Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ngân hàng Nhà nước hút ròng 75.000 tỷ đồng chỉ trong 1 tuần

Phương Nguyên

 

(VNTB) – Trong 4 phiên giao dịch trước đó, nhà điều hành đã hút gần 60.000 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu với cùng kỳ hạn 28 ngày và lãi suất 1,4%/năm.

 

Như vậy, kể từ khi khởi động lại kênh tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước đã hút về tổng cộng gần 75.000 tỷ đồng thanh khoản khỏi hệ thống, trong khi không có động thái bơm thêm tiền ra thị trường như những lần trước.

Giới phân tích cho rằng, Ngân hàng Nhà nước hút tiền trong bối cảnh thanh khoản dư thừa khi tín dụng quay đầu giảm trong những tháng đầu năm (tín dụng đối với nền kinh tế đến cuối tháng 2-2024 giảm 0,72%). Lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã giảm mạnh so với mức đỉnh từng đạt được trong ngày 21-2 (4,14%), và đang có xu hướng tiến về mặt bằng thấp được duy trì trong giai đoạn dư thừa thanh khoản vào cuối năm 2023.

Mặt khác, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu hút tiền (ngày 11-3), tỷ giá đã có xu hướng giảm so với mức đỉnh. Tỷ giá trên thị trường chợ đen đã có xu hướng hạ nhiệt trong 3 ngày đầu nhà điều hành hút 45.000 tỷ đồng qua tín phiếu. Tuy nhiên, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại lại tiếp tục tăng trong ngày cuối tuần.

Trên thị trường một số ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Theo đó, ngày 15-3, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất tại nhiều kỳ hạn. Lãi suất huy động cao nhất tại ngân hàng này chỉ còn 4,7%/năm. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng giảm từ 1,7%/năm xuống 1,6%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng giảm từ 2%/năm xuống 1,9%/năm. Tại các kỳ hạn 6-11 tháng, lãi suất được giữ nguyên ở mức 3%/năm. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng đã giảm 0,1%, từ 4,8%/năm xuống 4,7%năm; kỳ hạn 24 tháng giảm từ 4,9%/năm xuống 4,7%/năm.

Sau lần điều chỉnh này, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1-5 tháng tại ngân hàng này đang thấp nhất trong nhóm Big 4; lãi suất kỳ hạn 6-18 tháng ngang bằng với Vietcombank và cũng thấp nhất hệ thống. Kể từ đầu tháng Ba đã có 14 ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động gồm: Techcombank, NCB, KienLong Bank, Agribank, PGBank, BVBank, BaoViet Bank, GPBank, ACB, VPBank, PVCombank, Dong A Bank, MB.

Theo Chứng khoán BIDV (BSC), tín phiếu Ngân hàng Nhà nước là giấy tờ có giá ngắn hạn do Ngân hàng Nhà nước phát hành để thực hiện Chính sách tiền tệ quốc gia. Các chủ thể tham gia mua bán tín phiếu có Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng có tài khoản thanh toán bằng VNĐ tại Ngân hàng Nhà nước.

Mục tiêu ngắn hạn khi Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu là điều tiết thanh khoản trên thị trường trong ngắn hạn để tác động đến tỷ giá. Trong dài hạn, việc phát hành tín phiếu để ổn định tỷ giá, lãi suất, thanh khoản… để phục vụ cho mục tiêu dài hạn của chính sách tiền tệ. BSC cho rằng, thông qua việc phát hành tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước điều tiết thanh khoản hệ thống đang dư thừa mà tổ chức tín dụng chưa dùng đến.

Trong một diễn biến liên quan, sau tuần giảm điểm trước đó, thị trường chứng khoán hồi phục tương đối tích cực cả về điểm số lần thanh khoản trong tuần từ 11 đến 15-3. Dòng tiền tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ, đặc biệt ở nhóm bán lẻ, dầu khí, vận tải biển và bất động sản – xây dựng. Đóng cửa tuần, VN-Index tăng 16,4 điểm (+1,32%) lên 1.263,8 điểm. Thanh khoản sàn HOSE đạt hơn 25.200 tỷ đồng/phiên; HNX-Index tăng 3,2 điểm (+1,36%) lên mức 239,5.

Sau khi bảo vệ thành công ngưỡng hỗ trợ MA20 (1.230-1.234 điểm), chỉ số đại diện thị trường hiện đang giao dịch sát vùng kháng cự 17 tháng (ngưỡng 1.270-1.280 điểm). Cùng với diễn biến phân hóa ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, khối ngoại cũng trở thành lực cản khi bán ròng tới 2.850 tỷ đồng trong tuần qua (bao gồm 2.606 tỷ đồng trên HoSE, 88 tỷ trên HNX và 152 tỷ đồng trên sàn UPCoM). Chỉ tính riêng phiên cuối tuần, nhóm này đã rút hơn 1.300 tỷ ra khỏi thị trường.

Được biết, tuần qua là thời điểm cơ cấu của ba quỹ ETF ngoại lớn nhất trên thị trường Việt Nam gồm VNM ETF, FTSE Vietnam ETF, Fubon ETF. Đây là nguyên nhân dẫn đến lực bán ròng tăng đột biến. Dù vậy, hoạt động này không khiến thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh như tuần trước đó. Theo thống kê, cổ phiếu VNM, VHM và MWG là 3 mã bị bán mạnh nhất với lần lượt 532 tỷ đồng, 375 tỷ và 291 tỷ đồng. Các mã VPB, VCB, HPG, SBT và MSN bị bán ròng từ 188 – 268 tỷ đồng.

Có thể thấy, nhóm cổ phiếu bán lẻ là tâm điểm rút ròng của nhà đầu tư nước ngoài trong tuần thị trường chứng khoán hồi phục. Bản thân nhóm này cũng là công thần giúp chỉ số đi lên. Những mã như FRT, PET, MSN, MWG đã tăng cả chục % trong “trận đánh” ngắn hạn của các dòng tiền cá mập.

Dường như tin tức về hậu trường “đấu đá” nhau ở các quan chức lãnh đạo đã không mấy ảnh hưởng rõ rệt đến đời sống kinh tế – tài chính hiện tại.

 


Tin bài liên quan:

Nợ công sẽ làm thoái lui đầu tư tư nhân

Phan Thanh Hung

VNTB – Thí điểm thuê giám đốc điều hành DNNN không là đảng viên

Bùi Ngọc Dân

VNTB – “Bong bóng” thị trường bất động sản chung cư

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo