Chánh Thành
(VNTB) – Chẳng còn ai là người cộng sản nữa thì nên phúc quyết lại Hiến pháp, xóa điều 4…
Năm 2016, sau khi chiến thắng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc đua giành ghế tổng bí thư thì ông Trọng thường xuyên được ca ngợi là một người liêm chính, chí công vô tư. Đặc biệt là từ khi phát động chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng thì Nguyễn Phú Trọng càng được tôn vinh như là một vị cứu tinh của đảng cộng sản trong bối cảnh sâu mọt đục khoét tràn lan trong bộ máy chính trị. Thậm chí dư luận còn coi ông Trọng như “người cộng sản cuối cùng” khi tin vào những lời lẽ hùng hồn của tổng bí thư.
Dĩ nhiên những lời ca ngợi trên đây là đã cố tình bỏ qua những sai phạm của ông Trọng trong suốt một phần tư thế kỷ là ủy viên bộ chính trị, từ bí thư Hà Nội tới chủ tịch quốc hội rồi tổng bí thư kiêm chủ nước. Nhưng trong giới hạn nội dung bài viết thì chưa cần bàn tới những sai trái mà ông Trọng gây ra, từ vụ Ciputra, tới Formosa, hay việc để cho các tay chân thân tín tha hồ tung hoành… Chỉ bàn tới vấn đề ca ngợi ông Trọng là người cộng sản cuối cùng thôi.
Tính từ khi nắm ghế tổng bí thư vào năm 2011, Nguyễn Phú Trọng coi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng như đối thủ chính trị lớn nhất trong cuộc đời. Từ đó, người đứng đầu đảng cộng sản bắt đầu xây dựng hình ảnh thanh liêm, mẫu mực để trở thành đối trọng với hình ảnh tham quan ô lại của ông Dũng. Rồi tới năm 2016, khi đã “đá” được ông Dũng ra khỏi hệ thống chính trị thì hình tượng của người đầu đảng càng ngày càng lớn. Thời điểm huy hoàng nhất trong cuộc đời chính trị của ông Trọng có lẽ là năm 2018, khi kiêm nhiệm cả hai ghế tổng bí thư và chủ tịch nước.
Và thế là cái bóng của ông Trọng trở nên quá lớn, che khuất nhiều thế hệ lãnh đạo sau này. Dĩ nhiên là cũng sẽ che luôn Tô Lâm, thậm chí ông Trọng sẽ là một phép so sánh để người dân nhìn vào cách làm của ông Lâm và điều đó lại càng khiến ông Lâm nhận nhiều búa rìu dư luận hơn.
Khi đã nói ông Trọng là người cuối cùng còn kiên định với chủ nghĩa Mác Lênin thì chẳng lẽ ông Lâm không kiên định? Nếu nói ông Trọng là người cộng sản cuối cùng thì ông Lâm là ai? Nói ông Trọng là người cộng sản cuối cùng mà nay ông Trọng chết rồi thì trong chẳng lẽ trong đảng cộng sản không còn ai là cộng sản? Mà đã không còn ai là người cộng sản trong đảng cộng sản thì đảng hiện nay là gồm những ai?
Bây giờ, người cộng sản cuối cùng đã chết rồi thì đảng cộng sản sẽ thành cái gì? Và có còn ai dám tin rằng đảng cộng sản sẽ đưa Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội như những gì mà người cộng sản cuối cùng từng tuyên bố không?
Hỏi thì có vẻ châm biếm, nhưng việc trả lời những câu hỏi này cũng chính là trả lời cho số phận của đất nước Việt Nam trong thời gian tới. Liệu đảng cộng sản có còn kiên định với con đường xã hội chủ nghĩa hay không? Khi mà người duy nhất cố tỏ ra thanh liêm, cố tỏ ra đạo đức cũng đã không còn, thì những kẻ bất chấp liêm sĩ và danh dự sẽ làm gì để cai trị đất nước?
Cần lưu ý rằng cách đốt lò của ông Trọng nói theo ngôn ngữ giới trẻ bây giờ thì là việc xây dựng hình tượng bằng cách “bóc phốt” các đồng chí của mình, đạp lên đầu đồng đội để tạo uy tín cho mình. Để rồi người dân nhìn đâu cũng thấy những quan chức xấu xa, tệ hại, đảng viên nào cũng thoái hóa biến chất, đảng viên nào cũng tự diễn biết tự chuyển hóa, chỉ có ông tổng bí thư là người thanh liêm kiên định nhất.
Vậy khi ông Trọng ra đi, đảng cộng sản sẽ còn gì trong mắt người dân ngoài những tham quan ô lại. Những người cuối cùng còn bám víu vào hình tượng ông Trọng, từng hết lời ca ngợi, hết sức đặt niềm tin vào ông Trọng liệu có dám đặt niềm tin những người tiếp theo hay là sẽ mất phương hướng, chẳng biết tin vào ai?
Hay là hãy nhìn thẳng vào vấn đề đi, người cộng sản cuối cùng đã ra đi, thì đảng cộng sản cũng nên… đi theo người ấy. Chẳng còn ai là người cộng sản nữa thì nên phúc quyết lại Hiến pháp, xóa điều 4, để cho người dân được tự do ứng cử, tự do bầu cử, chọn ra nhân tài kiến thiết quốc gia. Chỉ có dân chủ toàn diện thì mới mong có ngày Việt Nam trở thành cường quốc sánh vai với năm châu!