Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ngư dân Việt Nam càng ra khơi càng lỗ

Cửu Long

 

(VNTB) – Ngư dân phải neo tàu nằm bờ vì giá dầu diesel tăng hơn 25.000 đồng/lít, tức gấp đôi so với năm ngoái, nên càng ra khơi càng lỗ

 

Từ 0g ngày 1-4-2022, mỗi lít xăng giảm 1.030 – 1.040 đồng, trong khi dầu diesel lên 25.080 đồng một lít, tăng 1.450 đồng. Dầu ma-dut là 20.920 đồng một kg, tăng 500 đồng.

Trong Nghị quyết số 499/NQ-UBTVQH15 về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV vừa được ban hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu xây dựng các kịch bản, phương án cụ thể, rõ ràng và thực hiện quyết liệt để bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng, bảo đảm cân đối cung cầu xăng, dầu trong mọi tình huống.

“Trường hợp giá xăng, dầu tăng cao, thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn (như ngư dân, người nghèo, người có thu nhập thấp…)” là một dòng nhỏ với 29 chữ trong Nghị quyết số 499/NQ-UBTVQH15.

Tuy nhiên cụ thể việc hỗ trợ này ra sao, như thế nào thì đến nay vẫn chưa thấy nơi có trách nhiệm là Bộ Công thương đưa ra.

Ghi nhận của nhóm cộng tác viên trang Việt Nam Thời Báo tại miền Trung cho biết từ đầu tháng 3 là thời điểm của chính vụ cá nam, tuy nhiên tại các cảng cá ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam và cảng Sa Kỳ (huyện Bình Sơn), Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa (TP Quảng Ngãi)… nhiều tàu thuyền của ngư dân vẫn còn neo đậu tại bến.

Nguyên nhân chính khiến hàng loạt tàu cá nằm bờ là do giá dầu liên tục tăng cao từ đầu năm 2022 đến nay. Giá dầu tăng cao khiến hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân rơi gặp nhiều khó khăn vì thu không đủ bù chi sau mỗi chuyến biển dài ngày.

Các ngư dân giải thích sở dĩ phải neo tàu nằm bờ vì giá dầu diesel tăng hơn 25.000 đồng/lít, tức gấp đôi so với năm ngoái, nên càng ra khơi càng lỗ.

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, việc giá dầu tăng khiến nhiều ngư dân khó khăn. Không ít thuyền viên vì thu nhập thấp đã tạm thời ngưng theo các tàu cá ra khơi, một số tàu sợ lỗ nên vẫn chưa dám ra khơi, nằm bờ đợi bình ổn giá dầu.

Hiện nay chủ tàu đánh bắt không còn mua dầu trước và khi kết thúc chuyến biển mới trả tiền dầu nữa, mà phải “tiền trao thì bơm dầu”.

Được biết, hiện tại toàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 4.500 tàu cá với tổng cộng suất 1.797.907 CV, trong đó tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên (khai thác xa bờ) có 3.261 chiếc.

Hiện nay, các tàu câu cá ngừ đại dương, tàu lưới cản đường dài cũng lần lượt về cập cảng vì vào giai đoạn tàu nghỉ trăng. Tuy nhiên, sản lượng đánh bắt không bằng những chuyến biển trước, trong khi giá bán không tăng mà phí tổn mỗi chuyến biển lại cao nên hiệu quả thấp.

Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, hiện toàn tỉnh có 708 tàu cá hoạt động khai thác thủy sản xa bờ. Các tàu cá đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí một số tàu tuy đã trễ hạn đăng kiểm nhưng vẫn không tiến hành thủ tục để gia hạn vì lý do nghỉ biển, gặp khó khăn về kinh phí.

Trước ngày 1-4-2022, ghi nhận tại tỉnh Cà Mau, theo tính toán qua 4 đợt điều chỉnh biến động giá xăng, dầu, đối với tàu cá hành nghề câu mực, câu mồi sau chuyến ra khơi đánh bắt thủy sản khoảng 20 ngày thì mức chi phí tăng từ 12,8 – 16 triệu đồng.

Tàu hành nghề lưới vây, chà chim gia tăng chi phí từ 32 – 64 triệu đồng/chuyến. Tàu hành nghề lưới chụp, lưới rê thì mức chi phí tăng từ 19,2 – 38,5 triệu đồng/chuyến. Tàu hành nghề bẫy ốc, mực, lồng xếp chi phí tăng từ 6,4 – 12,8 triệu đồng/chuyến. Còn tàu hành nghề lưới kéo, sau chuyến ra khơi khoảng 30 ngày thì chi phí tăng từ 77 – 115,5 triệu đồng. Riêng tàu hậu cần nghề cá, sau chuyến ra khơi khoảng 30 ngày chi phí tăng thêm từ 57,7 – 77 triệu đồng/ chuyến.

Nay giá dầu tăng vượt con số 25 ngàn/ lít, thì để đỡ lỗ buộc phải chọn nằm bờ chờ coi 10 ngày tới giá có xuống trở lại hay không?


Tin bài liên quan:

Ngư dân vẫn chưa được vay tiền đóng tàu sắt

Phan Thanh Hung

VNTB – Năm nào nghề đánh cá ở Nghệ An cũng gặp cảnh thua lỗ

Phan Thanh Hung

VNTB – Trung Quốc lại cấm ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trên vùng biển của… Việt Nam

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo