S.T.T.D Tưởng Năng Tiến
(VNTB) – Tội ác đâu có dễ lấp liếm hay che dấu như thế!
Vài hôm trước, trước khi “toàn dân nô nức” kỷ niệm Ngày Giải Phóng Thủ Đô (lần thứ 68) nhà thơ Hoàng Hưng đã viết một câu ngăn ngắn (và hơi khó hiểu) trên trang FB của ông: “Sắp đến ngày 10/10! Biết bao người con tinh hoa của Hà Nội vui mừng đón ngày ấy rồi tan nát cả đời sau ngày ấy huhu…”
Mà chả riêng gì ông nhà thơ mà còn nhiều “nhà” khác (nhà báo, nhà văn, nhà bình luận thời sự…) cũng đã từng trải qua cái tâm tư “huhu” tương tự:
- Lê Phú Khải : “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, không khí hồ hởi vui tươi sau chiến thắng Điện Biên Phủ, sau hòa bình lập lại 1954 ở Hà Nội cũng như toàn miền Bắc mau chóng nhường chỗ cho những ngày ảm đạm, u ám của những cuộc ‘đấu tranh giai cấp’, của cải cách ruộng đất, dư cải tạo tư sản, đấu tố bọn “Nhân văn Giai phẩm.”
- Nguyễn Văn Luận: “Đỗ Mười về tiếp thu Hải phòng nói rằng các nhà tư sản vẫn được làm ăn bình thường. Một tháng sau, cha tôi bị tịch thu tài sản. Trở về Hà Nội, trắng tay, cả nhà sống trong túp lều ở ngoại ô, cha tôi đi đánh giậm, vớt tôm tép trong các ao hồ, rau cháo nuôi vợ con.”
- Nguyễn Khải: “Một nửa nước được độc lập nhưng lòng người tan nát tài sản một đời chắt chiu của họ bị nhà nước tịch thu hoặc trưng thu khiến họ trở thành những người vô sản bất đắc dĩ. Tầng lớp trí thức chẳng có tài sản gì ngoài cái đầu được tư duy tự do, thì cái đầu cũng bị nhà nước trưng thu luôn.
- Trần Đĩnh: “Chú họ tôi ở ngã năm Nguyễn Du – Bà Triệu, một công chức lưu dụng… Tin yêu Cụ Hồ, chú ở lại cùng công nhân viên bảo vệ Sở điện nên được lưu dụng… Thình lình cắt tiêu chuẩn lưu dụng, lương tụt một nhát ngỡ như chính bản thân chú bị sập hầm.”
Riêng với “nhà nhiếp ảnh” thì còn bị nhà nước cách mạng đối xử cách riêng (khắt khe và tàn tệ hơn nhiều) theo như ghi nhận của tác giả Nguyễn Quỳnh Hương :
Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Duy Kiên (1911-1979) sinh ra và sống giữa lòng phố cổ Hà Nội. Ông chơi ảnh và chụp ảnh chỉ như để ghi lại ký ức của mình về một Hà Nội mà cả đời ông và gia đình gắn bó. Hà Nội hiện diện trong ảnh của Nguyễn Duy Kiên ăm ắp tình với những khuôn diện thanh lịch, những di tích già nua nhuộm màu thời gian nhưng đầy sức sống, những vùng quê ngoại ô lam lũ mà vẫn toát lên cốt cách của một xứ sở văn hiến.
Chủ nhân của những bức hình tuyệt đẹp về Hà Nội lại có một số phận nhiều buồn thương… Đam mê nhiếp ảnh từ thời trai trẻ, Nguyễn Duy Kiên là bạn ảnh cùng thời với Lê Đình Chữ, Võ An Ninh, Phạm Văn Mùi, Đỗ Huân… Ông chơi ảnh rất công phu: sắm buồng tối tại nhà, tự tay in phóng ảnh, mày mò tìm ra các kỹ xảo.
Rời hiệu thuốc là ông lại lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm của Hà Nội để ghi lại từng vẻ đẹp phong cảnh và con người, những biến chuyển thời cuộc in dấu lên từng con phố mà ông thân quen từ thơ bé.
Nguyễn Duy Kiên chụp ảnh cho Hà Nội của chính ông. Những khuôn hình nghiêm cẩn, kỹ càng và chan chứa tình. Sau này, khi di sản tinh thần của ông đến tay những nhà chuyên môn, họ đã choáng váng vì những bức ảnh quá đẹp. Quan trọng hơn – di sản ấy còn là những sử liệu vô giá bằng hình ảnh về Hà Nội trong suốt 20 năm nhiều biến động 1940-1960.
Với 5 đứa con, người vợ đảm đang hết mực tin yêu chồng, Nguyễn Duy Kiên yên ổn với cuộc sống của mình – chỉ cần ông còn được chụp ảnh. Nhưng tai nạn đã ập đến với họ bất ngờ, để rồi tổ ấm của họ phải sẻ đàn tan nghé.
