Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nguyễn Phú Trọng phải ‘đốt’ vụ Thủ Thiêm thì dân mới tin! (kỳ 5)

kỳ án Thủ thiêm

Vương Ngôn  

Kỳ 5: Nguyễn Phú Trọng phải ‘đốt’ vụ Thủ Thiêm thì dân mới tin!

Kỳ 1: Tìm mọi cách đánh tráo quy hoạcThủ Thiêm

Kỳ 2Nhiệt tình cộng làm liều =  phá hoại!

Kỳ 3: Lừa trên dối dưới, đánh tráo quy hoạch, phá nát nhà dân, cướp đất làm giàu bất chính!

Kỳ 4: Giọt lệ rơi trên những tấm huân  chương!

(VNTB) – Trên 15.000 hộ dân trong tổng số 15.853 hồ sơ bị bồi thường ngược đãi giải toả nhà đất giao cho chính quyền địa phương thực hiện dự án. Trong đó có hơn 3.000 căn nhà  dân nằm ngoài ranh quy hoạch bị chính quyền cưỡng chế đập phá tan tành. Nhà thờ, nhà nguyện, nhà chùa cũng phải “bái phục” lợi ích nhóm. Tại thời điểm 2013, Sở Tài chính TP.HCM đã giải ngân gần 40 ngàn tỷ đồng. Đến nay, 23 năm trôi qua, vùng đất vàng này vẫn bị bỏ hoang.

Đã có hơn 11.000 đơn thư khiếu nại tố cáo trong suốt thời gian dài. Dự án này đã trở thành đỉnh điểm đạt nhiều kỷ lục: số diện tích đất thu hồi trái phép ngòai ranh quy hoạch nhiều nhất. Số người chết oan nhiều nhất. Số  vụ kiện dân sự ra toà nhiều nhất. Số người bị thất nghiệp nhiều nhất …dẫn đến số lãnh đạo trả lời trái luật và hứa lèo với dân nhiều nhất. Số km đường có kinh phí xây dựng đắt nhất thế giới. Nỗi đau chồng chất nỗi đau ! Nỗi ám ảnh hàng ngàn năm sau đối với người dân Thủ Thiêm. Kể từ hôm nay, Việt Nam Thời Báo sẽ đăng những phần chính quá trình diễn kịch của UBND TP.HCM trong suốt thời gian 23 năm thực hiện một dự án đầu tư đầy máu và nước mắt! 

“ Trải qua một cuộc bể dâu / Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Tôi kiên quyết không để lũ làm càn đập phá nhà của tôi vô cớ vì gia đình tôi không còn chỗ ở nào khác ! Đó là lời tuyên bố cố thủ tại nhà riêng của ông Trần Đình Chương, 88 tuổi nguyên là sỹ quan quân đội nghỉ hưu.

Khi chúng tôi vừa dừng xe trước cửa nhà ông, 6 người con của ông đều cầm dao búa, gậy gộc ra ngăn chặn. Sau vài câu trao đổi, cha con ông nhận ra chúng tôi là nhà báo, ông bảo: “ Tao cứ tưởng bọn cướp nhà ở Quận 2, thông cảm nhá !” Nhà ông Chương ở số 12/17, Tổ 61, Khu phố 5, phường An Khánh, Quận 2 cũng bị cưỡng chế giao mặt bằng cho Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng do giá cả bồi thường qúa bọt bèo không thể tái tạo lại chỗ ở cho bốn thế hệ, nên gia đình ông không đồng ý mà phải chống chọi “ lũ bớt xén” đến cùng.

Ông Chương tham gia cách mạng năm 1949, tập kết ra Bắc 1954, sau giải phóng miền Nam vợ chồng ông vào Nam công tác, Năm 1986, ông mua 1.300m2 đất hoang hoá đổ đất cất nhà ở, được Nhà nước cấp chủ quyền từ năm 1989, ông bà chia cho 7 người con mỗi người 160m2 xây nhà lập gia đình riêng. Ông Chương tham gia suốt hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bốn người con trai cũng đều tham gia kháng chiến chống giặc. Ông kể, những năm gần đây tôi và bà vợ làm bảo vệ không lương. Ngày nào cũng ngồi canh cửa đề phòng lính của Lê Thanh Hải ập đến làm càn.

Trước đây do sơ suất mất cảnh giác và tin tưởng vào cái thứ “đạo lý giả tạo” của tên Hải. Vậy mà, chỉ trong chớp nhoáng lũ sói đã đập tan tành căn nhà chính của tôi có diện tích 172m2. Tụi nó chỉ bồi thường với giá rẻ mạt trong phạm vi 100m2. 7 căn nhà xây dựng kiên cố còn lại của 7 đứa con tôi chúng chỉ bồi thường 50.000đ/m2 nên vợ chồng tôi hằng ngày phải túc trực không cho chúng vào làm càn.

Kẻ ác ôn Nguyễn Cư hiện nay đang làm Bí thư Quận 12 từng tuyên bố: cả 8 căn nhà của gia đình tôi đều xây dựng trên đất nông nghiệp nên không được mua nhà tái định cư. Nếu nhận số tiền bố thí của tụi nó thì mấy chục con người của 4 thế hệ trong 8 gia đình sẽ đi về đâu, hoặc là ăn xin, hoặc là đứng đường, hoặc là đi trộm cắp cướp giật ngoài đường thì mới tồn tại cuộc sống màn trời chiếu đất?

Đoàn cưỡng chế hay nhóm côn đồ làm thuê ?

Ngoài các gia đình có truyền thống cách mạng lâu đời như gia đình ông Nhỏ, ông Chương, ông Lực, Thiếu tướng Hải… còn có vô vàn trường hợp khác đều bị chính quyền Quận 2 đối xử hết sức tàn nhẫn.

Trường hợp chị Phạm Thị Vinh quá bi đát, cha mẹ mất sớm, chị Vinh bị bại liệt cả hai chân từ nhỏ, sống đơn côi một mình phải chống tới hai cái nạng gỗ mới di chuyển được. Căn nhà chị Vinh đang ở tại phường Bình An, trước giải phòng miền Nam, nơi đây là kho chứa rác thải của chế độ cũ. Chị Vinh nhờ nhiều người dọn dẹp rác rồi làm chỗ tá túc trú thân.

Đến năm 1990, nhờ các nhà hảo tâm từ thiện giúp đỡ, chị Vinh mua thiếu vật liệu xây dựng diện xoá đói giảm nghèo xây căn nhà cấp 4 gắn với diện tích đất hoang hoá 177,25 m2 do Công ty Phát triển nhà huyện Thủ Đức (nay là Quận 2) đo đạc và cấp phép cùng bản vẽ pháp lý. Vậy mà khi thu hồi nhà và đất nằm ngoài ranh quy hoạch, chị Vinh chỉ được bồi thường 55m2 với tổng số tiền 93 triệu đồng. Số diện tích còn lại 122,25m2 chui vào túi ai? Số tiền bồi thường 55 m2 không mua nỗi 1/4 m2 đất tại dự án (350 triệu đồng/m2).

Khi đề cập tới hoàn cảnh chị Vinh – một người tàn tật suốt đời, nhiều cán bộ lão thành bức xúc: “ Những hoàn cảnh đặc biệt như cô Vinh mà chúng nó còn trấn lột, thử hỏi còn tội ác nào hơn thế nữa ?”. Ông Năm Chương, ông Hai Nhỏ đều cho rằng: “ Tội lừa đảo và bớt xén tiền bồi thường của người tàn tật là tội dã man nhất trên đời !”

Khi chúng tôi tận mắt nhìn thấy cảnh tan hoang đổ nát ở khu vườn kiểng rộng 1 ha của gia đình ông Nguyễn Phi Thường sỹ quan quân đội nghỉ hưu, thương binh 3/4 mất sức lao động trên 61% ở số nhà 23/5B, đường Trần Não, Khu phố 2, phường Bình Khánh, Quận 2 thì mới thấy nỗi đau chua xót đến quá sức tưởng tượng. Khu đất 9.670m2 của 6 anh em ông Thường cùng một số bạn bè hùn vốn mua vào thời điển 2001 đầu tư hàng tỷ đồng trồng cây cảnh . Đất đã được cấp GCNQSDĐ và cho chuyển đổi mục đích sử dụng. Khu đất này nằm cách ranh quy hoạch gần 1 km. Tuy không có quyết định thu hồi đất, nhưng UBND Quận 2 vẫn cho đoàn làm thuê đến đập phá tan tành (ảnh).

Nghiệt ngã hơn là lũ làm càn còn bất chấp tất cả các quy định của pháp luật và đạo lí. Ngay cả những căn nhà của hộ bà Lê Thị Thu Hương, hộ bà Nguyễn Thị Kim Phượng và hàng ngàn căn nhà khác thuộc điện đã được UBND TP.HCM bán nhà theo Nghị định 61 đã được xác định nằm ngoài ranh quy hoạch, nhưng bọn chúng vẫn cố tình huỷ hoại. Rồi đến là nhà ông Lê Văn Lung, ông Khương (gia đình liệt sỹ), nhà bà Tám Bay, đất ông Phương, nhà ông Vinh…nhà thờ, nhà nguyện, Chùa Liên Trì… đều bị bọn vô lại xã hội đen thôn tính hết.

Ngay cả những cán bộ công tác tại phường mà không chiều theo ý cướp đất cướp nhà của những tên côn đồ đứng đầu chỉ đạo như Đặng Trung Thiên, nguyên Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Bình An thì cuộc đời và gia đình họ cũng khó sống ! Trường Hợp ông Nguyễn Văn Thanh, sỹ quan quân đội chuyển ngành, ông tham gia suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ không thiếu một ngày nào. Tại thời điểm đang có “phong trào” của Lê Thanh Hải đập phá nhà dân, ông Thanh lúc đó là Chủ tịch HĐND phường Bình An, nhưng do không tuân thủ hành vi đập phá nhà dân thì ngay lập tức 70 m2 đất nhà ông không được bồi thường đồng nào. Căn nhà gia đình ông đang ở cùng với cái chức Chủ tịch của ông cũng quyện lẫn với đống gạch vụn trong giây lát. Thất nghiệp, vợ chồng ông ra vỉa hè che vải mủ bán cà phê cóc kiếm sống qua ngày. “ Kể sao xiết muôn phần nhục nhã / Văn minh chi khai hoá chi chi.”

Ngay cả những gia đình liệt sỹ như gia đình ông Tô Văn Lượm, sinh năm 1948 là con trai Liệt sỹ Trắc Tấn Bi. Cha hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, mẹ mất sớm. Ông Lượm mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo. Suốt bao nhiêu năm gia đình ông sinh sống trong cảnh đói khổ tại căn nhà có diện tích chỉ 31,27m2 ở số 512A, Tổ 5, ấp 3, phường An Lợi Đông, Quận 2. Nguồn gốc đất ở ổn định có từ trước 1975.

Vậy mà khi đoàn cướp đất của Quận 2 do Nguyễn Cư, Nguyễn Phước Hưng là Chủ tịch và Phó Chủ tịch Quận dẫn đầu đập phá tan tành và chỉ bồi thường số tiền 48,7 triệu đồng không đủ mua 0,3 m2 đất tại dự án. Trong khi đất này sau khi quận 2 giao cho Công ty Đại Quang Minh (một đại gia nỗi cộm nhất Thủ Thiêm) bán lại cho dân với giá 350 triệu đồng/m2. Vì nỗi đau của gia đình Liệt sỹ này cứ cắt cứa rớm máu ngày đêm và lây lan khắp các thành viên trong gia đình. Ông Lượm gửi đơn khiếu nại.

Nguyễn Cư- Chủ tịch UBND Quận 2 ký ngay Quyết định đẩy ngay gia đình Liệt sỹ này vào ngõ cụt. “ Cho cả gia đình mày đi ăn xin luôn !” .Nói xong, Cư ký Quyết định số: 5940/QĐ-UBND điều chỉnh nội dung Quyết định số: 5789/QĐ-UBND do hắn ký trước đó. Quyết định sau Cư mượn sách Hít-Le điều chỉnh: “ Tiền bồi thường nhà, đất và tài sản: “ Không đồng !” Tái định cư: “ Không đủ tiêu chuẩn !”. Từ đó, gia đình Liệt sỹ này phải đi lượm ve chai kiếm sống.

Tương tự, gia đình Liệt sỹ Nguyễn Văn Dương. Bà Vũ Thị Đàn, 77 tuổi là vợ Liệt sỹ đang sống trong căn nhà ở C24/9, nằm trên diện tích 155,52m2 thuộc Khu phố 1, mặt tiền đường Lương Định Của, phường Bình Khánh, Quận 2. Đất và nhà ở hợp pháp, được cấp sổ hồng từ 1989. Chồng bà hy sinh năm 1972. Bà Đàn chia căn nhà này thành 3 căn cho 3 đứa con làm chổ sinh sống riêng.

Vậy mà Nguyễn Cư và Nguyễn Phước Hưng cùng đoàn cướp đất, cướp nhà ập đến đập phá tan tành rồi bồi thường theo mức giá “bố thí”. Đứng bên đống gạch vụn, bà Đàn lau nước mắt, xúc động đến căm phẫn: “ Đối với gia đình tôi, chúng còn hãm hại đến thế, huống chi người dân thường ở đây chúng còn đối xử tàn nhẫn hơn nhiều. Nhiều ngừơi bị đánh đập, bắt trói như heo, bị chết oan, bị thắt cổ tự tự…. Đau lắm các chú ạ !”

Không thể giải quyết nỗi đau Thủ Thiêm khi chưa đưa củi vào lò (!?)

Suốt 23 năm nay “ nỗi đau chồng chất nỗi đau ” của người dân Thủ Thiêm đã lên tới đỉnh điểm. Nhiều quan chức địa phương cứ tìm mọi cách lụi luồn lách léo liếm láp để hứa lèo hứa cuội với dân. Một kiểu hành vi dội thêm tội ác vào dân ! Xét về bản chất vụ việc và hành vi thực hiện thì những lời hứa cuội đó dẫn tới sự nguy hiểm nhất là làm người dân lâm nạn nhiều thứ bệnh. Trong đó căn bệnh nặng nhất là bệnh “ ghét chính quyền” Mục tiêu của số cán bộ này là nhằm kéo dài thời gian giải quyết vụ việc để trút hết nỗi đau cho những người kế nhiệm.

Ông bà nào cũng muốn giữ cái ghế yên vị của mình để mà: một là về hưu an toàn. Hai là chuyển công tác lên bậc cao hơn. Ba là mình có dính chàm trong đó nên phải im lặng. Bốn là hy sinh đời bố cũng cố đời con. Năm là dù sao thì đó cũng là anh hai, anh ba, anh tư của mình hết…!

Điển hình như vụ bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TP.HCM, những lần tiếp xúc cử tri Quận 2, vào thời điểm 2014-2015 bà Tâm khẳng định: “ Đối với dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành uỷ, HĐND, UBND TP. HCM luôn tìm mọi phương án tạo công ăn việc làm và bồi thường thoả đáng cao nhất cho bà con. Yêu cầu bà con chấp hành để thành phố thực hiện dự án. Nếu ai không chấp hành sẽ bị cưỡng chế, vì thời lượng tiếp xúc cử tri chỉ có…2 giờ thôi. Chào thân ái và tạm biệt !” Ngay lập tức, người dân đã nổi khùng làm náo loạn cả hội trường .

Nhưng khi bước vào giai đoạn ông Tổng -Tịch sắp đốt lò và đốt cỏ ở Thủ Thiêm thì bà Tâm lại khẳng định: “Với Thủ Thiêm luôn là bài học sâu sắc đau xót nhất của thành phố, hôm nay dù đến 19 giờ tối, tôi vẫn phải ngồi lại để lắng nghe hết nỗi niềm, nguyện vọng, tâm tư của bà con phản ảnh. Tôi sẽ đề nghị Ban Thường vụ Thành uỷ tiến hành giải quyết những bức xúc cho bà con ngay !” thế rồi, mấy hôm sau bà gói trọn lời hứa vào cuối tà áo dài truyền thống đi một mạch về nhà mà không cần một lời giải thích hay từ giả với người dân Thủ Thiêm. Vừa đi, bà vừa lẩm bẩm: “ Tan giặc rồi, em hát chị nghe…”.

Đến lượt Nguyễn Thành Phong lên Chủ tịch UBND TP.HCM, ban đầu cũng họp dân, cũng thả thính, nào là: tôi sẽ giải quyết hoặc đề nghị Thành uỷ giải quyết ngay nỗi bức xúc cho bà con trước tết nguyên đán để bà con ổn định cuộc sống. Ai sai tới đâu sửa tới đó…bà con cứ yên tâm !” nhưng rồi lời nói gió bay vì khi thấy bà con tố cáo quá nhiều tội ác của nhiệm kỳ trước thì Nguyễn Thành Phong lại xuống giọng: “ Tôi sẽ đề nghị lên Trung ương giải quyết nguyện vọng của bà con, vì những vấn đề này nằm ngoài phạm vi thẩm quyền giải quyết của thành phố !”.

Còn Nguyễn Thiện Nhân, người ta thường gọi là “ông bụt đứng nhìn” và “hèn sĩ”, ông cũng hứa sẽ giải quyết gấp để ổn định cuộc sống cho bà con trước tết. Thế nhưng “ Tết này con về mẹ ở đâu ?” vì nguyện vọng của ông là gom toàn bộ dân Thủ Thiêm vào các khu chung cư được xây dựng kém chất lượng nhất Đông Nam Á mà nhà đầu tư muốn bán gấp để thu hồi vốn, còn người dân tái định cư đã không thèm mua từ hàng chục năm về trước.

Các ông, bà lớn hứa rồi mà không làm được, đến lượt thuộc cấp của họ tiếp tục “ngựa theo lối cũ” tuy không nắm bắt được tý gì về Đại án Thủ Thiêm, nhưng cũng ham phát ngôn cho vui. Võ Văn Lắm, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM trong lúc nước sôi lửa bỏng, dân Thủ Thiêm chờ có những bàn tay sạch và bàn tay sắt giải quyết tiêu cực dứt diểm thì Võ Văn Lắm lăm le tuyên bố: “ Bà con cứ yên tâm, hiện nay chúng tôi đã hình dung ra ranh giới quy hoạch Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm rồi !”. Thật hồ đồ và trơ trẽn ! Một dự án đầu tư lớn nhất TP.HCM đã diễn ra 23 năm nay, dân đã và đang kêu trời, vậy mà Chánh văn phòng UBND TP giờ này mới biết vị trí ranh giới quy hoạch? Quả thật là ngáo đá !

Còn Kết luận và Thông báo của Thanh tra Chính phủ thì đúng là một công trình “phương trình toán học rút gọn”, chỉ biết trích lược rút gọn và làm theo Kết luận của Thanh tra Thành phố. Trong khi đất của dân bị thu hồi trái pháp luật trên 400 ha ở phường Cát Lái giáp ranh Đồng Nai. Ở Cầu Rạch Chiếc giáp ranh Quận 9 cách Khu đô thị mới Thủ Thiêm từ 10-20 km thì Thanh tra Thành phố và Thanh tra Chính phủ khẳng định “ trong ranh”, còn đất tại Khu phố 1, phường Bình An, Quận 2 giáp ranh Khu đô thị Thủ Thiêm thì kết luận “ngoài ranh”.

Thật quá ngớ ngẩn và vô văn hoá ! Rõ ràng là Thông báo và kết luận của TTCP theo đuôi Kết luận và Báo cáo của TT thành phố mà Thanh tra Thành phố lại làm theo ý kiến chỉ đạo của Lê Thanh Hải – Chủ tịch và Bí thư Thành uỷ TP.HCM. Lấy gì làm khách quan ? Từ bao đời nay chưa thấy một con người nào có thể chất bình thường mà tự lấy gậy đập vào đầu mình.

Chúng tôi còn nhớ, vào thời điểm đầu năm 2014, khi thấy người dân Thủ Thiêm phản kháng quyết liệt bằng nhiều hình thức khác nhau. Ông Lâm Đình Chiến, nguyên Bí thư kiêm Chủ tịch UBND Quận 10 vừa mới lên giữ chức vụ Chánh Thanh tra Nhà nước TP.HCM. Ông Chiến liền tổ chức cuộc họp dân Thủ Thiêm tại Trụ sở Thanh tra Thành Phố. Tại đây, mở đầu ông Chiến cho biết: “ Yêu cầu bà con cứ tố cáo những tiêu cực, ở đây không có vùng cấm, tôi sẽ xử lý hết. Bất kể người đó là ai !”

Ngay lập tức có một người dân trong số được triệu tập giơ tay xin phát biểu: “ Tôi vừa nghe ông Chiến Chánh Thanh tra Thành phố nói: ông sẽ xử lý hết, bất kể người đó là ai ? Tôi xin hỏi, sai phạm nghiêm trọng nhất ở Thủ Thiêm từ đầu đến cuối vẫn là do hành vi của ông Lê Thanh Hải gây ra, chúng tôi có đầy đủ chứng cứ cung cấp. Liệu ông có xử lý được không ?”

Ngay lập tức ông Chiến Chánh Thanh tra thành phố chuyển hướng bay đi và từ chối chủ trì cuộc họp, nói là bận họp ở UBND thành phố và nhờ ông Minh – Trưởng phòng tiếp công dân chủ trì giùm. Thực ra, đây chỉ là những lời nói dối lừa dân để ông ta rút lui cấp tốc khi thuỷ triều đang lên.

Với chúng tôi, để giải quyết dứt điểm nhiều tiêu cực xảy ra tại Thủ Thiêm thì yêu cầu ông Nguyễn Phú Trọng trước khi nhóm lò phải:

1- Khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với các tổ chức, cá nhân về Tội cố ý làm trái tại Dự án Thủ Thiêm.

2- Xử lý đúng quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân làm mất bản đồ quy hoạch.

3- Xử lý hành vi không chấp hành việc thực hiện Dự án Thủ Thiêm theo Quyết định 367/TTg và Công văn hoả tốc số: 190/ CP-NN của Thủ tướng Chính phủ.

4- Xử lý kẻ cầm đầu xé nát quy hoạch Khu đô thị mời Thủ Thiêm.

5- Xử lý những tổ chức, cá nhân đã bán 169 ha (T. đó có 160 ha đất xây nhà tái định cư cho dân). Số tiền bán đất cho 51 doanh nghiệp đã chi vào những khoản nào, hiện còn bao nhiêu, nằm ở đâu ? Đồng thời số tiền hàng trăm ngàn tỷ đồng ngân sách giải ngân cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã chi cho những ai, thất thoát là bao nhiêu ?

6- Xử lý hành vi Tất Thành Cang “tự ý ký ” bán đất Nhà Bè và tự ký Văn bản đổi đất lậy hạ tầng cho Đại Quang Minh để quyết toán khống 1 km đường có giá đắt nhất thế giới là trên 1.000 tỷ đồng/ 1 km đường. Trong khi xây nhà hát chỉ có 1.500 tỷ đồng mà phải họp HĐND để xin ý kiến và lấy biểu quyết ?

7- Xử lý số cán bộ cấp cao của Trung ương và Thành phố HCM có vốn hùn vào Công ty Đại Quang Minh xây dựng khu SaLa.

8- Xử lý nghiêm khắc những cá nhân chỉ đạo và ký ban hành quyết định thu hồi đất phi pháp ngoài ranh giới quy hoạch dẫn đến hơn 3.000 nhà dân bị đập phá oan tan tành, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng kéo dài 23 năm nay.

9- Xử lý những cá nhân, tổ chức bắt, trói, còng, đánh đập và giam người trái pháp luật.

10- Bồi thường thoả đáng, đúng quy định của pháp luật về chính sách đất đai, vật kiến trúc, tài sản khác để người dân được nhận tiền đền bù tự tìm kiếm chỗ ở mới theo đúng nguyện vọng của họ.

11- Xử lý Chánh Văn phòng Chính phủ nhiệm kỳ trước vì khi thấy người dân phản ảnh về hành vi Nguyễn Văn Đua, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM ký Quyết định số 6565/QĐ-UB thu hồi và huỷ bỏ Quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ nhưng Chánh văn phòng Chính phủ vẫn để thầm lặng cười chơi ?

12- Tổ chức xin lỗi Nhân dân vùng dự án và tính toán công khai trả lại cho Nhân dân những gì họ đã mất mát đau thương suốt 23 năm nay.

Về thực chất, việc xử lý các hành vi tiêu cực tham nhũng tại Đại án Thủ Thiêm đến nay vẫn chưa hề đụng tới bất kỳ một tổ chức hai cá nhân nào mà mới chỉ xử lý một số ít cá nhân liên quan tới vụ án Vũ Nhôm.

Tin bài liên quan:

VNTB – Cái u tối của Nguyễn Phú Trọng

Do Van Tien

VNTB – Biden sẽ đến Việt Nam ngày 10-9-2023

Do Van Tien

VNTB – Đại hội 13 đi về đâu? ( kỳ III)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo