Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nhà nước kiến tạo của Đảng

Lynn Huỳnh

 

(VNTB) –  Nhà nước và cả hệ thống chính trị chỉ duy trì sự gần gũi với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chứ không hiểu biết thực sự về thị trường và cách thức vận hành của doanh nghiệp

 

Ở Việt Nam, không đơn thuần chỉ là việc Đảng đề ra các chủ trương, đường lối rồi căn cứ vào đó Nhà nước thực hiện việc thể chế hoá như là sự tách biệt rành rẽ trách nhiệm của Đảng và Nhà nước, mà toàn bộ quá trình, định hướng và các nội dung lớn trong hoạt động thể chế hoá đều được sự lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức Đảng.

Do đó ở cuộc tọa đàm mang tên “Từ Chính phủ Kiến tạo đến Nhà nước Khởi tạo: Vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế 4.0” do Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) tổ chức, lẽ ra cần phải có các vị khách mời hiện là ủy viên Trung ương Đảng – đặc biệt là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Những tường thuật tiếp theo đây về cuộc tọa đàm này, có lẽ đúng nhất là thay cụm từ “Nhà nước” bằng “Bộ Chính trị” sẽ thích hợp với đòi hỏi hơn.

“Nhà nước nhúng mình vào thị trường nhưng phải giữ được sự độc lập” – đó là ý kiến của ông Nguyễn Sĩ Dũng, cựu phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, cựu thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính Phủ, nêu quan điểm mô hình Nhà nước Kiến tạo Phát triển có thể là một lựa chọn phù hợp cho Việt Nam.

Đặc trưng của mô hình này là nhà nước có chương trình công nghiệp hóa tham vọng và can thiệp mạnh mẽ vào thị trường để thúc đẩy chương trình đó. Như vậy, đặc trưng của nó là nằm giữa hai mô hình: nhà nước kế hoạch hoá tập trung của các nước xã hội chủ nghĩa, và nhà nước điều chỉnh như mô hình Anh – Mỹ, theo đó nhà nước chỉ can thiệp khi thị trường thất bại.

Các nền kinh tế có văn hoá Đông Bắc Á theo mô hình Nhà nước Kiến tạo Phát triển đều đã phát triển thành công “hóa rồng” như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và mới đây là Trung Quốc đang trên đường “hóa rồng”.

“Nền hành chính công vụ tinh hoa bắt đầu từ truyền thống khoa bảng, thi tuyển người tài. Công chức của nền hành chính này đặt trọng văn hoá liêm sỉ là cơ sở quan trọng cho sự thành công của bộ máy hành chính công. Đây là một nền tảng rất quan trọng” – ông Nguyễn Sĩ Dũng diễn giải, và điều này khi được căn cứ những gì đang diễn ra ở kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 14, cho thấy Bộ Chính trị với người đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng đã không có sự lựa chọn như vậy trong hình thành bộ máy hành chánh quản trị công.

Với những gì đã và đang xảy ra trong chuyện ‘củi – lò’ mà ông Nguyễn Phú Trọng được vinh danh là ‘ông chủ đốt lò vĩ đại’, qua khuyến cáo sau đây khi người ta thử thay “Nhà nước” bằng “Bộ Chính trị”, sẽ nhận ra vì sao tham nhũng dường như chỉ xảy ra với những quan chức là đảng viên – đặc biệt nếu đảng viên ấy là ‘trung ủy’ thì các vụ án luôn là đình đám và mang tính dắt dây như cú đổ của xúc xắc domino:

Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright nhấn mạnh một đặc điểm quan trọng của nhà nước kiến tạo phát triển là “embedded autonomy”, nghĩa là một mặt Nhà nước/ Bộ Chính trị phải nhúng mình vào thị trường, gắn bó với doanh nghiệp để thực sự hiểu doanh nghiệp, hiểu thị trường mới có những chính sách đúng đắn; nhưng mặt khác Nhà nước/ Bộ Chính trị phải giữ được sự độc lập. Nếu không, Nhà nước/ Bộ Chính trị có nguy cơ bị chi phối, bị thao túng và trở nên tham nhũng. Đấy là ranh giới mong manh khi định hình về vai trò của Nhà nước/ Bộ Chính trị.

“Các nước Đông Á theo mô hình này thành công bởi Nhà nước hiểu biết thị trường nhưng vẫn giữ được độc lập, liêm chính và trọng dụng nhân tài, nhờ đó kiến tạo được những chính sách khai phóng, tạo ra năng lượng cho đất nước phát triển” – ông Vũ Thành Tự Anh nói thêm.

Đây cũng là một nguyên nhân khiến cho các chiến lược và chương trình công nghiệp hóa của Việt Nam trước đây, từ xi măng lò đứng đến thép lò cao, từ một triệu tấn mía đường đến Vinashin nhìn chung đều thất bại.

“Nhà nước và cả hệ thống chính trị chỉ duy trì sự gần gũi với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chứ không hiểu biết thực sự về thị trường và cách thức vận hành của doanh nghiệp. Đồng thời, nhà nước cũng không giữ được sự độc lập với doanh nghiệp”, ông Vũ Thành Tự Anh giải thích.

Là khách tham dự cuộc tọa đàm “Từ Chính phủ Kiến tạo đến Nhà nước Khởi tạo: Vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế 4.0”, nhà báo V.H.L., nói rằng để làm được như những gì mà các chuyên gia FSPPM tham vấn, Việt Nam cần thiết việc nhất thể hoá vai trò, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong hoạt động hoạch định đường lối, cơ chế, chính sách của Đảng – Nhà nước, từ đó tiếp tục thể chế hoá thành luật pháp là phương thức cần được nghiên cứu sâu sắc hơn để có thể áp dụng ở Việt Nam.

Khi đó, khái niệm thể chế hoá sẽ là thể chế hoá chính sách của Nhà nước, cũng là của Đảng với tư cách là đảng cầm quyền thành luật pháp của Nhà nước.


Tin bài liên quan:

VNTB – Chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam liệu sẽ tiếp tục sau ông Trọng?

Phan Thanh Hung

VNTB – Ông Nguyễn Phú Trọng: người Cộng sản chân chính cuối cùng?

Phan Thanh Hung

VNTB – Năm tý, thử buôn chuyện chuột: họ hàng nhà chuột trong kiếp hai chân

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo