Nguyễn Tuấn – Trần Thành
(VNTB) – Với sự trợ giúp của 2 luật sư của Trung tâm luật pháp quốc tế Philippines gồm Roque và Andries, 38 ngư dân Philippines gửi khiếu nại của họ qua file điện tử tới Ủy ban quyền lợi kinh tế, xã hội và văn hóa Liên hợp quốc và Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền lợi lương thực.
Kỳ họp Quốc hội (QH) kéo dài hơn một tháng đã khép lại chiều hôm 26-6. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng trong phát biểu bế mạc nhận định: “Bằng trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm trước nhân dân, các đại biểu đã thẳng thắn đánh giá mặt được, chưa được, chỉ ra những yếu kém, tồn tại trong các ngành, lĩnh vực. Đồng thời các đại biểu đã dự báo nguy cơ tiềm ẩn cản trở sự phát triển, nhất là trong bối cảnh chủ quyền biển đảo của VN đang bị đe dọa nghiêm trọng do việc TQ tiến hành xây đắp với quy mô lớn tại các bãi đá thuộc chủ quyền của VN”.
Tuy nhiên, ông chủ tịch QH tiếp tục từ chối đề nghị của đại biểu, về việc ký ban hành một nghị quyết về chủ quyền biển đảo của VN bị TQ đe dọa xâm chiếm.
Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc giải thích: Trước tình hình phức tạp đó, QH đã đề nghị Chính phủ báo cáo các vấn đề liên quan đến Biển Đông. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thay mặt Chính phủ báo cáo. “Vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã nêu rõ lập trường của VN, khẳng định cơ sở pháp lý đầy đủ của VN về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa. Tôi tán thành tuyên bố của Bộ Ngoại giao. QH tiếp tục theo dõi, sẽ có tuyên bố chính thức khi thấy cần thiết”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Mức độ nào mới cần thiết?
Chiều 26-6, 17 ngư dân xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã thuật lại với giới báo chí về những thời khắc kinh hoàng mà họ đã trải qua khi vô cớ bị bắt giữ, giam lỏng, đe dọa tại cảng Tam Á (đảo Hải Nam, Trung Quốc).
Vào ngày 16-6, khi đang khai thác thủy sản tại vùng biển cách đảo Hải Nam khoảng trên 30 hải lý, 2 tàu của ngư dân Võ Văn An (SN 1976, chủ tàu) cùng 8 thuyền viên mang số hiệu QB 93694 TS và tàu của anh Võ Văn Toàn (SN 1982 – chủ tàu) số hiệu QB 93480 TS với 7 ngư dân nhận được tin báo có gió lớn cấp 7-8 nên rất lo lắng. Trong lúc đang loay hoay tìm nơi trú ẩn, họ nhìn thấy 1 tàu hải quân và 3 tàu chụp mực của Trung Quốc áp sát, bắt giữ. Chủ tàu Võ Văn An cho biết phía Trung Quốc có 5 người mang theo 1 khẩu súng, 2 roi điện nhảy lên tàu của ngư dân rồi ép tất cả thuyền viên trên tàu dồn về phía mui. Sau khi tịch thu toàn bộ giấy tờ của tàu cá, họ bắt tất cả thuyền viên cùng tàu cá về cảng Tam Á.
Tại đây, phía Trung Quốc dồn 17 thuyền viên vào một nơi tạm giam. “Họ dẫn tôi và chủ tàu Toàn cùng 15 anh em khác về giam một chỗ, sau đó một số người Trung Quốc xuất hiện trùm kín mặt tôi và anh Toàn rồi dẫn chúng tôi đến một nơi khác. Họ giam lỏng chúng tôi 1 ngày, 1 đêm” – anh An thuật lại. Sau đó, họ bắt mỗi thuyền viên phải ký ít nhất 8 tờ đơn còn 2 chủ tàu thì bị ép ký trên 100 tờ đơn đều bằng tiếng Trung Quốc. “Họ bảo nếu ký theo yêu cầu của họ thì nhanh chóng được thả về Việt Nam còn không nghe lời thì họ dọa nạt, đòi đánh. Vì quá sợ hãi nên chúng tôi buộc phải làm theo” – anh Toàn kể.