Đó là một ngày của năm 1967, Nguyễn Duy Kiên có lệnh khám nhà. Người ta tìm thấy trong kho ảnh của ông có 1 tấm hình khỏa thân. Sau này bạn bè ông nói đó là tấm ảnh một người đến phóng nhờ buồng tối rồi để quên lại, cũng có người nói ông chụp để gửi dự thi quốc tế, vì BTC yêu cầu hồ sơ bộ ảnh phải đủ tĩnh vật- phong cảnh- chân dung và ảnh khỏa thân. Không ai biết chính xác “lý lịch” tấm ảnh định mệnh ấy, còn Nguyễn Duy Kiên thì chỉ im lặng. Bị kết tội chụp ảnh suy đồi cái tội đủ để làm tan nát danh dự một gia tộc.
Quá khứ đã qua, nhưng ám ảnh kinh hoàng vẫn đọng trong lời kể của bà Kiên: “Chồng tôi đau đớn lắm, nhưng ông biết thời thế, biết phận mình phải như thế. Oan khuất biết kêu ai? Nên bố cháu chỉ im lặng.
Ông bị xử điển hình, kết án 11 năm tù. Chồng tôi cải tạo tận Lào Cai- xứ rừng thiêng nước độc. Cứ nửa năm tôi và cháu lớn lại được lên thăm bố cháu một lần, đường rừng toàn đá tai mèo nhọn sắc, hai mẹ con đi bộ hàng chục cây số máu rỏ dọc đường. Mỗi lần thăm bố cháu lại tiều tụy hơn”.
Ông bị bệnh thận, bà Miễn viết đơn xin giảm án cho chồng, Nguyễn Duy Kiên đựơc trở về với gia đình sau 8 năm thụ án. Ông về, nhớ nghề ảnh thì mang máy ra chụp loanh quanh trong nhà, ông không dám ra ngoài, bạn bè cũng e ngại không còn ai lui tới.
Đoàn tụ của họ lặng lẽ và ngậm ngùi, chẳng nỡ làm nhau đau hơn – ông không kể những ngày trên trại, bà không kể những năm tháng một mình tủi cực nuôi con. Năm 1979, ở với vợ con được 4 năm thì ông mất vì sức khỏe suy kiệt. Bà Kiên vẫn rơm rớm nước mắt khi nhớ lại: “Khi bố cháu mất, danh dự vẫn chưa được rửa, ông ấy xuôi tay mà không nhắm được mắt…”
Gần nửa thế kỷ đã qua (kể từ khi Nguyễn Duy Kiên nhắm mắt xuôi tay) nhưng nỗi oan khuất của ông và tâm cảm u uẩn của bà chưa bao giờ thực sự được quan tâm hay chia sẻ bởi bất cứ ai, ngoài những lời lẽ đãi bôi của giới truyền thông nhà nước:
Báo Tiền Phong: “Trải qua bao nỗi gian truân, may mắn thay, ngần ấy năm trời, bà quả phụ Nguyễn Duy Kiên vẫn lưu giữ lành lặn được hơn 200 tác phẩm của chồng. Ấy cũng là nề nếp gia phong, nghĩa tình chung thủy của người Hà Nội xưa”.
Báo Vnexpress: “Nguyễn Duy Kiên từng là nghệ sĩ nổi tiếng trong giới nhiếp ảnh Hà Nội, cùng thời với Võ An Ninh, Phạm Văn Mùi, Nguyễn Cao Đàm… nhưng hầu như đã bị hậu thế lãng quên.”
Báo Nhịp Sống Hà Nội: Số phận đã không cho Nguyễn Duy Kiên may mắn được chụp, trưng bày và xuất bản nhiều nhưng di sản mà ông để lại là những sử liệu vô giá bằng hình ảnh về Hà Nội trong suốt 20 năm nhiều biến động 1940-1960. Đây là món quà quý giá mà ông gửi lại cho Hà Nội của chúng ta hôm nay.
Báo Nông Nghiệp: “Tiếp lửa tình yêu nghệ thuật, lưu giữ những khoảnh khắc lịch sử vô giá cho những người đang sống hôm nay, nhưng NSNA Nguyễn Duy Kiên dường như bị quên lãng. Hà Nội đã tôn vinh nhiều cá nhân, vậy mà cái tên Nguyễn Duy Kiên đến nay vẫn chưa được trân trọng đánh giá đúng với những gì ông xứng đáng được vinh danh.”
Vấn đề e không giản dị thế đâu!
Hà Nội không thể ngang nhiên mang một nghệ sỹ đi chôn sống, rồi lại thản nhiên “vinh danh” nạn nhân bằng cách in lại tác phẩm của đương sự (bằng tiền tài trợ của một công ty nước ngoài) và coi “đây là món quà quý giá mà ông gửi lại cho Hà Nội của chúng ta hôm nay.”
Hà Nội không thể chà đạp lên cuộc đời của một người dân cho đến mức bầm dập te tua rồi đổ thừa (“số phận đã không cho tác phẩm Nguyễn Duy Kiên may mắn được chụp, trưng bày và xuất bản”) tỉnh rụi như vậy được.
Hà Nội cũng không ai có thể giày xéo lên số phận của cả một gia đình, buộc một người phụ nữ đơn chiếc phải tần tảo nuôi mấy đứa con thơ, rồi xưng tụng đó là nhờ vào “nề nếp gia phong, nghĩa tình chung thủy của người Hà Nội xưa.”
Tội ác đâu có dễ lấp liếm hay che dấu như thế!