Hàn Lam
(VNTB) – Bất chấp giá cả vàng nhảy múa, Ngân hàng Nhà nước lại tiếp tục chính sách độc quyền nhập khẩu vàng.
Giải trình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13-5-2024, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà thừa nhận từ 2022 trở lại đây thị trường vàng trong nước bộc lộ hạn chế, sau thời gian dài ổn định được quản lý theo Nghị định 24/2012. Nguyên nhân, theo ông, chủ yếu do thế giới tăng, đắt thêm 14% từ đầu năm đến nay và nguồn cung trong nước hạn chế.
Về giải pháp, theo Phó thống đốc, trước mắt cơ quan này tiếp tục đấu thầu với khối lượng phù hợp để tăng cung, nhằm ổn định và giảm chênh lệch với giá thế giới. Dự kiến ngày 14-5 cơ quan này tiếp tục đấu thầu vàng miếng.
“Tuần này sẽ có hai phiên đấu thầu, tăng 1 so với trước, để thêm nguồn cung ra thị trường”, ông Hà thông tin, và nhấn rõ là, “về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước sẽ đề xuất sửa Nghị định 24”.
Ông Hà không cụ thể thời gian gọi là “về lâu dài” đó cho chuyện tiếp tục độc quyền nhập khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước.
Trong ngày 13-5, kim loại quý này vẫn nhảy múa. Sau khi lao dốc 3 triệu đồng lúc mở cửa, về ngưỡng 88,5 triệu một lượng, tới đầu giờ trưa, giá vọt tăng lên trên 90 triệu đồng mỗi lượng. Một số cửa hàng vàng cho hay, do lượng người mua vẫn còn khá đông nên cửa hàng phải giới hạn lượng bán ra tối đa 2 lượng vàng/người. Tới 10g30′, nhiều tiệm thông báo mặt hàng nhẫn tròn trơn và vàng SJC đã tạm hết.
Mở cửa phiên đầu tuần, giá vàng thế giới đi ngang quanh vùng 2.360 USD một ounce, quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank, tương đương 72,5 triệu đồng mỗi lượng.
Giá vàng công bố trong ngày 13-5 lúc 10g58 của PNJ, loại vàng miếng bán ra là 90 triệu đồng/ lượng. Giá vàng cập nhật lúc 15g40 của Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI Hà Nội, theo thông báo bán ra là 89 triệu đồng/ lượng, thực tế tại cửa hàng của DOJI là 89,5 triệu đồng/ lượng. Giá vàng của Công ty vàng bạc, đá quý Sài Gòn SJC, niêm yết cập nhật lúc 14g15 là mua vào 87,5 triệu đồng/ lượng, bán ra 90 triệu đồng/ lượng.
Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 87 – 89 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Mức giá này cũng được niêm yết tại Phú Quý (cập nhật 13g57).
Mức cung bị giới hạn nhập khẩu vàng thô và sản xuất vàng miếng SJC được giữ độc quyền, là các lý do được cho là có tính cốt lõi khiến giá vàng ở Việt Nam có mức chênh lệch quá xa so với giá thế giới.
Trước tiên, theo ý kiến chung ghi nhận từ giới đầu tư và các chuyên gia độc lập, cần xem xét việc bỏ độc quyền nhập khẩu vàng thô và sản xuất vàng miếng SJC, thiết lập một cơ chế giao dịch vàng tập trung, theo đó các công ty quốc doanh có thể cạnh tranh nhau nhập cảng vàng ròng, sau đó sản xuất vàng miếng theo tiêu chuẩn SJC, và bán ra cho tư nhân một cách minh bạch với hóa đơn chính thức có sự kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước.
Về lo ngại giá vàng và tỷ giá USD có tác động đến nhau, giá USD tăng làm suy yếu đồng VND, thúc đẩy việc mua vàng nhiều hơn như một biện pháp phòng ngừa lạm phát. Tuy nhiên, khi giá vàng giảm xuống do biện pháp đưa ra nêu trên sẽ làm giảm nhu cầu mua vàng, mua USD và như vậy sẽ giúp ổn định tỷ giá. Hơn nữa, về ngoại hối, tư nhân khi được phép nhập vàng, họ cũng phải trả bằng tiền USD của họ chứ không dùng ngoại hối dự trữ của Ngân hàng Nhà nước.
Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước vừa thông báo sẽ tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng SJC tiếp theo vào 9 giờ 30 ngày 14-5. Đây là phiên đấu thầu vàng miếng thứ 6 trong năm nay. Khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu vẫn là 16.800 lượng. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 88 triệu đồng/lượng. Mỗi thành viên được phép đặt thầu tối thiểu 5 lô (tương đương 500 lượng) và khối lượng tối đa là 40 lô (tương đương 4.000 lượng).