Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nhà nước Việt Nam chấp nhận ‘tôn giáo độc lập’?

Loan Thảo

(VNTB) – Tổ chức tôn giáo độc lập  có tên “Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam”

“Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam”, theo tài liệu lưu trữ, thì tên gọi trong văn bản của Tổng trưởng Nội vụ Việt Nam Cộng Hòa, ký ngày 2-8-1971, có tên “Hội Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam”. Điều lệ Hội tại Điều 3 ghi: “Hội tuyệt đối không hoạt động chánh trị”.

Nhà nước Việt Nam đồng ý tái lập “Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam”

Trong bản tin “Trao Giấy chứng nhận đăng ký sinh hoạt Tôn giáo cho Pháp Tạng Phật giáo Việt Nam” (1), được cho là trích từ trang web của Ban Tôn giáo Chính phủ, trên trang web “Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam”, có nội dung như sau:

“Thực hiện chủ trương nhất quán của Nhà nước về tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, đồng thời xem xét hồ sơ xin đăng ký sinh hoạt tôn giáo của Pháp Tạng Phật giáo Việt Nam, sáng ngày 31 tháng 7 năm 2014, tại UBND phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng ông Nguyễn Văn Hải – Chủ tịch UBND phường đã trao Giấy chứng nhận đăng ký sinh hoạt Tôn giáo cho Pháp Tạng Phật giáo Việt Nam.

Thay mặt cho những người cùng sinh hoạt Pháp Tạng Phật giáo Việt Nam, bà Nguyễn Thị Tiến tiếp nhận và cảm ơn sự quan tâm của các cấp chính quyền tại thành phố Đà Nẵng đã tạo điều kiện để Pháp Tạng Phật giáo Việt Nam được sinh hoạt, tạo được sự yên tâm, phấn khởi, tin tưởng vào chính sách tôn giáo của Nhà nước đối với các tôn giáo nói chung trong đó có Pháp Tạng Phật giáo Việt Nam, đồng thời cam kết sinh hoạt theo đúng quy định của pháp luật, các quy định của địa phương và nội dung đã đăng ký.

Pháp Tạng Phật giáo Việt Nam pháp môn Như Lai Thiền là tôn giáo ra đời ở Việt Nam từ năm 1956 do ông Từ Thế Thọ sáng lập. Pháp Tạng có tôn chỉ mục đích thuần túy tôn giáo là tu tâm sửa tánh, cầu tri giải thoát, tôn thờ Đông Độ Dược Sư, Pháp tạng Tỳ Kheo A Di Đà Phật, Bổn sư Thích Ca Mâu Ni và Tăng chủ Từ Thế Thọ, Pháp Tạng Phật giáo Việt Nam có đường hướng tu hành phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc”.

Trong bản tin phát hành tối ngày 14-8-2020, báo Giác Ngộ Online, cho biết:

“Liên quan tới thông tin về lễ ra mắt sinh hoạt tôn giáo “Pháp Tạng Phật giáo Việt Nam” tại một số địa phương như TP.HCM, Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa, hôm 12-8 vừa qua, Trung ương GHPGVN (Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam) đã có công văn gửi đến Ban Tôn giáo Chính phủ.

Theo đó, TT.Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN thay mặt Ban Thường trực, ký thay Chủ tịch Hội đồng Trị sự trong Công văn số 180/HĐTS-VP1, kiến nghị với Ban Tôn giáo Chính phủ về tên gọi “Pháp Tạng Phật giáo Việt Nam” của tổ chức tôn giáo được một số địa phương cho đăng ký.

Được biết, từ năm 2019, Ban Tôn giáo Chính phủ và chính quyền một số địa phương đã cho phép đăng ký tổ chức sinh hoạt tôn giáo tập trung, gắn bảng hiệu tại một số cơ sở thờ tự với tên gọi “Pháp Tạng Phật giáo Việt Nam”.

“Về việc này, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị Ban Tôn giáo Chính phủ trao đổi và có ý kiến với các địa phương xem xét lại việc dùng tên gọi của tổ chức tôn giáo không trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì không được dùng từ “Phật giáo Việt Nam” trong tên gọi sẽ gây ra sự nhầm lẫn và những hệ lụy phát sinh trong xã hội”, công văn của Trung ương GHPGVN đề nghị” (2).

TT.Thích Đức Thiện cũng cho biết thêm việc cho phép hoạt động, công nhận các tổ chức tôn giáo mới thuộc thẩm quyền của Ban Tôn giáo Chính phủ được Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 quy định. Ở đây GHPGVN chỉ có ý kiến về danh xưng trên, nhằm tránh gây nên sự lẫn lộn cũng như có thể phức tạp về sau.

Liệu có những ‘lẫn lộn’ gì để lo ngại?

Thứ nhất, vào sáng ngày 23-05-2020 tại Học viện Phật giáo Việt Nam TP.HCM – cơ sở 1, chư tôn lãnh đạo Viện Nghiên cứu Phật Học Việt Nam đã công bố quyết định thành lập Trung tâm Dịch Thuật Pháp tạng Phật giáo Việt Nam (3).

Tuy nhiên đến ngày 1-6-2020, báo Giác Ngộ Online có bản tin “Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam cải chính”, theo đó, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam có văn bản do TT.Thích Tâm Đức, Phó Viện trưởng Thường trực, thay mặt Hội đồng Quản trị ký ngày 28-5, gửi đến Toà soạn báo Giác Ngộ nhờ cải chính thông tin liên quan tới việc ra mắt Trung tâm Pháp tạng Phật giáo Việt Nam.

Theo đó, thư cải chính có nội dung:

“Trước hết, chúng tôi xin chân thành cảm ơn tòa soạn Báo Giác Ngộ đã cử người đến đưa tin phiên họp của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (Viện) ngày 23-5-2020 vừa qua.

Và sau đây xin tòa soạn hoan hỷ đăng tin cải chính giúp chúng tôi. Trong phiên họp ngày hôm đó, Viện có ra mắt Trung tâm Pháp tạng Phật giáo Việt Nam do HT.Thích Minh Thông (Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Khánh Hòa) làm Giám đốc và TT.Thích Tâm Nhãn làm Phó Giám đốc Thường trực, cùng với 12 thành viên khác.

Vấn đề này, do trong quá trình trao đổi có sự ngộ nhận nên Viện đã công bố danh sách thành lập Trung tâm Dịch thuật Pháp tạng Phật giáo Việt Nam với Quyết định số: 473/QĐ-VNC như Báo đã đưa tin. Nên ngay sau đó Hòa thượng Thích Minh Thông và Thượng tọa Thích Tâm Nhãn đã có văn bản đề nghị Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam hủy Quyết định Thành lập Trung tâm và trách nhiệm Giám đốc và Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm của hai vị.

Phần danh sách còn lại: TT.Thích Chúc Phú và các thành viên còn lại sẽ được bổ sung, hình thành Trung tâm Dịch thuật Trí Tịnh với Quyết định số: 475/QĐ-VNC gồm 15 thành viên do TT.TS.Thích Minh Thành làm Giám đốc, TT.ThS.Thích Chúc Phú làm Phó Giám đốc Thường trực (đính kèm theo danh sách)”.

Thứ hai, câu hỏi đặt ra vì sao lại xảy ra sự kiện như nêu ở phần ‘thứ nhất’?

Trên trang web Thư viện Hoa Sen ngày 12-9-2014, có bài “Giới thiệu Ban phiên dịch Pháp tạng Phật giáo Việt Nam”, tác giả là HT. Thích Đổng Minh (4), nội dung khá chi tiết (trích):

“Năm 1973, thừa lệnh Viện Tăng Thống, Viện Hóa Đạo Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã tổ chức một phiên họp tại Viện Đại Học Vạn Hạnh, để thành lập một Hội đồng phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam, nhưng vì thời cuộc nên cũng chưa thực hiện được.

Năm 1991, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hiện nay quyết định thành lập Hội đồng chỉ đạo phiên dịch và ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam. Đến nay (2002), thời gian 11 năm, Hội đồng mới tập hợp hầu hết những bản đã dịch như: Ngũ Bộ Kinh do Hòa Thượng Thích Minh Châu; Trường A Hàm do Viện Cao Đẳng Phật Học Huệ Nghiêm; Trung A Hàm do Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức.v.v.. hiệu đính in thành 33 đầu sách, theo mẫu mã của Đại Tạng Kinh Việt Nam. Còn Kinh, Luật, Luận của hệ phát triển (Đại Thừa) thì chưa in được tập nào! Trong khi đó, theo mẫu mã hiện nay của Đại Tạng Kinh Việt Nam, thì Đại Tạng Kinh và Tục Tạng của Trung Quốc có thể in thành cả ngàn tập, mà mới in được 33 tập.

