Dân Trần
(VNTB) – Cha mẹ vứt rác lung tung trước mặt con cái, con cái lớn lên lại học theo cha mẹ.
Việt Nam đang đối mặt với một thách thức nghiêm trọng: tình trạng rác thải quá tải đã và đang lan rộng khắp nơi, đe dọa đến cả môi trường và cuộc sống xã hội. Hình ảnh những đám rác chất đống đã trở nên quen thuộc từ thành thị đến nông thôn đặt ra câu hỏi về sự quản lý và nhận thức của chúng ta đối với vấn đề này.
Admin trang facebook “Tôi Là Rác – I am rubbish” vừa có một bài viết khiến nhiều người phải suy ngẫm về hành vi xả rác bừa bãi của những người cha, người mẹ tại Việt Nam hiện nay. Quản trị viên trang này kể lại: “Mình từng thấy một cậu nhóc cầm trên tay hộp sữa vừa uống xong cả một đoạn đường dài, chần chừ mãi không biết phải làm thế nào, có lẽ vì ở trường cô giáo dặn em không được vứt rác bừa bãi. Một lúc sau em quyết định đưa cho ba. Thế nhưng ba em bé kia không một chút mảy may suy nghĩ, vứt liền hộp sữa xuống đường”.
“Mình không biết cậu bé kia lúc ấy nghĩ gì hay sau này em sẽ làm gì với những hộp sữa đã hết. Thế nhưng mình thấy buồn rất nhiều, bởi một đứa trẻ đã được giáo dục thành công ở trường nay về nhà tất cả mọi thứ đều bị đạp đổ bởi chính ba mẹ, những người đáng ra phải là người đầu tiên dạy em những điều ấy. Nếu bản thân chúng ta sống ích kỷ và thiếu trách nhiệm với xã hội. Thì thế hệ sau sẽ ra sao?” Admin trang facebook có 683 ngàn lượt theo dõi trăn trở. (1)
Trên khắp cả nước, chúng ta thường thấy những đám rác chất đống ở ven đường, ven sông và thậm chí là trong những khu dân cư. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến vẻ đẹp của đất nước mà còn tạo ra những tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Vấn đề chính là người dân thiếu nhận thức về việc giữ gìn môi trường và xử lý rác thải một cách bền vững.
Việc vứt rác bất cứ khi nào tiện tay, không vứt rác đúng nơi quy định, có thể làm tăng cường thói quen xả rác bừa bãi. Thiếu hạ tầng thu gom rác đôi khi cũng đóng vai trò trong quyết định của người dân. Các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với áp lực từ lượng rác thải ngày càng tăng. Hệ thống quản lý rác thải đô thị đôi khi không đủ năng lực để xử lý và thu gom đúng cách, dẫn đến việc rác thải chất đống ở nhiều khu vực công cộng.
Theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó 0,28- 0,73 triệu tấn bị thải ra biển nhưng các cơ sở, doanh nghiệp chỉ tái chế, tận dụng được 27% trong số này. Trung bình, mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng một kg túi nylon mỗi tháng. Hơn 80% số túi nylon đó đều bị vứt bỏ sau khi dùng một lần. (2)
Rác thải từ các nguồn đô thị và nông thôn đang đổ vào con sông, tạo nên tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hệ sinh thái nước mà còn gây hậu quả lớn đối với nguồn lợi thủy sản và cuộc sống của cộng đồng ven biển. Nhiều khu vực nông thôn và các cộng đồng nhỏ vẫn chưa có hạ tầng thu gom rác thải hiệu quả.
“Nếu nói nhà nước không đầu tư xử lý, để rác thải tràn lan là không đủ. Người dân không có ý thức, xả rác bừa bãi đã thành “truyền thống lâu đời” rồi, cha mẹ vứt rác lung tung trước mặt con cái, con cái lớn lên lại học theo cha mẹ. Tôi thấy bên Nhật người ta dạy con ý thức bảo vệ môi trường từ nhỏ, ai ra đường cũng mang theo bọc đựng rác, nên nước người ta không có thùng rác mà vẫn sạch sẽ. Nước mình thùng rác ở khắp nơi mà rác vẫn tràn lan. Cho nên tôi nghĩ phải giáo dục trẻ ngay trong nhà trường kèm theo vận động tuyên truyền thường xuyên thì mới có thể bỏ được thói quen xấu này của người Việt Nam”. Anh Q.T., một người dân ở Sài Gòn nêu quan điểm với phóng viên VNTB.
_____________
Tham khảo:
(1) https://www.facebook.com/share/p/52n97joPXimYLSBq/?mibextid=WC7FNe
(2) https://vneconomy.vn/moi-nam-viet-nam-thai-ra-moi-truong-1-8-trieu-tan-rac-thai-nhua.htm