Tham dự buổi lễ này, có đầy đủ các đời Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc Hội, Thủ tướng, Bộ trưởng các ngành… Cùng đại diện các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các tướng lĩnh quân đội và công an, đại diện các cựu chiến binh cùng đại diện các ban, ngành…
“Mỹ cút, ngụy nhào; ngụy quyền Sài Gòn; ngụy quân, ngụy quyền; đế quốc Mĩ”, đó là những từ ngữ được sử dụng trong buổi lễ kỷ niệm “đại thắng mùa xuân năm 1975.”
Các lãnh đạo Đảng, nhà nước Việt Nam tham gia ‘đại lễ kỷ niệm mùa xuân 1975’ sáng nay. |
Những cụm từ miệt thị đầy hẹp hòi của “bên thắng cuộc” đó gây nhói tâm can không ít người chủ trương ôn hòa, mong mỏi sự hòa hợp của những người Việt chung một giòng máu.
Nó xóa bỏ nỗ lực hòa giải từ ngôn từ trước đây, khi dấy lên phong trào sử dụng Việt Nam Cộng Hòa hoặc chính quyền miền Nam Việt Nam thay cho “ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn”.
Nó trở thành cụm từ đầy xấu xí, làm gây hoài nghi lòng người về chuỗi những câu nói của các “lãnh đạo Đảng, nhà nước” về hòa hợp, hòa giải dân tộc trước khi diễn ra buổi lễ.
Cụm từ ‘ngụy quân, ngụy quyền’ trong buổi lễ khiến cho đề cập về hòa hợp trong diễn văn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị lu mờ. |
Từ Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trăn trở về hòa hợp dân tộc, “Nếu nhìn vào những mất mát, hy sinh to lớn, xét về nguyên tắc là không thể nhân nhượng, bỏ qua. Nhưng xét về tình dân tộc, nghĩa đồng bào, đã 40 năm rồi, thì trong quan hệ có thể cởi mở, mềm dẻo, đối xử nhẹ nhàng”, hay “Những người bỏ nước ra đi trước đây, có thể nói mỗi người mỗi cảnh, chắc ít ai vui vẻ ra đi, mà ngược lại canh cánh với nỗi đau của mình. Chưa nói có người mất mát gia đình, người thân. Tôi chỉ muốn nói rằng có người ra đi cũng đau khổ, có những hoàn cảnh mà có khi mình chưa chia sẻ hết, chưa thông cảm hết.
Trong suy nghĩ của tôi, hòa hợp, hòa giải dân tộc cần sự chủ động để tháo bỏ sự mặc cảm, định kiến, nặng nề.”
Thậm chí, nó “xóa bỏ” đoạn văn nói về sự hòa hợp, hòa giải vượt lên định kiến trong diễn văn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở buổi lễ sáng nay.
“Mỗi người chúng ta hãy nêu cao tinh thần dân tộc, lòng yêu nước thương nòi… không phân biệt quá khứ, vượt lên trên những khác biệt, cùng nhau chân thành hòa hợp dân tộc… tất cả vì một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh…”
Màn “đại lễ” có thể khiến người xem, tham gia mãn nhãn, nhưng nó khiến cho bao nhiêu người mãn tâm? Khi cái họ cần bây giờ, không phải là nuôi dưỡng sự hằn học về quá khứ qua ngôn từ, mà là một bước tiến trong tương lai thông qua sự đoàn kết của người phía bên này, bên kia.
Đại tướng Lê Đức Anh, cho rằng, lòng nhân ái làm nên sự kiện 30/4/1975, vậy sau 40 năm đã trôi qua, tại sao chúng ta không dùng lòng nhân ái trong hòa giải, hòa hợp hai bên, ngay từ trong cách sử dụng từ ngữ?