Nguyễn Nam
(VNTB) – Cựu giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, ông Nguyễn Văn Kính thông báo hiện Việt Nam cần nhiều ‘test kit’ (bộ thử chẩn đoán phát hiện bệnh) để làm xét nghiệm với tất cả trường hợp nghi nhiễm bệnh và phải cách ly đối với virus corona.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới hiện có 68 trường hợp nghi, cần cách ly nhưng cũng mới có 30 bộ ‘test kit’. Với số lượng rất ‘test kit’ rất giới hạn như hiện nay sẽ không đủ để làm xét nghiệm trong trường hợp bệnh bùng phát.
Đại diện Học viện Quân y cho biết đã giao một nhóm nghiên cứu chế tạo ‘test kit’ nhanh bằng chủng mới, đã thu thập số liệu… Dự kiến khoảng 2-3 tháng sẽ có ‘kit’ thử, ‘test kit’ có thể chuẩn đoán trong vòng 2-3 giờ.
Các thông tin nói trên được nêu ở cuộc họp khẩn tại Bộ Khoa học – công nghệ chiều 30-1.
Cũng trong chiều 30-1, Bộ Y tế cho biết Việt Nam đã ghi nhận 3 bệnh nhân người Việt Nam dương tính với virus corona, cả ba đều trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc). Ngoài ra còn 1 ca nghi nhiễm đang chờ xác nhận là ca nữ nhân viên lễ tân khách sạn tại Nha Trang, người đã tiếp xúc rất gần với ông Li Ding (bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam).
Một thông tin rất đáng lo ngại, theo Đài Tiếng nói Việt Nam VOV thì mỗi ngày, Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng vẫn tiếp nhận 10 – 11 chuyến bay đến từ các địa phương của Trung Quốc.
VOV trích dẫn lời của ông Lê Hoài Nam- Phó Giám đốc Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng: “Điều này thuộc về Luật Hàng không và các Hiệp định hàng không giữa các quốc gia. Phía sân bay cũng không thể tự động làm bất kể điều gì được, không thể tự động từ chối tiếp nhận hành khách cũng như tàu bay. Các chuyến bay đến từ Trung Quốc mà không phải là vùng dịch vẫn đến Đà Nẵng bình thường” (https://vov.vn/tin-24h/san-bay-da-nang-van-tiep-nhan-cac-chuyen-bay-tu-trung-quoc-1004323.vov)
Với thông tin nói trên từ ông Lê Hoài Nam cho thấy tin tức trong vài ngày gần đây trên báo chí của nhà nước Việt Nam, chủ yếu là nói về việc ‘dừng các đoàn khách du lịch’ đến từ Trung Quốc. Còn các trường hợp người dân từ Trung Quốc muốn bay sang Việt Nam thì không nằm trong các lệnh dừng này.
Liên quan đến dịch virus corona, qua một văn bản từ Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS Hà Tĩnh), cho thấy thực chất đây là một công ty của Trung Quốc, chứ không phải đến từ Đài Loan như đăng ký. Đại diện bộ phận truyền thông của FHS Hà Tĩnh cho biết, đơn vị đã thông báo cho tất cả các công nhân viên người Trung Quốc về quê ăn Tết chưa trở lại làm việc như dự kiến để phòng ngừa và hạn chế dịch virus corona.
Phía Formosa cho biết, tùy thuộc diễn biến dịch sau đó Công ty sẽ có thông báo thêm. Những nhân viên muốn quay trở lại làm việc, cần phải có xác nhận sức khỏe tại nơi cư trú trong 14 ngày không có biểu hiện gì của bệnh dịch. Hiện tại ở FHS Hà Tĩnh có khoảng 230 công nhân người Trung Quốc đang trực trong suốt thời gian nghỉ Tết nguyên đán Canh Tý.
Tuy nhiên tin tức liên quan về cảng nước sâu Sơn Dương của Trung Quốc đầu tư tại Hà Tĩnh, hiện tại nguồn lao động đến từ Trung Quốc được kiểm soát như thế nào ở đây, cũng như các tàu biển từ Trung Quốc cập cảng Sơn Dương được phòng chống dịch ra sao thì chưa thấy nhà chức trách Việt Nam thông tin.
Ở các dự án nhiệt điện than do Trung Quốc đầu tư ở tỉnh Bình Thuận, tỉnh Trà Vinh lâu nay rất đông công nhân là người Trung Quốc làm việc. Cả hai nơi này đều có cảng biển chuyên dụng đặt ngay trong khu vực dự án nhiệt điện, do đó việc vận chuyển than đá từ Trung Quốc sang, cũng như lực lượng lao động đến từ Trung Quốc gần như nằm ngoài khả năng ‘săn tìm’ của giới truyền thông.