Lynn Huỳnh
(VNTB) – Người dân Việt Nam vẫn tin tưởng vào Mỹ và dè chừng Trung Quốc.
Khi được hỏi nếu buộc phải liên minh với một trong hai nước – Mỹ hay Trung Quốc – sẽ chọn nước nào, thì ở Việt Nam có tỷ lệ 21% chọn Trung Quốc so với 79% chọn Mỹ; còn trong số những người dân Philippines được hỏi chỉ có 16,7% chọn liên minh với Trung Quốc và có tới 83,3% chọn liên minh với Mỹ. Đây cũng là hai nước đứng cuối bảng về mức độ thân thiện với Trung Quốc đồng thời nghi ngại Mỹ.
Đó là ghi nhận ở cuộc thăm dò thường niên có tên là “Tình trạng của đông nam Á năm 2024” đã được Trung tâm Nghiên cứu đông nam Á, tức Viện ISEAS-Yusof Ishak, có trụ sở Singapore tổ chức lần thứ 6 và công bố kết quả hồi 2 tháng 4 năm nay.
Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 3-1 đến ngày 23-2-2024 bằng tiếng Anh, tiếng Bahasa, Indonesia, Miến Điện, Khmer, Thái Lan và Việt Nam, thu thập lượt xem từ 1.994 người trả lời từ các học viện, doanh nghiệp, chính phủ, xã hội dân sự và giới truyền thông. Các khảo sát được thực hiện trực tuyến bằng phương pháp lấy mẫu hỗn hợp.
Những người được hỏi bày tỏ lo lắng về ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc trong khi hơn một nửa hoan nghênh ảnh hưởng kinh tế của Mỹ trong khu vực.
Mối quan ngại nhất đối với Philippines và Việt Nam là sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông với tỷ lệ lần lượt là 90% và 72,5%. Người Việt Nam cũng đứng đầu trong khối ASEAN về mức độ quan ngại đối với cuộc chiến của Nga ở Ukraine với tỷ lệ là 67%.
Khi được hỏi, đâu là cách hành xử của Trung Quốc gây quan ngại nhất, 55,4% người Việt chọn sự lấn át của Bắc Kinh trên Biển Đông, so với gần 40% nói Bắc Kinh dùng quan hệ kinh tế để o ép Việt Nam, và gần 30% cho là Bắc Kinh ngày càng chi phối đời sống kinh tế-chính trị trong nước.
Thực tế diễn ra ở đời sống kinh tế – chính trị tại Việt Nam cho thấy dường như phần đông người dân vẫn nghi ngại về cả chuyện làm ăn có liên quan đến đồng vốn của Trung Quốc. Theo đó, các khoản vay từ Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) có thể bị định hướng bởi sáng kiến Một vành đai Một con đường (OBOR) của Trung Quốc.
Sau khi Tập Cận Bình nêu lên ý tưởng về việc thực hiện OBOR, các định chế tài chính Trung Quốc đã tăng cường và triển khai các khoản cho vay của mình tại nước ngoài tập trung vào các quốc gia nằm dọc theo sáng kiến OBOR.
Ban đầu thì Việt Nam vẫn còn bỏ ngỏ việc quyết định có tham gia OBOR hay không, thế nhưng rồi các tác động của dự án cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc đang triển khai tại Đông Nam Á đang tạo ra một “bẫy đòn bẩy cơ sở hạ tầng” đối với Việt Nam mà người ta đang ngờ vực về chuyến công du Bắc Kinh mới đây của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Hệ, qua việc chịu sự tác động của Trung Quốc trong việc thúc đẩy Việt Nam tham gia và vay vốn để triển khai sáng kiến OBOR này.
Theo số liệu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam, số lượng lao động Trung Quốc đưa sang Việt Nam là khá lớn, rất nhiều trong đó là lao động không phép. Ví dụ, số lượng lao động không phép tại các dự án trong ngành điện là 1.058 trong tổng số 1.719 người; than khoáng sản 769/1919 và dầu khí 513/1708. Những nơi tập trung nhiều lao động Trung Quốc là Hà Tĩnh và các khu công nghiệp phía Nam.
Vấn đề lớn nhất đối với nhóm lao động Trung Quốc là việc họ kết hôn với phụ nữ Việt Nam, tạo ra nhiều phức tạp và các nhạy cảm trong quản lý nhà nước đối với lợi ích của thế hệ con lai tiếp theo. Đồng thời, những chỉ dấu về việc Trung Quốc có thể sử dụng “bảo vệ công dân Trung Quốc” như cái cớ để gây ảnh hưởng ngoại giao và can thiệp vào tình hình nội bộ cũng là một thách thức cần xem xét nghiêm túc từ bây giờ khi nhận vốn đầu tư từ Trung Quốc.
1 comment
Đáng lẽ ra, nếu theo lẽ thường thì người Việt nên tin vào Trung Quốc hơn Mỹ . Với Trung Quốc, dân XHCN giúp tạo ra chiến thắng huy hoàng, giải phóng miền Nam . Dân Ngụy thì … nên đọc cuốn “Đồng Minh Phản Bội”