Ngân Bình
(VNTB) – Chính phủ hãy lên tiếng và lưu tâm, cả xã hội sẽ cùng nhau góp sức để vượt qua cơn đại dịch này.
Một nhóm cướp nhắm mục tiêu vào cửa hàng tiện ích.
Một người, theo thông tin lan truyền trên mạng xã hội, đã tự vẫn vì không còn tiền để sinh sống.
Khi xã hội gặp biến cố vì thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh thì các mầm mống ‘loạn ly’ có cơ hội trỗi dậy.
Những mầm mống ‘loạn’ đang diễn ra trong xã hội hiện tại và có thể bùng phát nếu tình hình không chuyển biến tích cực. Trong khi đó, nhóm người bán vé số sẽ ‘dừng hoạt động’ trong vòng 2 tuần để đồng hành cùng chính phủ trong chỉ thị ‘cách ly xã hội’.
Xã hội Việt Nam đang bước vào giai đoạn đầu của ‘đóng băng’, lộ trình cần thiết để ngăn chặn dịch Covid-19 lan rộng.
Trước 0h ngày 1-4-2020, người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ, gồm cả xăng dầu. Họ vẫn còn có thể đủ sức cầm cự trong 2 tuần, nhưng đó không phải là tất cả. Nhóm người dễ bị tổn thương, điển hình là người già và trẻ em buộc phải lao động để mưu sinh giờ đây có thể phải đứng trước một cận cảnh không hề dễ chịu: đầu tiên là tiền đâu.
Tại phía Nam, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra một chính sách hết sức kịp thời và đầy tính nhân văn khi hỗ trợ những người bán vé số có được số tiền để sống qua thời gian khốn khó này. Nhưng còn các tỉnh thành khác thì sao? Nguồn chi ngân sách dành cho những người lao động cực thấp và độ tuổi trên trung niên sẽ như thế nào? Đó là một bài toán không hề đơn giản trong hoàn cảnh ngân khố quốc gia còn nhiều vấn đề, nhưng không phải vì thế mà nhóm người dễ bị tổn thương bị bỏ rơi.
Không ai bị bỏ lại trong dịch bệnh này là nguyên tắc nhân đạo và nghĩa đồng bào mà chính phủ có thể nhấn mạnh trong mọi chủ trương, chính sách liên quan đến phòng chống dịch. Chỉ cần chính phủ trọng tâm kêu gọi hỗ trợ mạnh mẽ cho lớp người nghèo khó, bần cùng trong xã hội thì người viết tin rằng con số mà xã hội quyên góp không chỉ dừng ở mức 100 tỷ đồng. Nói cách khác – nếu chính phủ thực tâm theo đuổi nghĩa đồng bào bằng lời kêu gọi tâm huyết thì đồng bào sẽ kết đoàn để cùng nhau nhường cơm sẻ áo.
Lúc này đây, huy động nguồn lực từ các cá nhân, hội đoàn xã hội trong nước là cực kỳ cần thiết để đảm bảo nguồn tài chính hữu hiệu trong hỗ trợ người nghèo ‘thở’ qua cơn dịch bệnh này.
Mùa dịch bệnh này là bài kiểm tra hữu hiệu về tình đoàn kết dân tộc, nghĩa đồng bào và uy tín của chính phủ. Ngoài quỹ hỗ trợ cho nhóm người dễ tổn thương trong xã hội, chính phủ có thể tiến hành các biện pháp khác như giãn nợ cho người vay hay yêu cầu các chủ cho thuê phòng trọ giảm chi phí thuê đối với nhóm người lao động có thu nhập thấp. Bằng cách này, người lao động mới có thể sống sót được qua mùa dịch, và lòng tin cùng nghĩa đồng bào mới thực sự gia tăng trong xã hội Việt Nam.
Chính phủ hãy lên tiếng và lưu tâm, cả xã hội sẽ cùng nhau góp sức để vượt qua cơn đại dịch này.