Hiền Lương
(VNTB) – Người dân bất an khi đổ 200.000 m3 ‘vật chất nạo vét’ xuống khu vực đánh bắt thủy sản ở cửa biển Phú Lộc.
Ngày 12-3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế, chủ đầu tư Dự án Xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá và Dự án Phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản sử dụng tiền bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, cho biết sẽ tiến hành cuộc họp với UBND huyện Phú Lộc để tháo gỡ vướng mắc liên quan bãi tiếp nhận vật chất nạo vét thuộc dự án cảng cá Tư Hiền ở xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão.
Dự án cảng cá Tư Hiền bao gồm các hạng mục, như nâng cấp, sửa chữa bến cập tàu hiện hữu có chiều dài 85m, xây dựng mới bến cập tàu dài 75m, nhà phân loại cá 640m2. Ngoài ra, dự án sẽ thực hiện nạo vét tuyến luồng khoảng 1.950m, gồm đoạn từ biển vào cảng cá Tư Hiền dài 1.251m; cửa ra âu thuyền Vinh Hiền đến cảng cá Tư Hiền dài khoảng 700m.
Hiện giá trị thực hiện dự án đến nay khoảng 10 tỷ đồng. Trong đó, công đoạn nạo vét từ cửa biển vào cảng cá Tư Hiền với khoảng 200.000m3 thải đã đạt khoảng 20%, toàn bộ khối lượng nạo vét tập kết tại bãi tạm gần khu vực tiếp nhận đổ thải, dự kiến hoàn thành trước ngày 30-9-2022
Bãi tiếp nhận ‘vật chất nạo vét’ nằm ở đoạn đầu Tư Dung, đầm Hải Phú với diện tích khoảng 8 ha đã được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế thống nhất vị trí đổ thải vào ngày 24-9-2021. Tuy nhiên, khi triển khai thi công, người dân không cho tập kết vật tư, vật liệu, máy móc do chưa giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đền bù nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản của hàng chục hộ ở xã Lộc Bình.
Ông Dương Quang Hùng, Chủ tịch UBND xã Lộc Bình cho biết, khu vực đổ thải là đầm Hải Phú, nơi có rất nhiều hộ dân địa phương đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản. Người dân cho rằng đây là nơi sinh sản của cá tôm, là nguồn sinh sống của bà con trong khu vực, yêu cầu phải được hỗ trợ thỏa đáng và phải bảo đảm môi trường khi đổ thải.
Vấn đề gọi là ‘nhận chìm vật chất nạo vét’, thực ra là chỉ hành động đổ phần đất, bùn nạo vét ở khu biển nào đó đến một khu vực biển ở vị trí khác.
Thông thường, đơn cử như ở vụ nhận chìm rộng 180ha, thuộc vùng biển Dung Quất, huyện Bình Sơn. Vật chất được tàu hút bụng xả đáy tự hành thả từ mặt biển xuống độ sâu hơn 50m, hồi năm 2019 của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát – Dung Quất, phía phản biện độc lập đánh giá rằng khi các tàu xả vật chất từ mặt biển xuống độ sâu hơn 50m, quá trình rơi trong nước biển, với dao động của sóng, tác động của dòng hải lưu và nước từ cửa sông Trà Bồng đổ ra, gần như toàn bộ bùn sét sẽ hòa tan trong nước biển, giả sử chỉ ở tỷ lệ 5% trong nước, sẽ là 40 triệu mét khối nước biển bị vẩn đục, ô nhiễm.
Và như vậy, không chỉ vùng biển Bình Sơn, mà cả Lý Sơn rồi các vùng biển phía nam Bình Sơn sẽ bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến việc đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản ven bờ…
Thực tế cho thấy hồi đầu tháng 10-2018, chỉ một số tàu nhỏ hút cát, xả bùn tại khu vực cảng Dung Quất, đã khiến gần 100 lồng nuôi cá của ngư dân gần đó chết đồng loạt, thiệt hại hàng chục tỷ đồng và Nhà nước đã phải hỗ trợ hơn 7 tỷ đồng để bà còn chuyển đổi ngành nghề hoặc di chuyển lồng bè đến khu vực khác.
Khi ấy, theo ý kiến của chuyên gia Hải dương học Trần Văn Sâm: “Việc nhận chìm cát, bùn sét nạo vét cảng Hòa Phát trên phạm vi 180 ha ở vùng biển Dung Quất dễ gây ảnh hưởng đến các loài sinh vật biển. Hàng triệu mét khối vật chất nạo vét nhận chìm bị tác động bởi sóng biển, dòng hải lưu có thể gây bồi lấp thảm thực vật, di sản biển nơi đây”.
Sau khi vụ nhận chìm rộng 180ha, thuộc vùng biển Dung Quất, huyện Bình Sơn của Hòa Phát hoàn tất, đến tháng 12-2019, ngư dân cho biết bất ngờ nước biển ở bãi tắm Khe Hai và khu vực làng chài thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn chuyển sang màu đen như cà phê. Bọt màu vàng đục cũng xuất hiện mỗi khi sóng xô bờ.
“Nước biển màu đen tràn vào bờ đặc quánh như nhựa đường. Trước hiện tượng bất thường, người dân chúng tôi rất lo lắng. Một tuần qua, ngư dân đánh bắt ở khu vực này không thấy con cá nào nên ai cũng lo sợ môi trường biển bị ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe, cuộc sống lâu dài”, bà Nguyễn Thị Lành (ngụ xã Bình Thạnh) lo âu, cho báo chí biết như vậy ở thời điểm đó.
Bà Phạm Thị Hạnh, hơn 50 năm sống ở làng chài thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh nói rằng chưa từng thấy nước biển nơi đây có màu đen kỳ lạ như vậy.
Khi ấy, Cảng vụ Hàng Hải Quảng Ngãi khẳng định khu vực cảng Dung Quất không xảy ra sự cố dầu tràn.
Đến nay chưa thấy công bố kết quả về những cảnh báo của ‘nhận chìm vật chất nạo vét’ rộng 180ha, thuộc vùng biển Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Theo báo cáo mới đây của tỉnh Quảng Ngãi thì thủy sản ven biển ở địa phương đã cạn kiệt, buộc ngư dân phải vươn ra khơi xa trên những con tàu nhỏ tròng trành.
Trong khi đó nếu đóng tàu to, máy lớn để vươn ra khơi xa đánh bắt dài ngày trên biển, không phải ngư dân nào cũng có khả năng tài chính thực hiện. Và giờ trong bối cảnh dầu đang tăng cao thì chuyện đánh bắt xa bờ càng khó hơn.