Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ngữ Cảnh là gì?

 

Đỗ Văn Phúc

 

(VNTB) – “Tàu sân bay của Mỹ đi qua biển đông trong ‘ngữ cảnh’ Trung Quốc đang có những đe dọa…

 

 Từ những năm gần đây, chữ “ngữ cảnh” thấy xuất hiện nhiều trên các báo bên Việt Nam và cả báo chí của người Việt tại hải ngoại. Chữ này rất mới mà chúng tôi chưa bao giờ nghe hay đọc trong sách báo Việt Nam trước 1975. Lần mở hết các cuốn tự điển ngày trước ra cũng không tìm thấy. Các cuốn Việt Hán Tự Điển của Huỳnh Minh Xuân (trang 577-578), Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ (trang 1406), Tự Điển Khai Trí Tiến Đức (trang 399), Việt Ngữ Chính Tả Tự Vị của Lê Ngọc Trụ (trang 338), và Hán Việt Tự Điển của Đào Duy Anh (cuốn hạ, trang 51) đều có nhiều chữ ghép với Ngữ, nhưng không thấy Ngữ Cảnh. Tìm trong Tự Điển Hán Nôm, thì thấy câu trả lời “không có kết quả phù hợp.”

Nhưng nếu vào các trang web của Việt Nam Cộng Sản bây giờ, thì thấy chỗ nào cũng có với các định nghĩa cầu kỳ, khó hiểu: “Ngữ cảnh là tất cả những gì có liên quan đến việc tạo lập và hiểu câu nói, bao gồm văn cảnh và tình huống giao tiếp,” hoặc “Ngữ cảnh là bối cảnh ngôn ngữ mà ở đó sản phẩm ngôn ngữ (văn bản) được tao ra trong hoạt động giao tiếp, đồng thời là bối cảnh cần dựa vào để lĩnh hội thấu đáo sản phẩm ngôn ngữ đó,” hoặc “Ngữ cảnh là toàn bộ nói chung những đơn vị đứng trước và đứng sau một đơn vị ngôn ngữ đang xét, quy định ý nghĩa và giá trị cụ thể của đơn vị ngôn ngữ đó trong chuỗi lời nói.

Chúng tôi xin phép ‘dịch’ lại theo cách dùng chữ giản dị là “Ngữ cảnh là toàn bộ đoạn văn hay bài văn trong đó có chữ hay nhóm chữ mà chúng ta đề cập đến; nhờ vậy chúng ta hiểu đúng ý của tác giả về chữ hay nhóm chữ đó.” 

Ngoài chữ “ngữ cảnh,” bên Việt Nam còn ghép thêm nhiều chữ mới với định nghĩa như sau: 

Văn cảnh: là những từ ngữ, câu đi trước hoặc đi sau một đơn vị ngôn ngữ đang xét.

Ngữ hệ: Tập hợp những ngôn ngữ có cùng một nguồn gốc, họ ngôn ngữ tiếng Việt thuộc ngữ hệ Nam á 

Ngữ liệu: Tư liệu ngôn ngữ được dùng làm căn cứ để nghiên cứu ngôn ngữ thu thập ngữ liệu phân tích ngữ liệu

Ngữ nghĩa: Nghĩa của từ, câu, v.v. trong ngôn ngữ (nói khái quát) ngữ nghĩa của từ phân tích ngữ nghĩa của câu thơ ngữ nghĩa…

Ngữ nghĩa học: Bộ môn ngôn ngữ học chuyên nghiên cứu về ngữ nghĩa.

Ngữ pháp học: Bộ môn ngôn ngữ học chuyên nghiên cứu hình thái và cấu trúc của từ, cấu trúc của câu.

Ngữ tộc: (Ít dùng) như ngữ hệ.

Ngữ văn: Ngôn ngữ học và văn học (nói tổng quát) giáo viên ngữ văn sinh viên ngành ngữ văn xu hướng nghiên cứu một ngôn…

Ngữ âm học: Bộ môn ngôn ngữ học chuyên nghiên cứu ngữ âm của ngôn ngữ ngữ âm học thực nghiệm

Ngữ điệu: Sự diễn biến của cao độ, cường độ, tốc độ âm thanh của một ngữ đoạn lời nói, biểu thị một số ý nghĩa…

Ngữ pháp: Hệ thống những phương thức và quy tắc cấu tạo từ, cấu tạo câu trong một ngôn ngữ.

Trong các danh từ có chung Ngữ là tiếp đầu ngữ kể trên, có vài chữ mà chúng ta cũng từng biết như Ngữ pháp (được hiểu là văn phạm), Ngữ điệu… Những chữ khác nghe khá lạ tai! Nhưng xét ra thì sự ghép các chữ trên cũng không có gì sai vì người ta có thể ghép hay đặt thêm các chữ mới để làm phong phú ngôn ngữ và mang tính cách tiện lợi.

Chữ “ngữ cảnh” (trong Anh Ngữ gọi là context) theo chúng tôi hiểu, là một đoạn văn, câu văn từ trong đó người ta trích ra một chữ, nhóm chữ để diễn đạt hay chứng minh điều gì đó mà có thể bị hiểu sai ý nếu không nhắc đến toàn thể câu văn. Lấy một nhóm chữ ra khỏi toàn câu văn (context) thì có thể suy diễn theo mọi cách tuỳ theo chủ quan và cảm tính của mỗi người. Người ta có thể xuyên tạc, vu khống, chụp mũ hay ngược lại, khen ngợi, tâng bốc nhau vì một câu ngắn trong một đoạn văn. Vì thế, muốn hiểu thật rõ, phải nêu ra trọn cái context.

Chúng ta thường chỉ nói một cách đơn giản “chữ đó, câu đó nói từ đoạn nào, nói trong hoàn cảnh nào…” mà không dùng chữ “ngữ cảnh.”

Ví dụ: Trong một đoạn video đối thoại của ông NTT và Sean Le, ông NTT nói nguyên văn: “Tôi xác nhận và tôi công khai xác nhận trước tất cả mọi người là cá nhân tôi chứ tôi không dám nhân danh ai hết nhá, không dám nhân danh người Việt tỵ nạn hay không dám nhân danh ai nhưng mà cá nhân tôi thì phải nói là cám ơn bác Hồ, cám ơn đảng Cộng Sản, nhờ bác vào thì chúng con mới có dịp đến Mỹ.”

Nếu chỉ trích ra một đoạn ngắn cuối câu nói “cám ơn bác Hồ, cám ơn đảng Cộng Sản, nhờ bác vào thì chúng con mới có dịp đến Mỹ” thì sẽ có người nghĩ rằng đây là câu nói mang tính cách mỉa mai; nhưng cũng có người kết án ông NTT là thân cộng. Xét theo quá khứ của ông NTT từng là sĩ quan trinh sát, từng bị tù cải tạo, từng vượt trại, vượt biên; thì ai dám nghĩ hay tin rằng ông ta có thể nịnh bợ hay thân cộng! Nhưng khi nghe hết cả đoạn văn dài, nhất là khi trên xem nét mặt nghiêm trang bình thản lúc ông nói câu này trên you tube thì ai cũng phải kết luận là ông NTT đã nói thẳng nói thật suy nghĩ của ông ta.

Đi xa hơn, báo chí bên Việt Nam còn dùng chữ Ngữ Cảnh cho bất cứ vấn đề nào ngoài phạm vi ngôn ngữ. Có lần chúng tôi đọc trong một bản tin rằng “Tàu sân bay của Mỹ đi qua biển đông trong ngữ cảnh Trung Quốc đang có những đe dọa…

Điều này cho thấy trên đời luôn có những người sính dùng những chữ hoa mỹ nhưng không hiểu biết ý nghĩa đích thực của nó.


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Hết Giải Mã, Nay Lại Giải Ảo

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Mặt Trận Ngôn Từ (tiếp theo)

Phan Thanh Hung

VNTB – Huyền thoại, huyền sử! Tại sao người ta sính dùng hai chữ này?

Phan Thanh Hung

1 comment

Lưu thị Bích 05.09.2022 7:17 at 07:17

Chuyện có thật 100%. Cán bộ Cộng Sản Việt Nam thích dùng chữ ghép, theo họ là để cho ngắn gọn. Chuyện là thế này:
Một hôm, chị cán bộ trưởng đoàn văn công gái nói với các văn công gái trong đoàn rằng: “Tối nay, đoàn văn công chúng ta sẽ đến nơi đóng quân của các chiến sĩ Cx vừa vượt Trường Sơn để giao hoan. Các đồng chí hãy nhiệt liệt giao hoan nhé”.
Ý của chị cán bộ trưởng đoàn văn công gái khi dùng từ “giao hoan” là các văn công gái sẽ đi “giao lưu và liên hoan” thôi, hoàn toàn trong sáng. Còn văn công gái nào có nhu cầu hiểu khác và làm khác là chuyện riêng của người đó.

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.