Theo sử liệu phiên dịch của Trung Hoa, thì Tăng, Ni, Phật tử Trung Quốc đã đầu tư vào việc chuyển ngữ – từ Phạn văn thành Hán văn – thời gian trên 800 năm mới hoàn thành hệ thống Tam Tạng Thánh Giáo của họ ngày nay.

Để góp phần mình trong vấn đề hoàn thành Tam Tạng Thánh Điển Việt Nam, đồng thời làm phong phú thêm cho ngôi nhà văn học và văn hóa của dân tộc ta, chúng tôi, nhóm Tăng, Ni, Phật tử tại Nha Trang (Khánh Hòa) tự nguyện đứng ra thành lập Ban Phiên Dịch “Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam”, để chuyển ngữ từ Hán văn thành Việt văn, giới hạn các loại sau đây: Lược thuật duyên khởi của Luật Tạng và Pháp Cú Thí Dụ. Bộ “Hiện Đại Phật Giáo Học Thuật Tùng San”. Bộ “Thái Hư toàn thư”. Bộ “Ấn Thuận toàn thư”.

Ngoài ra, chúng tôi còn dịch những bài giảng của Hòa Thượng Tinh Vân và một số sách giáo lý Phật giáo bằng tiếng Anh”.

Theo trang web Thư viện Hoa Sen, thì bảo trợ nhóm phiên dịch “Pháp Tạng Việt Nam” là nhóm Phật tử ở San Diego, California.

Thứ ba, đúng là với cùng tên gọi về mặt văn bản hành chính “Pháp Tạng Việt Nam”, “Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam” dễ ngộ nhận là cùng một tổ chức.

Theo lời tự giới thiệu trên trang web của “Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam” (5), thì toàn bộ Giáo Lý do Đức Tăng Chủ Tịnh Vương (ngài Từ Thế Thọ) tự tay viết (đánh máy chữ), gồm có 12 bộ Kinh và Thi Thơ.

Tín hiệu gì từ việc cấp “Giấy chứng nhận đăng ký sinh hoạt tôn giáo” cho Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam?

Có một thực tế là với những tổ chức tôn giáo như Cao Đài, Hòa Hảo, lâu nay vẫn tiếp tục ‘phân chia’ ra các hệ phái/ nhóm khác nhau; trong khi đó thì Nhà nước Việt Nam chỉ ‘cấp phép’ cho một tổ chức Cao Đài, một tổ chức Hòa Hảo nói chung. Tương tự còn có tôn giáo Tin Lành.

Ngay cả Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, thì ngay sau khi thành lập, tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã ‘rời’ tổ chức chung được Nhà nước cấp giấy phép này. Đến nay, nhiều tự viện thuộc Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất vẫn hoạt động với đông đảo tín đồ.

Từ việc Nhà nước Việt Nam thông qua các thủ tục hành chính để cấp “Giấy chứng nhận đăng ký sinh hoạt tôn giáo” đối với “Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam”, cho thấy bước đầu tạo tiền lệ tốt cho việc có thể tiến hành tương tự đối với tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, với các tổ chức thuộc Cao Đài, Hòa Hảo.

Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh” – Trích “Hồ Chí Minh Toàn tập”, NXB Chính trị Quốc gia, phát hành năm 2011, tập 4, trang 51.

_________________

Chú thích:

(1) http://www.ptpgvn.vn/index.php/tin-tuc-phap-tang-phat-giao-viet-nam/524-trao-gi-y-ch-ng-nh-n-dang-ky-sinh-ho-t-ton-giao-cho-phap-t-ng-ph-t-giao-vi-t-nam

(2) https://giacngo.vn/thoisu/tintuc/2020/08/14/3BD298/

(3) https://giacngo.vn/thoisu/tintuc/2020/05/23/1A5692/

(4) https://thuvienhoasen.org/a21467/5-gioi-thieu-ban-phien-dich-phap-tang-phat-giao-viet-nam-ht-thich-dong-minh

(5) http://ptpg.vn/index.php/dai-tang-kinh-phap-tang-phat-giao-viet-nam/515-danhmuc

Tin bài liên quan:

VNTB – Người Mỹ gốc Mông Lào-Việt đấu tranh cho nhân quyền

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Quá trình chuyển đổi lãnh đạo của Việt Nam sẽ không nới lỏng sự kìm kẹp của Đảng

Phan Thanh Hung

VNTB – Góp ý Văn kiện Đại hội Đảng XIII: liệu có bị ở tù như ông Phạm Chí Dũng?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo