VNTB – Người Hoa ở Chợ Lớn

VNTB – Người Hoa ở Chợ Lớn

 

An Duyên

 

(VNTB) – Người Hoa tại Chợ Lớn cũng tự tách mình ra khỏi những tranh chấp và phủ nhận sự ảnh hưởng của Trung Hoa Đại Lục

 

Vấn đề người Hoa sau tháng tư-1975, có những gia đình người Hoa Chợ Lớn treo quốc kỳ Trung Quốc và ảnh Mao Trạch Đông khi chính phủ Việt Nam lệnh cho người Hoa chuyển đổi quốc tịch…

Có một thực tế là sau tháng 4-1975, nếu người Hoa nào tiếp tục đăng ký quốc tịch Trung Quốc lập tức bị phân biệt đối xử như mất việc, giảm tiêu chuẩn lương thực. Trường học người Hoa chính thức bị đóng cửa hoặc chuyển thành trường học toàn dân, các tờ báo tiếng Trung đều bị dừng hoạt động hoàn toàn.

Bắc Kinh rêu rao rằng người Việt Nam “khai trừ, hành hạ và đuổi các Hoa kiều”. Khi Cộng hoà nhân dân Trung Hoa công bố ngày 26 tháng 5 năm 1978 rằng họ đang đưa tàu biển đến Việt Nam để đón “các Hoa kiều nạn nhân”, thì khoảng 250.000 người Hoa ở Chợ Lớn đã đăng ký xin đi.

Trong lúc đó thì ở miền Bắc, đỉnh điểm là chiến tranh biên giới với phía Trung Quốc (1979). Đã có một làn sóng di cư ồ ạt từ 1978 -1979 do hưởng ứng lời kích động kêu gọi hồi hương, mà Trung Quốc gọi là “nạn kiều”.

Giá vé xe lửa Hà Nội – Hữu Nghị, Hải Phòng – Móng Cái trong thời gian nay tăng cao, hành khách giành giật để có chỗ ngồi, thuyền bè đánh cá Vịnh Bắc Phần cũng được tân trang để chở người vượt sang Trung Quốc. Nhiều gia đình người Hoa bán hết tài sản, chắt chiu nhiều đơi để trở về Trung Quốc, phần đông thì trắng tay.

Tính đến 1982 – trong số những người đã vượt biên sang nước thứ ba, thì người Hoa đã chiếm đến 2/3, họ bỏ cả nhà cửa, của cải để tìm đường rời khỏi Việt Nam. Nghe đâu thống kê vào năm 1989 thì số người Hoa ở Việt Nam đã giảm xuống còn 900.000 người.

Khác với phần đông còn lại ở các nước Đông Nam Á, người Hoa tại Việt Nam còn ở lại, đã chọn cuộc sống “mở cửa” với xã hội sở tại thay vì thu hẹp trong cộng đồng của mình, tiếp thu về mặt cư trú, ngôn ngữ, giáo dục đã góp phần làm văn hóa người Hoa tại Chợ Lớn có những nét đặc trưng riêng biệt.

Từ ẩm thực, tôn giáo cũng có những khác biệt dễ tiếp cận hơn so với đặc trưng của tổ tiên mình. Do đó người Hoa tại Chợ Lớn đã được xem là một cộng đồng đặc hữu, không có sự phân biệt, hay trả thù nào từ người bản địa.

Người Hoa tại Chợ Lớn cũng tự tách mình ra khỏi những tranh chấp và phủ nhận sự ảnh hưởng của Trung Hoa Đại Lục, họ thích được xem mình ảnh hưởng bởi Đài Loan và Hồng Công hơn (lúc này chưa Hồng Công còn thuộc Anh quốc).

Các trường học người Hoa dần dà đã trở thành trường toàn dân, dạy học theo chương trình chính quy, hội quán cũng trở thành nơi thờ tự tín ngưỡng cho mọi người chiêm bái, các bệnh viện cũng đổi tên hoặc hoạt động khám chữa bệnh cho xã hội.

Bước vào Chợ Lớn, chỉ cần biết tiếng Hoa là nắm chắc khả năng trả giá thành công mười phần!

(Nhớ khi An Duyên còn đi học ở Hồng Bàng, con bạn Mỹ Linh chỉ cần kéo ghế ngồi xuống quán Súp óc cua sau trường, xí xồ tiếng Quảng, tự dưng cô chủ xà xuống, hỏi han thân mật rồi múc một chén đầy cua, cổ gà, óc heo. Sướng thiệt!)

Hay vào Chợ Lớn đi giáp vòng, cứ nói cùng tiếng là thành anh em bạn hàng liền, đặc biệt là mối mang buôn bán, người Hoa cũng chỉ ưu tiên lựa chọn hàng quán, cơ sở của đồng hương để ủng-hộ nhau, để giá tốt cho nhau!

Cho đến tận hôm nay, Chợ Lớn chẳng giống Hồng Công với những tòa nhà cao tầng diễm lệ, những con đường đầy người, biển quảng cáo ngập phố… Chợ Lớn yên bình, cổ kính hơn nhiều, vì có lẽ nó đã cũ, và dần trở thành ký ức!

Chợ Lớn như một vùng đất “lạc” giữa Sài Gòn, nơi mà khi đặt chân đến sẽ thấy muôn vẻ đặc trưng, chẳng nơi nào có được, càng hiểu sẽ càng yêu. Nếu có lỡ vấn vương rồi thì cũng khó mà quên được những kỷ niệm ở nơi này…

Ảnh lễ hội Tết Nguyên tiêu rằm tháng Giêng, Nhâm Dần.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)