Minh Triều
(VNTB) – Nhà cầm quyền sẵn sàng kiếm tiền bằng mọi cách kể cả cho thuê rừng, phá hoại môi trường để làm du lịch tâm linh
Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà (Khánh Hòa) vừa có thông báo mời gọi thuê môi trường rừng để thực hiện dự án du lịch sinh thái tâm linh mô hình chùa Trúc Lâm tại khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà. Vị trí mời thuê môi trường rừng là khoảnh 1, tiểu khu 213A, xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh và khoảnh 1, tiểu khu 237A, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, nằm trong phân khu dịch vụ hành chính của khu bảo tồn thiên nhiên này. (1)
Gần đây, cũng đã có nhiều dự án du lịch sinh thái tâm linh đã bị lên án hoặc đình chỉ do phá rừng như khu du lịch tâm linh thiền Trúc Lâm – Quảng Nam với quy mô 200 ha, tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng. Hay dự án Cửu Long Sơn Tự tại tỉnh Khánh Hòa, đang được tiến hành đã băm nát núi Chín Khúc.
Với tham vọng biến núi Chín Khúc thành Trung tâm tâm linh, thành “biểu tượng” mới của Khánh Hòa, chủ đầu tư đã từng bước biến quy hoạch du lịch sinh thái thành đất ở thương mại. 7 cựu quan chức tỉnh Khánh Hòa đã từng bước cho hoàn thiện mục đích của doanh nghiệp, dù trái quy định của pháp luật, để rồi núi Chín Khúc bị băm nát và bản thân các quan chức phải vướng vòng lao lý. (2)
Cho thuê rừng thì sẽ đi kèm với việc đốn hạ cây cối và phá hủy môi trường tự nhiên để xây dựng các cơ sở hạ tầng du lịch tâm linh. Những hành động này không chỉ làm mất đi môi trường sống của nhiều loài sinh vật quý hiếm mà còn gây ra sự giảm sút về đa dạng sinh học và khả năng tái tạo của rừng. Tây Nguyên thiếu nước, miền Tây bị xâm nhập mặn nặng cũng là hệ luỵ của việc phá rừng, không còn giữ được nước do rừng trọc, đất trống.
Thế nhưng với lợi nhuận khổng lồ từ việc kinh doanh tâm linh, nhà cầm quyền sẵn sàng đánh đổi mọi thứ, thay vì bảo vệ và tôn trọng nguồn tài nguyên rừng quý báu của đất nước. Những năm gần đây, diện tích rừng tự nhiên ở Việt Nam ngày càng giảm nhanh, chất lượng rừng suy thoái nặng nề. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, diện tích rừng bị thiệt hại ước hơn 22.800ha, bình quân mỗi năm suy giảm khoảng 2.500ha rừng. (3)
Mặc dù Việt Nam thường xuyên kêu gọi người dân tham gia bảo vệ rừng, tham gia trồng cây gây rừng, và xem đây là vấn đề cấp bách. Nhưng, phía sau lời kêu gọi đó, họ lại âm thầm thực hiện việc phá rừng hàng loạt, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường và cộng đồng. Việc trồng rừng không theo kịp tốc độ phá rừng tự nhiên. Sự mâu thuẫn giữa lời nói và hành động này cho thấy chuyện bảo vệ rừng chỉ là việc của dân, còn phá rừng thì là việc của cán bộ nhà nước. Lợi ích của cán bộ nhà nước lại đi ngược lại lợi ích của người dân và cộng đồng.
Bên cạnh phá rừng, việc phát triển dự án du lịch tâm linh sẽ gây tác động lớn đến cộng đồng địa phương. Mặc dù dự án này có thể tạo ra cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho một số người dân như bán hàng ăn uống, dịch vụ di chuyển, hàng hoá lưu niệm trong ngắn hạn… Nhưng ngược lại nó sẽ gây ra sự thay đổi về văn hóa và xã hội, cũng như gây ra các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự trong khu vực trong dài hạn.
Dù tâm linh là một phần quan trọng của văn hóa và tín ngưỡng của người dân, nhưng việc sử dụng dự án tâm linh làm công cụ để kiếm tiền đang làm lại dẫn tới nhiều hệ lụy. Không chỉ là thương mại hóa thần thánh, mà còn tạo ra nhiều ma tăng, sư quốc doanh, khiến người dân u mê, lạc lối. Những trường hợp như Thích Trúc Thái Minh ở chùa Ba Vàng, Thích Chân Quang ở chùa Phật Quang, hay Thích Thuận Nghi ở chùa Từ Đức là những ví dụ điển hình…
Cứ chạy theo đồng tiền, mua thần bán thánh, thương mại hóa mọi thứ thì một ngày nước ta sẽ không còn rừng. Lớp con cháu sau này chỉ còn có thể thấy rừng trong sách, trên phim ảnh. Còn lại những công trình tâm linh sẽ vẫn ngạo nghễ với thời gian, minh chứng cho việc đánh đổi môi trường để đổi lấy những “giá trị tâm linh mơ hồ” hầu mê muội, ru ngủ người dân.
______________
Tham khảo:
(1) https://tuoitre.vn/moi-thue-moi-truong-rung-lam-du-an-du-lich-tam-linh-tai-hon-ba-20240414084121707.htm
(2) https://cand.com.vn/ho-so-interpol/nui-chin-khuc-da-bi-bam-nat-nhu-the-nao–i645966/
1 comment
Hết thuốc chữa!!!