Việt Nam Thời Báo

VNTB – Người dân Thủ Thiêm muốn trở về cất nhà đón Tết

Trần Dzạ Dzũng

(VNTB) – Người dân Thủ Thiêm nói rằng họ muốn trở về ăn Tết ở nơi họ có đủ giấy chứng nhận nhà đất, trong khi chính quyền địa phương không có quyết định thu hồi, và đến nay vẫn chưa chứng minh được nhà đất của dân nằm trong ranh quy hoạch.

Chiều 7/1/2020, Tổ Đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM đã tiếp xúc với cử tri quận 2. Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Thị Tám (phường Bình Khánh) cho biết giáp Tết cổ truyền các năm 2017, 2018, 2019, bà cùng một số người dân đi Hà Nội kêu oan. Năm nay bà con cũng dự định ra Hà Nội nhưng nghe Phó Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ cùng UBND TP.HCM đối thoại với người dân trước Tết, nên bà con quyết định ở lại chờ được đối thoại.

Bà Tám nói: “Nhà đất của tôi có giấy chứng nhận do UBND TP.HCM cấp, bị cưỡng chế tháo dỡ mà không có bất kỳ một quyết định thu hồi đất nào. Tôi hỏi đập nhà tôi có giấy tờ đúng pháp luật hay không, thì chủ tịch phường nói “tôi chính là luật pháp”. Nhà tôi bị cưỡng chế tổng cộng… 9 lần. Lần đầu là đập nhà. Tôi dựng lều thì tiếp tục dỡ lều, dỡ cột,…

Người dân sống lang thang ngoài đường, đất đai thu hồi thì bỏ hoang. Năm hết tết đến rồi. Nếu chính quyền làm sai thì phải trả lại đất cho chúng tôi. Lần này chúng tôi về dựng tạm căn lều để đón Tết, nếu tiếp tục cho người tháo dỡ là chính quyền làm sai luật, xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp vì nhà đất của dân đã công nhận chủ quyền”.

Cử tri Huỳnh Thị Hồng Loan (phường Bình An) òa khóc: “Tôi có nhà 180 m2, đất thuộc khu cư xá, có hộ khẩu thường trú. Đang yên lành thì năm 2009 căn nhà bị cưỡng chế, cả gia đình bị đẩy ra đường. Con tôi lúc đó mới 7 tuổi, phải xin ngủ nhờ hàng xóm vài hôm mới thuê được nhà trọ.

Thẻ cử tri của tôi ghi rõ địa chỉ nhà. Tôi có hợp đồng thuê căn hộ. Vậy mà khi thu hồi nhà đất, chính quyền nói nhà tôi và nhà ba tôi là một căn và không chấp nhận lập hồ sơ bồi thường cũng không bố trí tạm cư. Họ còn khuyên tôi đi kiện ba tôi để đòi tiền bồi thường. Đến năm 2013, thấy tôi khiếu kiện nhiều nơi họ mới đồng ý bố trí tạm cư nhưng vẫn không chịu lập hồ sơ bồi thường. Trong khi đó một lãnh đạo phường An Khánh nhà chưa đến 100 m2 được lập đến 5 hồ sơ để được hưởng 5 suất tái định cư…”.

Không may mắn như cử tri Thủ Thiêm có được những cuộc gặp gỡ gọi là ‘tiếp xúc cử tri’, với cử tri ở khu vườn rau Lộc Hưng, phường 6, quận Tân Bình, TP.HCM, họ cũng đang yên lành thì bất ngờ vào ngày 9/1/2019, hàng loạt căn nhà nơi đây bị chính quyền cưỡng chế đập bỏ, tất cả người dân sống tại đây đều bị đẩy ra đường. Suốt một năm ròng, người dân Lộc Hưng yêu cầu được đối thoại chuyện đúng – sai với chính quyền về chuyện này, song tất cả đều rơi vào im lặng. Những vị đại biểu Quốc hội cho tới cấp đại biểu hội đồng nhân dân quận Tân Bình, tất cả đều không có cuộc tiếp xúc nào như ở Thủ Thiêm.

Có thể về mặt thủ tục hành chính đất đai, người dân ở khu vườn rau Lộc Hưng còn thiếu một vài giấy tờ hành chính, với nguyên do được người dân nơi đây tố cáo là chính quyền làm khó không chịu cấp từ hơn cả chục năm về trước. Song, cần phải khẳng định một điều tất cả đều là ‘chỗ ở hợp pháp’.

Cũng như người dân Thủ Thiêm, trong các giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu dân sự ở mỗi người dân nơi đây, đều ghi đúng địa chỉ căn nhà nơi họ đang ở hợp pháp tại khu vườn rau Lộc Hưng.

Từ kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong thông báo hôm chiều ngày 8/1/2020 về kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với Ban thường vụ TP.HCM, cho thấy những gì đã diễn ra khiến hàng trăm gia đình phải ly tán ở Thủ Thiêm hôm qua, và có thể cả ở Lộc Hưng hôm nay, là một tình huống điển hình về sự tùy tiện của chính quyền địa phương trong quá trình đô thị hóa, thực thi công vụ trái pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng trên diện rộng và lâu dài.

Nhiều người dân oan khuất ở Thủ Thiêm đã vận dụng triệt để trình tự pháp lý, từ khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo, thậm chí kết hợp với những biện pháp có tính “cùng đường”. Trong nhiều năm, nhiều người dân Thủ Thiêm dắt díu nhau ‘đội’ đơn ra Hà Nội, hình thành một “làng Thủ Thiêm” liền kề trụ sở Ban Tiếp công dân trung ương là một chỉ báo tuyệt vọng về niềm tin công lý vào chính quyền thành phố.

Trải nghiệm đó của cư dân oan khuất Thủ Thiêm đã được người dân Lộc Hưng tiếp bước, với sự hỗ trợ của nhóm luật sư thiện nguyện về trình tự pháp lý ngay từ khi chuyện ‘đập phá nhà cửa’ của người dân Lộc Hưng vừa xảy ra. Tiếc là cho đến nay mọi nỗ lực từ cứu cánh pháp luật mà người dân rất mực tuân thủ đó, đã không được sự hồi đáp thiện chí nào từ chính quyền địa phương.

Người dân Thủ Thiêm, người dân Lộc Hưng lại thêm một năm mơ được ăn Tết ở nơi từng là mái ấm xum vầy của cả gia đình.

Giờ đã qua rằm tháng Chạp. Tết Canh Tý 2020 đang cận kề…

Tin bài liên quan:

VNTB – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục ‘đá lộn sân’

Phan Thanh Hung

VNTB – Định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường để hướng tới điều gì?

Phan Thanh Hung

VNTB – Bộ Giáo dục đã ‘khi dễ’ Bộ Chính trị

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo