VNTB – Nguyên tắc suy đoán vô tội ở vụ đại án “chuyến bay giải cứu”

VNTB – Nguyên tắc suy đoán vô tội ở vụ đại án “chuyến bay giải cứu”

Lynn Huỳnh

(VNTB) –  Bị cáo Trần Văn Dự – cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh – thừa nhận hành vi nhận tiền theo nội dung cáo trạng nhưng cho rằng mình nhận hối lộ chỉ “là vô tình”.

 

Theo nguyên tắc suy đoán vô tội, khai nhận của bị cáo Trần Văn Dự ở phiên tòa sơ thẩm là chấp nhận.

Nguyên tắc suy đoán vô tội được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế như Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966.

Nguyên tắc này cũng được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013 tại khoản 1, Điều 31 như sau: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Nguyên tắc này bao gồm 05 nội dung sau:

Một là, người bị buộc tội được coi là không có tội cho tới khi bị kết tội bởi một bản án có hiệu lực pháp luật. Toà án là cơ quan duy nhất có quyền xét xử và kết tội một người, không một cá nhân, cơ quan, tổ chức nào có thể phán quyết một người phạm tội, kể cả cơ quan điều tra, truy tố.

Hai là, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không được đối xử với người bị buộc tội như người phạm tội, không được định kiến, thiên lệch khi giải quyết vụ án. Mọi quyền con người của người bị buộc tội phải được tôn trọng ngay cả khi bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế, ngăn chặn, người bị buộc tội chỉ bị hạn chế một phần quyền con người trong giới hạn luật định.

Ba là, việc chứng minh tội phạm phải được thực hiện theo một trình tự, thủ tục nghiêm ngặt do Bộ luật tố tụng hình sự quy định. Các cơ quan điều tra trong quá trình thu thập các tài liệu, chứng cứ phải khách quan và đúng pháp luật. Nghiêm cấm các hình thức bức cung, nhục hình, “mớm cung”,… và các phương pháp thu thập tài liệu, chứng cứ trái pháp luật.

Bốn là, việc kết tội một người phải dựa trên những chứng cứ xác thực đã được kiểm tra, xác minh công khai tại phiên toà và không còn bất cứ sự nghi ngờ nào. Mọi sự nghi ngờ không chứng minh được theo trình tự, thủ tục luật định phải được xử lý theo hướng có lợi cho người bị buộc tội.

Khi không đủ căn cứ chứng minh tội phạm theo trình tự, thủ tục luật định thì phải kết luận người bị buộc tội không có tội, các quyền và lợi ích hợp pháp của họ phải được khôi phục theo quy định của pháp luật.

Năm là, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về bên buộc tội, người bị buộc tội có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh. Người bị buộc tội không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình và có quyền giữ im lặng, không trả lời các câu hỏi của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.

Trở lại với bị cáo Trần Văn Dự.

Bị cáo cho biết mình được Bộ Công an giao thẩm quyền ký văn bản trả lời chấp thuận hay không chấp thuận Bộ Ngoại giao trong Tổ công tác 5 Bộ, do đó có đủ thẩm quyền tương đương với cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng.

“Tôi có thể ký bất cứ lúc nào, thẩm quyền lúc đó ngang với anh Tô Anh Dũng nhưng qua hồ sơ tài liệu chứng minh, không có doanh nghiệp nào đến đặt vấn đề với tôi về việc tạo điều kiện cấp phép chuyến bay hoặc chia sẻ lợi nhuận cho tôi” – cựu Phó Cục trưởng A08 nói.

Bị cáo này cho hay chỉ có duy nhất 2 doanh nghiệp đến tặng tổng cộng 100 triệu đồng nhưng để tìm hiểu thêm thông tin về người Việt Nam về bằng giấy miễn thị thực, hoàn toàn không phải liên quan chuyến bay giải cứu. Bị cáo Dự cho hay do cán bộ cấp dưới của ông là Vũ Anh Tuấn – cựu phó trưởng phòng tham mưu, khi đưa tiền cho ông thường báo cáo là quà cảm ơn của doanh nghiệp sau khi họ tổ chức các chuyến bay có lời, không ai nói đây là tiền hối lộ.

“Đây là quà biếu, là lộc doanh nghiệp tổ chức xong chuyến bay giải cứu, người ta có lòng nên người ta nghĩ đến anh em. Không ai nói với tôi là hối lộ” – bị cáo Dự khẳng định trước tòa.

“Tôi không nhận của doanh nghiệp mà do Tuấn đưa cho tôi, tôi có thể trả lại. Vì trách nhiệm là người chỉ huy, trách nhiệm là người đồng hành với cán bộ cấp dưới nên tôi sẵn sàng chia sẻ những rủi do, những gì không đúng. Tôi xác định dù đây là tiền mình vô tình nhận hối lộ nhưng cũng là tôi “số đen”, thì thôi trả lại cho nhà nước. Khi bị bắt tạm giam, việc đầu tiên tôi gọi điện cho vợ bảo chuẩn bị 3 tỉ đồng và nói anh sẽ đi nghỉ dưỡng một thời gian rồi về” – bị cáo Dự nói.

Căn cứ theo nguyên tắc suy đoán vô tội, có thể chấp nhận các biện giải trên của cựu Phó Cục trưởng A08, và cũng từ đây có những vấn đề như sau đang đặt ra với thể chế chính trị độc quyền của đảng cộng sản Việt Nam:

Thứ nhất, “trong 37 năm công tác, bị cáo có 35 năm 6 tháng rất sạch, đến những tháng cuối thì bị vấy bẩn” – ông Trần Văn Dự cảm thán tại phiên tự bào chữa. Với một cán bộ liêm chính thì khó thể trong nếp nghĩ “là lộc doanh nghiệp tổ chức xong chuyến bay giải cứu, người ta có lòng nên người ta nghĩ đến anh em”, bởi nói như vậy hóa ra chẳng khác nào xác nhận trục lợi lúc dịch giã là hiển nhiên.

Thứ hai, “cũng là tôi “số đen”, thì thôi trả lại cho nhà nước. Khi bị bắt tạm giam, việc đầu tiên tôi gọi điện cho vợ bảo chuẩn bị 3 tỉ đồng và nói anh sẽ đi nghỉ dưỡng một thời gian rồi về”.

Như lời tự bào chữa đó, cho thấy chuyện tù tội với một số cựu quan chức nào đó ở Việt Nam, đúng như đồn đoán, đó chỉ là thời gian của “nghỉ dưỡng”, vì ở đây chỉ là “vận rủi” so với những đồng liêu khác chưa… “bị lộ”.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)