Việt Nam Thời Báo

VNTB – Người dân có được quyền chọn lựa đảng viên cho bộ máy hành chính của đảng chính trị?

Trần Dzạ Dzũng

(VNTB) – Đảng chính trị ở Việt Nam có một đặc điểm, là cũng có bộ máy quản trị hành chính tương tự như các cấp tương ứng của chính phủ. Nếu như chính phủ có Bộ Công an, thì đảng chính trị cho Ban An ninh nội chính. Chính phủ có Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, thì đảng chính trị có Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Thậm chí nhiều ban, ủy ban của đảng chính trị có quyền lực bao trùm hơn hẳn so với chính phủ.

Câu hỏi đặt ra: người dân – tức quần chúng, có được quyền ý kiến về chọn lựa nhân sự của bộ máy quản trị hành chính của đảng chính trị?

Vấn đề của câu hỏi trên cũng từng đặt ra trong hai bài báo gần đây trên trang Việt Nam Thời Báo: “Khi thế lực thù địch nằm ngay trong chính chóp bu của đảng cộng sản Việt Nam?” (1) ; “Làm sao biết được là nhân dân đang tín nhiệm?” (2)

 Trước tiên, căn cứ nội dung của điều 4, Hiến pháp: “1. Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.

3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Như vậy nếu đã hiến định về “các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” – Điều 14.1, Hiến pháp 2013, thì về nguyên tắc công dân không là đảng viên, vẫn có quyền đòi hỏi dân chủ trong đảng chính trị.

Quyền dân chủ ở đây chính là những yêu sách, nhu cầu nội tại của mỗi cá nhân, với tư cách là công dân đối với các nguyên tắc, các chuẩn mực pháp lý dân chủ trong một thiết chế xã hội dân chủ, nhằm bảo đảm sự tham gia một cách tự do, bình đẳng và đầy đủ vào các công việc của Nhà nước – đảng chính trị và toàn bộ đời sống xã hội của con người.

Quyền dân chủ thực chất chính là yêu sách về bình đẳng chính trị và xã hội của mỗi cá nhân, trong mối quan hệ với Nhà nước – đảng chính trị, bảo đảm cho cá nhân khả năng hành động theo ý mình, cho sự tự quyết định và làm chủ ý chí của mình mà không có hại cho người khác, và do đó cho khả năng giải phóng toàn diện những năng lực bản chất người của mỗi cá nhân.

Trong những tiết học về chủ nghĩa cộng sản, người ta hay nhắc đến việc Ph.Ăngghen khẳng định: “từ sự bình đẳng của mọi người với tư cách là những con người, rút ra cái quyền có một giá trị ngang nhau về chính trị và xã hội cho tất cả mọi người, hay ít ra là cho công dân trong một nước, hay cho mọi thành viên trong xã  hội” – tham khảo https://www.marxists.org/vietnamese/marx-engels/1870s/chongduhring/index.htm

Điều đó cho thấy quyền dân chủ trước hết là quyền con người; hơn nữa, nó nhấn mạnh đặc biệt đến các quyền về chính trị như là khả năng, và điều kiện tiên quyết để thực hiện đầy đủ các quyền con người cơ bản khác. Bởi vì, sự giải phóng về chính trị là điều kiện tiên quyết đối với mọi sự giải phóng khác của con người, bình đẳng về chính trị là tiền đề của mọi sự bình đẳng.

Hay nói cách khác, các quyền về chính trị như tự do bầu cử, ứng cử, tự do ngôn luận, tự do lập hội, hội họp, tự do báo chí…, một mặt, là tiền đề cho việc hiện thực hoá các quyền khác; mặt khác, là sự phản ánh về mức độ giải phóng năng lực bản chất người của mỗi cá nhân. Nó chính là nội dung cốt lõi của quyền con người, nó khẳng định con người là “một nhân tính tự do”, “một nhân cách văn hoá” và “chủ thể sáng tạo của lịch sử và của giới tự nhiên”.

Và như phân tích ở trên theo quan điểm Mác xít, thiết nghĩ người dân được quyền yêu cầu đảng chính trị phải công khai tất cả những nhân sự quy hoạch cho bộ máy quản trị hành chính nhiệm kỳ mới của đảng – vì đây còn là một quyền hiến định về yêu cầu thực thi giám sát khi ngân sách chung của quốc gia, lâu nay vẫn được đồng thời chi tiêu để nuôi cả bộ máy hành chính nhà nước, và bộ máy hành chính của đảng chính trị.

Cần chấm dứt việc ‘đảng chọn ai – dân bầu đó’ như nếp nghĩ lâu nay.

__________________

Ghi chú:

(1)  https://vietnamthoibao.org/vntb-khi-the-luc-thu-dich-nam-ngay-trong-chinh-chop-bu-cua-dang-cong-san-viet-nam/

(2) https://vietnamthoibao.org/vntb-lam-sao-biet-duoc-la-nhan-dan-dang-tin-nhiem

Tin bài liên quan:

VNTB – S.O.S cho việc thiếu thiết bị y tế trong phòng dịch ở Việt Nam

Phan Thanh Hung

VNTB – Quyền tự do công đoàn liệu có là ‘rượu cũ  – bình mới’?

Phan Thanh Hung

VNTB – Hoan hô sự suốt của hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo