VNTB – Người Việt Nam ở Nhật có giàu không sạch?

VNTB – Người Việt Nam ở Nhật có giàu không sạch?

Mỹ Tiến

 

(VNTB) – Khách sạn Takashima đã đưa ra thông báo cấm người Việt Nam đặt phòng vì cho rằng  khách người Việt  thường xuyên lấy trộm khăn của khách sạn.

 

Chuyện xảy ra tại một khách sạn ở Tokyo, Nhật Bản. Khách sạn này đã đưa ra thông báo cấm người Việt Nam đặt phòng vì cho rằng  khách người Việt  thường xuyên lấy trộm khăn của khách sạn. 

Theo trang SBTN, thông báo được dán tại khách sạn có tên là Takashima, được dán ở quầy lễ tân, nơi nhận phòng và trả phòng. Trong thông báo có ghi: “Kẻ trộm khăn Việt Nam, xem trên camera an ninh. Thanh toán 2000 yên tại quầy lễ tân. Người Việt Nam không thể sử dụng khách sạn này nữa. Quốc gia xấu hổ!!”.

Thông báo này đã gây phẫn nộ cho nhiều người Việt Nam mà nhất là cộng đồng người Việt xuất khẩu lao động, cũng như những du khách đến từ Việt Nam. Nhiều người cho rằng đây là một hành vi kỳ thị, xúc phạm và thiếu tôn trọng đối với người Việt Nam. Họ cũng yêu cầu khách sạn xin lỗi và rút thông báo này ngay lập tức.

Trong khi đó, một số báo Nhật Bản cũng đã đưa tin về vụ việc này và chỉ trích thái độ của khách sạn. Việc cấm người Việt Nam đặt phòng là một hành vi vi phạm luật pháp Nhật Bản về ngăn chặn phân biệt đối xử trong lĩnh vực kinh doanh. Họ cho rằng đây là một suy nghĩ sai lầm và độc hại.

Làn sóng người Việt xuất khẩu lao động sang Nhật Bản bắt đầu từ năm 1992, khi hai nước Nhật Bản và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao. Ban đầu, người Việt Nam sang Nhật Bản theo chương trình tu nghiệp sinh, nhằm học tập và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Sau đó, từ năm 2019, Nhật Bản mở rộng cơ hội cho người Việt sang làm việc theo visa lao động đặc định với nhiều ngành nghề và thời hạn khác nhau.

Số lượng người Việt Nam đến Nhật Bản du lịch, làm việc và học tập trong năm 2023 là khoảng 5,36 triệu người, vượt kỷ lục trước đó là 4,95 triệu người vào năm 2019 và đánh dấu con số cao nhất từ ​​trước đến nay. Người Việt Nam cũng là một trong những cộng đồng nước ngoài lớn nhất ở Nhật Bản, với hơn 300.000 người. 

Tuy nhiên, số người Việt bị bắt vì phạm tội trộm cắp trong siêu thị ngày càng gia tăng, chiếm trên 50% những vụ người nước ngoài trộm cắp tại Nhật Bản. Số người Việt bị bắt ở Nhật chỉ đứng sau người Trung Quốc. Lực lượng an ninh Nhật Bản thống kê 5 kẻ cắp thì trong đó có một người mang quốc tịch Việt Nam. 

Trong năm 2020, cảnh sát Nhật đã bắt giữ hàng chục người Việt Nam liên quan đến các vụ trộm cắp gia súc, gia cầm, trái cây và thịt tại các tỉnh Gunma, Saitama, Tochigi và Fukuoka. Một số người Việt Nam bị bắt cũng khai nhận rằng họ trộm cắp vì cần tiền để trả nợ do đi vay để sang Nhật Bản làm việc, hoặc vì không thể trở về nước do hết tiền. 

Một số người Việt Nam cũng bị bắt vì nghi liên quan đến các vụ trộm cắp quần áo của thương hiệu Uniqlo tại Tokyo và bảy tỉnh khác. Cảnh sát tin rằng đường dây trộm cắp này do một người phụ nữ đang sống ở Việt Nam cầm đầu.

Người Việt đứng thứ 2 tổng số người nước ngoài sống tại Nhật bản thế nhưng với tỷ lệ trộm cắp cũng đứng hàng thứ hai khiến cho không ít người Việt cảm thấy rất xấu hổ. Nhưng chưa bao giờ nghe nói thấy nói người ta xấu hổ vì quá nhiều người chấp nhận tiêu thụ đồ ăn cắp từ Nhật.

Người tham gia trộm cắp biện minh cho hành động của mình là do cái nghèo, người tiêu thụ đồ trộm cắp lại đắc ý vì được mua hàng nội địa với giá còn rẻ hơn giá chính gốc tại Nhật. Cả hai nhóm người đều cần phải bị lên án như nhau bởi không có cầu thì làm sao có cung.

Đừng để chỉ vì lòng tham, những tính toán vụn vặt trước mắt mà tự biến người Việt Nam thành một dân tộc nghèo không sạch, rách không thơm. 

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)