu từ” vì tựa của bài viết này là “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

Phản biện của Putin về Lê-nin

Putin nói: “Ông ấy là người tạo ra nó và là kiến ​​trúc sư. Điều này được chứng thực đầy đủ và toàn diện bởi các tài liệu lưu trữ, bao gồm cả những chỉ dẫn khắc nghiệt của Lenin về Donbass, là vùng thực tế đã bị chuyển vào Ukraine. Và ngày nay “thế hệ con cháu biết ơn” đã lật đổ tượng đài Lenin ở Ukraine. Họ gọi đó là quá trình phi cộng sản hóa”.

Là một người Nga, chắc hẳn ông Putin hiểu về Lê-nin hơn hẳn ông Nguyễn Phú Trọng. Việc gọi là “ngày nay “thế hệ con cháu biết ơn” đã lật đổ tượng đài Lenin ở Ukraine”, chắc hẳn có cái lý của người Ukraine hiện tại so với việc tiếp tục sùng bái học thuyết Lê-nin của ông Nguyễn Phú Trọng.

Vậy thì từ cuộc chiến Nga – Ukraine cho thấy những lời tụng xưng kiểu: “Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” tuyển chọn 29 bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phân tích biện chứng, lý giải thấu đáo những câu hỏi lớn về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, đang rất cần có những điều chỉnh trong lần xuất bản tới.

Và quan trọng nhất là từ những phản biện về Lê-nin của Putin hôm 21/2/2022, cho thấy giờ đây tác giả Nguyễn Phú Trọng lại phải lần mò tiếp tục đi tìm biện chứng cho lý giải của điều chỉnh cách hiểu về Lê-nin trong dung hòa với tư tưởng Hồ Chí Minh, nếu như ông vẫn kiên nhẫn đi tìm con đường lên chủ nghĩa xã hội trong tâm thế đầy cao ngạo rằng “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 2 years

    Lời 1 bài hát của Việt Anh “Ngủ ngoan đi, trái tim hoài đam mê”