Trong khoảng 100 tờ đơn mà phía Trung Quốc buộc phải ký có 1 tờ đơn ghi vài dòng chữ tiếng Việt Nam với nội dung: “Tôi chứng kiến vùng biển Đông và quần đảo Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của Trung Quốc”. Khi đọc xong tờ đơn, các ngư dân hiểu rõ rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nên nhất quyết không ký. Phía Trung Quốc ép 3 lần và nói nếu ký vào sẽ để tàu ngư dân chạy về Việt Nam, bằng không sẽ giữ tàu lại. Theo thuyền trưởng An, trước thái độ kiên quyết của các ngư dân, sau 5 ngày giam lỏng, nhóm người Trung Quốc đẩy 17 ngư dân lên 1 chiếc tàu của anh Toàn rồi thả họ về, còn tàu của anh An bị giữ lại không trả.
Sau một ngày đêm lênh đênh trên biển, đến sáng 21-6, 17 ngư dân đã cập cảng Roòn (xã Quảng Phú) trở về quê hương an toàn.
Bộ Ngoại giao VN hiện chưa có một phản ứng nào về việc các ngư dân Việt Nam bị phía Trung Quốc ép ký vào văn bản công nhận chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông.
Hãy ngước nhìn người Philippines
Tờ “Tin tức Tham khảo” Trung Quốc ngày 26-6 dẫn trang mạng “Nam Hoa buổi sáng” Hồng Kông ngày 25-6 đưa tin, 38 ngư dân Philippines ngày 24-6 đã tố cáo Trung Quốc ở Liên hợp quốc, phản đối Trung Quốc ngăn cản họ đánh bắt cá ở vùng biển bãi cạn Scarborough (do Trung Quốc cướp từ tay Philippines vào năm 2012). Bài báo dẫn hãng tin Kyodo Nhật Bản cho hay, với sự trợ giúp của 2 luật sư của Trung tâm luật pháp quốc tế Philippines gồm Roque và Andries, 38 ngư dân Philippines gửi khiếu nại của họ qua file điện tử tới Ủy ban quyền lợi kinh tế, xã hội và văn hóa Liên hợp quốc và Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền lợi lương thực.
38 ngư dân có tuổi đời từ 18 – 65 tuổi. Trong đó, một ngư dân 48 tuổi cho biết, tháng 4 năm 2014, ông đã bị vòi rồng tàu công vụ Trung Quốc tấn công, Khi đó, ông và rất nhiều ngư dân khác của Philippines đang tìm cách đánh bắt cá ở khu vực bãi cạn Scarborough. Luật sư Roque cho hay, Ủy ban quyền lợi kinh tế, xã hội và văn hóa Liên hợp quốc có thể bỏ ra thời gian dài tới 3 năm để đưa ra quyết định đối với khiếu nại của ngư dân, trong khi đó, chuyên viên quyền lợi lương thực sẽ đưa ra quyết định nhanh hơn.
Luật sư Roque nói rằng: “Đây là một quyết định tư pháp. Trên thực tế, căn cứ vào quy định của Tòa án quốc tế Liên hợp quốc, quyết định của Ủy ban cá biệt giám sát một số cơ quan mặc dù không có tính cưỡng chế, cũng có thể nhận được tôn trọng mức độ cao nhất, bởi vì đây là quyết định của các chuyên gia đối với hiệp định thuộc lĩnh vực sở trường của họ. Tuyên bố của chuyên gia rất có trọng lượng”.
Một kịch bản tương tự hoàn toàn có thể được vận dụng đối với 17 ngư dân xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.