Nguyễn Huỳnh
(VNTB) – Nếu căn cứ theo pháp luật của riêng Đảng Cộng sản, cho thấy chưa văn bản nào đưa ra quy định về mức xử lý vi phạm là “phê bình nghiêm khắc”.
Bộ Chính trị quyết định phê bình nghiêm khắc ông Bùi Thanh Sơn, bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Ngày 27-12-2022, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao và các ông: Bùi Thanh Sơn – ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Ban cán sự đảng, bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Vũ Hồng Nam – cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản.
Cùng với đó là các ông Nguyễn Thanh Tuấn – tỉnh ủy viên, bí thư Đảng ủy, giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên; Nguyễn Ngô Quyết – tỉnh ủy viên, bí thư Huyện ủy Phú Bình, nguyên bí thư Đảng ủy, nguyên giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên;
Nguyễn Ngọc Sự – nguyên ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ khối doanh nghiệp trung ương, nguyên bí thư Đảng ủy, nguyên chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam/Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy.
Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; theo quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định phê bình nghiêm khắc ông Bùi Thanh Sơn. Yêu cầu ông nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục triệt để các vi phạm đã được chỉ ra, báo cáo Bộ Chính trị.
Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Nhìn thuần về mặt luật pháp, xem ra không dễ trả lời thắc mắc: Cơ sở pháp lý nào cho hình thức kỷ luật “phê bình nghiêm khắc, rút kinh nghiệm sâu sắc”?
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 7. Các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức
1. Áp dụng đối với cán bộ
a) Khiển trách.
b) Cảnh cáo.
c) Cách chức.
d) Bãi nhiệm.
2. Áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
a) Khiển trách.
b) Cảnh cáo.
c) Hạ bậc lương.
d) Buộc thôi việc.
3. Áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
a) Khiển trách.
b) Cảnh cáo.
c) Giáng chức.
d) Cách chức.
đ) Buộc thôi việc”.
Theo đó, áp dụng hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm. Còn đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì các hình thức kỹ luật gồm: Khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức và buộc thôi việc. Trường hợp công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì không có hình thức kỷ luật là cách chức.
Trong quy định mới nhất của Đảng về vấn đề trên là văn bản số 69-QĐ/TW do Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng ký phát hành ngày 6-7-2022 “về kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm”, tại “Điều 7. Hình thức kỷ luật
1. Đối với tổ chức đảng: Khiển trách, cảnh cáo, giải tán.
2. Đối với đảng viên chính thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức (nếu có chức vụ), khai trừ.
3. Đối với đảng viên dự bị: Khiển trách, cảnh cáo”.
Việc Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2016 – 2021, có nghĩa là thực hiện theo nội dung tại “Điều 8. Vi phạm chủ trương, quy định của Đảng” được nêu ở Quy định số 69-QĐ/TW
“1. Vi phạm một trong các trường hợp sau, gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
a) Thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ chủ trương, quy định của Đảng gây thiệt hại về quyền lợi vật chất, uy tín của tổ chức, cá nhân.
b) Buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hoá, để đảng viên trong tổ chức đảng vi phạm.
2. Vi phạm lần đầu những trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái phạm hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo:
a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chủ trương, quy định của Đảng, làm tổn hại đến sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đến tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước, của tập thể, cá nhân.
b) Chỉ đạo hoặc định hướng đưa thông tin sai lệch chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
c) Không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời đối với đảng viên trong tổ chức đảng có hành vi kích động tư tưởng bất mãn, chống đối nội bộ, chống đối Đảng, Nhà nước và chế độ”.
Nếu căn cứ theo pháp luật của riêng Đảng Cộng sản, cho thấy chưa văn bản nào đưa ra quy định về mức xử lý vi phạm là “phê bình nghiêm khắc”.
“Thú thật đã từng làm lãnh đạo bao nhiêu năm tôi vẫn không hình dung ra nổi hình thức kỷ luật “phê bình nghiêm khắc” là như thế nào?. Luật hoặc các quy định không hề có loại khái niệm như vậy và thực tế cũng không hề có!” – ông Nguyễn Minh Nhị, cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhìn nhận như vậy.