Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ngộ độc thực phẩm không chỉ là việc của người bán hàng!

Minh Triều

 

(VNTB) –  Cần xử lý nghiêm cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm vì đã để xảy ra ngộ độc thực phẩm

 

Trong những ngày gần đây, Việt Nam đã ghi nhận nhiều vụ ngộ độc thực phẩm với số người bị ngộ độc lên đến hàng trăm người tại nhiều khu vực. Các trường hợp này đang dẫn đến tình trạng báo động trong cộng đồng và đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm của cơ quan y tế Việt Nam.

Đơn cử như ngộ độc sau khi ăn bánh mì Băng trên đường Trần Quang Diệu, TP. Long Khánh (Đồng Nai) vào chiều 30/4. Vụ việc tính đến trưa 3/5 đã có 487 người ngộ độc, trong đó 9 ca nặng phải chuyển viện bao gồm hai bệnh nhi nguy kịch.

Mỗi ngày của hàng này kinh doanh trên 1.000 ổ bánh mì. Nguyên liệu được sơ chế và chế biến ngay tại cơ sở. Làm việc với cơ quan chức năng, chủ cơ sở trên cho biết: nguyên liệu, thực phẩm mua ở các cửa hàng nhỏ lẻ, do tiệm tự chế biến, không có hợp đồng mua bán.(1)

Ngộ độc thực phẩm ở Việt Nam đang là một vấn nạn. Từ nguồn nguyên vật liệu đầu vào, tới sơ chế, chế biến… đều đầy rẫy nguy cơ lây nhiễm chéo các loại vi khuẩn, hóa chất độc hại… nhất là bánh mì bởi nó có nhiều loại nhân (đồ chua, pate, thịt nguội…), nếu nhân không đảm bảo vệ sinh thì dễ ngộ độc. Chưa kể người bán giữ các loại thực phẩm ngay trong tủ kinh không đảm bảo vệ sinh, nhiệt độ yêu cầu nên rất dễ bị hư, thiu. Đồng thời, nguyên liệu sử dụng là đa phần mua ở những nơi không rõ nguồn gốc để giảm chi phí và tăng lợi nhuận.

Theo UBND TP Long Khánh cho biết, tiệm bánh mì Băng là diện bán hàng nhỏ lẻ không thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Câu trả lời này thật phi lý và cho thấy sự yếu kém, buông lỏng về công tác quản lý vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh. (2)

Tại sao các tiệm bán hàng nhỏ lẻ lại không thuộc trường hợp cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm? Mỗi ngày bán 1,000 ổ thì có thể được gọi là nhỏ lẻ hay không? Tạm tính giá bánh mì 15 ngàn/ổ thì doanh thu 15 triệu/ngày, nếu bán đều đặn hằng ngày thì mỗi tháng 450 triệu. Doanh thu 450 triệu một tháng mà thuộc diện nhỏ lẻ thì thế nào mới gọi là to?

Vụ ngộ độc bánh mì ở Long Khánh, Đồng Nai chưa xong thì tiếp tục xảy ra ngộ độc tại TP.HCM. 15 học sinh của 4 trường tiểu học tại TP Thủ Đức phải vào Bệnh viện cấp cứu, nghi ngộ độc thực phẩm, đa số các em ăn sushi từ hàng rong bán trước cổng trường. Bác sĩ chẩn đoán nhiễm trùng đường tiêu hóa, nghi ngộ độc thực phẩm. (2) Một sạp bán cơm cuộn cho học sinh nho nhỏ trước cổng trường thì lại càng nhỏ lẻ hơn tiệm bán bánh mỳ Băng ở Đồng Nai.

Ở nước ngoài (cụ thể Nhật Bản), đã kinh doanh đồ ăn dù bán cho 1 khách (thương mại), phải có giấy phép ATTP, bổ sung kiến thức tại trung tâm 6 tháng – 1 năm/lần tùy ngành hàng. Hoặc như tại Úc cũng rất hiếm khi xảy ra ngộ độc tập thể, mặc dù số lượng người kinh doanh nhỏ lẻ của họ cũng rất nhiều và thời tiết ở Úc cũng rất nóng.

Tất cả tiệm bán đồ ăn uống lớn nhỏ đều phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, quán càng nhỏ càng nghiêm ngặt từ nơi sơ chế, chế biến, đến lưu trữ thực phẩm chưa qua sơ chế, đã sơ chế và thành phẩm. Ngoài ra còn phải tuân thủ các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn cháy nổ, người bán hàng phải có giấy phép về an toàn thực phẩm. Nếu như bị phát hiện không thực hiện đủ yêu cầu vài lần mà không được cải thiện, cơ quan chức năng có quyền buộc các tiệm vi phạm đóng cửa. Nên khó có thể để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm hàng loạt như ở Việt Nam.

Vì vậy ở Việt Nam cũng cần phải đưa hình phạt thật nặng cho bất kỳ trường hợp ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng như trên, có như vậy thì những người làm trong ngành thực phẩm mới tự giác thực hiện đúng trách nhiệm đối với công chúng.  Ngoài ra cơ quan chức năng cũng phải thực hiện đúng vai trò và trách nhiệm của mình trong việc kiểm tra, rà soát, cấp giấy phép… để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Với các vụ ngộ độc do ăn uống đang gia tăng một cách đáng báo động có thể thấy là do sự tắc trách của các cơ quan liên quan. Chính sự lơ là của các cơ quan chức năng là nguyên nhân tạo ra một môi trường đầy nguy hiểm khiến cho người tiêu dùng đủ mọi lứa tuổi phải đối mặt với nguy cơ ngộ độc thực phẩm. 

 

_____________

Tham khảo:

(1) https://tuoitre.vn/vu-ngo-doc-sau-khi-an-banh-mi-da-tang-len-487-ca-20240503141101548.htm
(2) https://vnexpress.net/2-tre-nguy-kich-7-nguoi-chuyen-nang-sau-an-banh-mi-4741254.html (3) https://vnexpress.net/15-hoc-sinh-tp-hcm-cap-cuu-nghi-do-ngo-doc-thuc-pham-4741319.html

Việt Nam chúng ta tự hào về ẩm thực đường phố, nhưng với người dân có kiến thức thì rất ít ai dám thử, nguyên nhân thì chắc ai cũng biết rồi đấy. Để tự hào được, cần phải làm quy củ chứ phó mặc cho may rủi thì thật sự không bền vững.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Cúp điện đường cao tốc: hành vi vô nhân đạo

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Dân chống đối CSGT ngày càng nhiều

Do Van Tien

VNTB – Báo chí có luật báo chí, Cần Thơ có luật Cần Thơ

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo