Việt Nam Thời Báo

VNTB – Người nghèo làm từ thiện

Bác sĩ Trần Văn Phúc

(VNTB) – Việc làm từ thiện bao giờ cũng xuất phát từ con tim, nhưng không phải ai cũng làm đúng, nếu chúng ta không hiểu về từ thiện thì sẽ không tránh khỏi dục vọng sân si. Từ thiện không đúng nghĩa từ thiện sẽ là bệnh tim nguy hiểm nhất!

Chị làm hộ lý đã nhiều năm trong bệnh viện. Tuổi ngoài 40, người gầy, nhanh nhẹn, mắt sáng, mặt bạc như tuyết, có lòng thương người và luôn giúp đỡ bệnh nhân. Ngày 8 tiếng ở bệnh viện, nhưng chị phải thức dậy làm việc nhà từ lúc mặt trời chưa mọc, trở về lúc hoàng hôn và chỉ thực sự nghỉ ngơi khi đêm muộn.

Bù lại, chị có một gia đình hạnh phúc. Lấy chồng muộn và sinh con muộn, chồng chị làm công nhân, hết giờ về phụ giúp vợ làm đủ thứ việc kiếm thêm chút tiền ít ỏi.

Sau trận lụt lịch sử năm 2008, nhìn đồ đạc trong nhà bị phá hỏng, mẹ chồng vui vẻ nói với con dâu hãy chuyển đến nhà bà mỗi khi nghe dự báo thời tiết cảm thấy không an toàn. Đã 6 năm trôi qua, cháu trai của bà đang học tiểu học lớp 4, nhưng mùa mưa nào cũng vậy gia đình chị vẫn phải ăn ngủ trên nước ít nhất là đến đầu gối.

Bước vào căn nhà của chị, đập vào mắt là những đồ đạc đơn sơ và ẩm mốc, tường và trần đều mốc, nước rỉ khắp nơi, mưa to một chút là ngập. Trận lụt năm 2014 nước ngập quá thắt lưng. Đồ đạc mấy năm tích cóp mới sắm được, sau một đêm mưa nước tràn vào nhà không còn cách nào di chuyển, nhìn nước dâng lên phá hủy, chị không cầm được nước mắt.

Buổi sáng đến bệnh viện, bắt đầu một ngày với công việc dọn dẹp, lau sàn, thay ga đệm, đổi quần áo cho bệnh nhân; chị làm mà tâm trạng rối bời. Hộ lý là công việc chị yêu thích, vì nó hợp với khả năng của chị, lại được chăm sóc bệnh nhân là những đứa trẻ, được giúp đỡ trẻ nghèo, giúp những hoàn cảnh khó khăn vơi đi nỗi đau bệnh tật, nên chị rất vui cho dù công việc bận rộn vất vả, tổng thu nhập lương và thưởng lại chưa đến 5 triệu mỗi tháng.

7:30 giao ban khoa.

Ngoài trời một cơn mưa khác lại bắt đầu, mưa gắt và dữ dội, nước bắn tung tóe, cây phượng vĩ ngoài cửa không thể mỉm cười, những ngôi nhà bên kia đường đang ngồi chồm hổm, gió hú, những chiếc xe máy trên đường run rẩy và suýt ngã, phố sá lại thành sông.

Bầu trời u ám.

Trước cửa phòng giao ban, một cậu bé chạc tuổi con trai chị, đang ngồi co ro trong mưa lạnh, bộ quần áo cũ rách và đôi chân không dép.

“Sao cháu ngồi ở đây?” – chị hỏi, thằng bé hướng mắt nhìn về đứa em gái 7 tuổi đang nằm trong buồng cấp cứu, bị viêm màng não rất nặng đã điều trị hết 140 triệu, nhà ở quê nghèo chỉ có 3 mẹ con.

“Cháu đói quá! Tối qua cháu chưa ăn gì”.

Trái tim chị chấn động. Trên đời này vẫn còn có người nghèo hơn chị, còn những đứa trẻ ốm đau bệnh tật lại không có thức ăn, bữa cơm tối qua có thể chị đã ăn nhiều hơn đứa bé này đến mấy ngày.

Trong phòng giao ban, ở giữa bàn có một chiếc hộp màu đỏ, giống như màu trái tim. Bác sĩ trưởng khoa đứng lên mở ví lấy ra 2 tờ 500 ngàn đồng, cẩn thận cho vào hộp. Từng người một, ít thì 50 ngàn và nhiều thì 500 ngàn, ai cũng đóng góp một chút.

Số tiền quyên góp để hỗ trợ thuốc thang cho đứa bé 7 tuổi.

Chị ngồi ở vị trí cuối cùng hàng ghế sau, lặng lẽ cúi đầu, hai bàn tay đan xen vào nhau, trong túi chị không có một đồng.

Những gì người nghèo quyên góp tình cảm.

Là người theo dõi ca bệnh của cháu bé, tôi quan sát cẩn thận mọi chuyện, điều tôi khâm phục nhất là nỗ lực vươn lên của hai đứa trẻ. Mới hơn 9 tuổi, nhưng đứa anh đã tự kiếm việc và làm tất cả mọi thứ người nhà và bệnh nhân nhờ, để có tiền nuôi em nằm viện. Bất cứ lúc nào có thể, đứa anh lại mang sách ra tự học, rồi đọc cho em nghe những gì mình học được.

Bệnh tình của đứa em hồi phục ngoài sự tưởng tượng của tôi.

Buổi sáng sau cái hôm quyên góp tiền từ thiện, tôi gặp thằng bé đi xách nước sôi trong khuôn viên bệnh viện, dưới chân có đôi dép cũ nhưng lành lặn. Tôi đã tìm hiểu về đôi dép và tôi bất ngờ khi biết sự thật. Tối đó chị hộ lý về nhà, chị cùng với con trai chọn đôi dép lành lặn, đánh rửa kĩ bằng xà phòng rồi mang đến viện cho đứa bé.

Chúng ta không đến thế gian này một mình, mà ngược lại ai cũng có nhiều người bạn đồng hành, trong số đó sẽ có không ít hoàn cảnh bất hạnh hơn và họ cần được giúp đỡ. Chị hộ lý đã cho tôi một bài học về tình yêu thương, tình yêu thương đó sẽ không cần điều kiện, bởi khi chia sẻ tình yêu thương sẽ giống như chúng ta đang trong một gia đình.

Câu chuyện vẫn chưa dừng lại.

Vài tuần sau, có 2 người đàn ông tìm gặp tôi, họ giới thiệu là chỗ thân quen của ai trên sở, quen ai trên thành phố và quen thân với ai trên trung ương. Một người chụp ảnh. Người còn lại chuyên viết bài, họ liên hệ với tôi để viết tấm gương, viết xong đăng lên báo và đăng tạp chí.

Người đàn ông đưa cho tôi một cuốn viết về nhiều tấm gương.

Tôi nói với họ rằng, cuộc sống đang có rất nhiều những tượng đài bình dị, đó là những người như cô hộ lý, là đứa trẻ hơn 9 tuổi đi làm lụng kiếm tiền nuôi em trong bệnh viện mà vẫn mơ ước đến chuyện học hành.

Một lần tôi hỏi cháu bé mơ ước điều gì?

“Cháu mơ ước trở thành bác sĩ. Nhất định cháu phải học thật giỏi, bởi cháu không muốn đi xách nước cho các cô các bác như hôm nay, cháu cũng không muốn trở thành người lau sàn nhà suốt cả cuộc đời, cô hộ lý cũng khuyên cháu chịu khó học thật giỏi để không phải đi lau nhà như cô. Nhưng cháu không có tiền. Vì thế mà hôm nay cháu sẽ đi xách nước, sẽ đi mua đồ, sẽ lau nhà hay làm bất cứ việc gì để cháu và em có tiền ăn học”.

Tại sao chúng ta không viết về cô hộ lý hay cháu bé kia?

Câu hỏi của tôi không nhận được câu trả lời, mà thay vào đó là những câu chửi rủa của một trong hai người đàn ông, chửi đến mức tôi chỉ còn biết im lặng, bởi sự im lặng cũng đã là tôi đang làm một việc tốt.

Tôi không có những điều họ muốn để viết về tấm gương.

Hai người đàn ông bỏ đi. Họ quăng lại quyển tạp chí. Tôi tò mò đọc, đều là những người nổi bật, đọc qua 3 tấm gương thì tôi đã hiểu tại sao mình bị chửi.

Cuốn tạp chí tôi bỏ quên ở khoa, vài hôm sau thấy xé nham nhở gần hết, là do mọi người sử dụng lót nồi trong lúc ăn trưa. Thời điểm đó anh em nhân viên không có tiền mua thức ăn ở căng tin, nên góp gạo và thức ăn nhờ một chị nhà ở gần nấu nướng cơm canh, nồi được bê nguyên vào nên cuốn tạp chí đã trở thành giấy lót.

Người Do Thái có câu: Người nghèo cho đi tình thương để làm từ thiện!

Nếu chúng ta quan niệm từ thiện chỉ dành cho những người giàu có, hoặc chí ít là người có điều kiện dư thừa, là những doanh nghiệp làm ăn phát đạt, thì đó là một đã sai lầm.

Người giàu liệu có thực sự hào phóng hơn người nghèo?

Trả lời câu hỏi này bằng cách so sánh, như một người giàu quyên góp 1 tỉ làm từ thiện, với người nghèo chỉ ủng hộ 100 ngàn; thì rõ ràng người giàu hào phóng hơn bởi số tiền ấy làm từ thiện gấp 10 ngàn người nghèo.

Nhưng giả sử tất cả những người nghèo ở Việt Nam chỉ cần đóng góp 100 ngàn, thì chúng ta có thể tượng được con số không, nó tương đương với bao nhiêu người giàu đóng góp 1 tỉ.

Một nghiên cứu của Đại học California, mới được công bố trên Tạp chí Nhân cách và Tâm lý Xã hội đã chỉ ra rằng người nghèo hào phóng hơn người giàu. Để giải thích cho điều này, nhóm nghiên cứu lập luận do người nghèo dễ cảm thông hơn với những người gặp hoàn cảnh khó khăn, sự hào phóng của một người được quyết định bởi tính cách hơn là sự giàu có.

Các nhà nghiên cứu cũng nghi ngờ 400 người giàu có nhất nước Mỹ, về sự thành tâm của họ khi cam kết đóng góp 50% số tài sản sau khi chết, theo lời kêu gọi của tỉ phú Buffett và Bill Gates.

Người Do Thái nổi tiếng nhất thế giới về làm từ thiện.

Truy ngược lại cội nguồn chúng ta thấy người Do Thái có thuyết “ba trụ cột”, theo đó thế giới được xây dựng lên từ 3 trụ cột là HỌC TẬP – CẦU NGUYỆN – BÁC ÁI.

Nhưng người Do Thái quan niệm làm từ thiện khác với phương Tây.

Từ thiện không có nghĩa là cho đi một cách vô ích, tức là không chỉ cho đi của cải vật chất với lòng thương vay chỉ để làm người tốt; mà làm từ thiện có nghĩa là trách nhiệm, là công lý, là chính nghĩa để thúc đẩy con người và xã hội phát triển tốt đẹp hơn lên.

Với người làm từ thiện, quan điểm Do Thái đó không phải là cái gì đạo đức hay cao siêu, cũng chẳng phải là “tích đức” để mong được đền đáp; người làm từ thiện chỉ đơn giản là người có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội.

Với quan niệm như vậy, thì từ thiện không là đặc quyền riêng của người giàu dành cho người nghèo, mà ngay cả người nghèo cũng sẽ làm từ thiện và người giàu cũng có quyền được tiếp nhận từ thiện những thứ mà họ đang thiếu thốn.

Người nghèo cũng phải cho đi những thứ mình có.

Với quan niệm như vậy, người làm từ thiện sẽ không mong đợi sự biết ơn, người nhận từ thiện cũng có lòng tự trọng và chỉ nhận những gì khi mình thật sự cần; điều đó được thể hiện qua câu chuyện người ăn xin khá độc đáo.

Một người ăn xin gặp người giàu có, anh ta nói chỉ nhận rượu ngon và gà quay. Người giàu có không hài lòng và nói với người ăn xin: “Bạn có tay, có chân, lại khỏe mạnh hơn tôi; vậy có nên chấp nhận là cuộc sống ký sinh trùng?”

Người ăn xin trả lời: “Tất cả những thứ tôi xin đều là của Chúa, không phải của anh!”.

Quan điểm Do Thái cấm kị làm từ thiện mà để cho người nhận bị bẽ mặt. Với lý do này, việc ai đó ném ra nắm tiền cho người nghèo, thì đó là hành vi xấu hổ đáng bị lên án.

Trong kinh Cựu Ước, người Do Thái nhận là nô lệ cho Pharaoh ở Ai Cập, họ đã từng nghèo khó và ở nhờ. Vì vậy, người Do Thái không cho phép mình coi khinh và bỏ rơi người nghèo, mà phải đặt mình vào vị trí của người nghèo để giúp đỡ.

Những năm 1980, cộng đồng Do Thái trên thế giới vẫn có phong tục giúp đỡ những học sinh nghèo bằng cách sinh viên có thể đến gia đình nào đó ăn hàng ngày, bất kể nhà đó to hay nhỏ, món ăn ngon hay đơn giản, không cần biết thói quen sinh hoạt khác nhau thế nào. Mỗi gia đình phải tiếp nhận một học sinh nghèo và cho ăn, nhưng không được làm học sinh xấu hổ, cũng như nếu cho tiền không được làm người nhận cảm thấy nhục nhã.

Việc làm từ thiện bao giờ cũng xuất phát từ con tim, nhưng không phải ai cũng làm đúng, nếu chúng ta không hiểu về từ thiện thì sẽ không tránh khỏi dục vọng sân si.

Từ thiện không đúng nghĩa từ thiện sẽ là bệnh tim nguy hiểm nhất!

Tin bài liên quan:

VNTB – Xử phạt hành chính xong sẽ là án hình sự?

Phan Thanh Hung

VNTB – Phải chăng chỉ là trò mua vui của ‘anh hề ưu tú’?

Phan Thanh Hung

VNTB – Đã tới lúc làm từ thiện theo cách khác!

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.