Hiền Lương
(VNTB) – Căn hộ giá rẻ ngày xưa nếu bây giờ muốn mua có giá “mềm” nhất cùng phải 1,8 tỷ đồng một căn.
“Trong tuần này, lãnh đạo thành phố sẽ lắng nghe các sở, ngành báo cáo về kế hoạch nghiên cứu xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân và người lao động nhập cư. Đây cũng là giải pháp để giữ chân công nhân, người lao động ở lại thành phố làm việc”.
Ông Phan Văn Mãi, chủ tịch UBND TP.HCM cho biết như vậy ở buổi tiếp xúc cử tri quận 4, quận 7, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ vào đầu tuần này.
Nếu kế hoạch ở trên thành hiện thực thì thời gian tới đô thị này sẽ gia tăng thêm vài triệu dân nữa, nên rất cần sự đồng bộ tương ứng về hạ tầng giao thông cũng như chính sách an sinh tương ứng.
Có ai bán ‘nhà giá rẻ’ đâu mà mua?
Theo một báo các hồi tháng 4 năm nay của Công ty DKRA Việt Nam, thì căn hộ giá rẻ tại TP.HCM đã ‘khai tử’ hơn 2 năm nay khiến nhiều người nghèo càng lúc càng khó khăn trong việc mua nhà. Báo cáo cho biết 3 tháng đầu năm 2021, ở TP.HCM có 1.960 căn hộ hạng sang và trung cấp được bán ra, trong đó gần 90% tập trung ở thành phố Thủ Đức (Khu Đông TP.HCM).
Trong khi đó, phân khúc đất nền tại TP.HCM trong vòng 6 tháng qua qua không mở bán một sản phẩm nào. Khi quỹ đất sạch tại TP.HCM ngày càng khan hiếm, thị trường đất nền vùng ven tiếp tục giữ vị thế chủ lực. Điển hình là thị trường đất nền tại tỉnh Long An rất sôi động, giá trung bình lên đến gần 50 triệu đồng/ m2.
Khi chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19, khi khoản tích cóp của gia đình tăng lên nửa tỷ đồng, nhà giá rẻ đã không còn thấy các chủ đầu tư chào bán nữa. Các căn hộ giá rẻ ngày xưa nếu bây giờ muốn mua phải trả tiền chênh từ 300 triệu đồng đến nửa tỷ đồng một căn. Nếu mua nhà mới có giá “mềm” nhất 1,8 tỷ đồng một căn.
Câu hỏi đặt ra: vậy thì thế nào là giá rẻ ở thời dịch giã hậu Covid?
Để đánh giá nhà đắt hay rẻ đầu tiên phải thống nhất tiêu chí đánh giá. Thông thường đắt hay rẻ tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi người. Nói theo quan điểm kinh tế học, thì mức độ đắt hay rẻ tùy thuộc và khả năng chi trả của người mua và độ thỏa dụng của người đó với món hàng mà người đó mua.
Do vậy, thực tế với cùng một món hàng và cùng một mức giá nhưng đối với người này thì đắt nhưng đối với người khác lại rẻ. Như vậy, khái niệm đắt hay rẻ luôn là một khái niệm tương đối.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam, phân tích giai đoạn 2015-2019, thị trường bất động sản phục hồi và phát triển sôi động. Theo đó, các phân khúc bất động sản đều liên tục tăng giá và lập mặt bằng giá mới. Bằng chứng, căn hộ giá rẻ năm 2015 mức giá trung bình khoảng 18 – 20 triệu đồng/m2, thì đến năm 2019 đã vào khoảng dưới 25 triệu đồng/m2, sang năm 2020, dù dịch bệnh Covid diễn ra, nhưng mức giá cũng tăng đến gần 30 triệu đồng/m2.
Còn theo số liệu thống kê gần đây của Sở Xây dựng TP.HCM, tổng số dự án nhà ở đưa ra thị trường năm 2020 đã giảm 34% so với năm ngoái, trong đó phân khúc căn hộ bình dân (giá dưới 20 triệu đồng/m2) giảm đến 98,7%.
‘Nhà ở giá rẻ’ là tên gọi khác của ‘nhà ở xã hội’?
Căn cứ pháp lý cho cách hiểu “nhà ở giá rẻ”, có lẽ đó là “nhà ở xã hội” theo Luật nhà ở.
“1 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân và người lao động nhập cư” mà ông Phan Văn Mãi đã hứa với cử tri quận 4, quận 7, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ, nếu được xây dựng, thì việc thủ tục pháp lý không hề dễ chút nào đối với công nhân và người lao động nhập cư.
Điều kiện cần phải có để người lao động nhập cư có thể mua nhà ở giá rẻ, đúng là khá đơn giản với mỗi một dòng quy định ở Điều 49.5, Luật nhà ở: “Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp”.
Thế nhưng về điều kiện đủ, thì người lao động nhập cư cần phải đáp ứng loạt yêu cầu như sau ở Điều 51.1, Luật nhà ở: Thứ nhất, chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực.
Thứ hai, phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên.
Như vậy, với yêu cầu Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật quản lý thuế, Luật kế toán, thì nếu doanh nghiệp tuân thủ đúng các quy định pháp luật chuyên ngành, về nguyên tắc sẽ không có bất kỳ người lao động nào đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, lại không phải chịu đóng thuế thu nhập mỗi tháng lúc lãnh lương.
1 comment
Hổng giải quyết được gì đâu . Ở bên này nó gọi là Gentrification. Những khu nhà giá rẻ thì tệ nạn xã hội cao, những người có tiền mua lại những căn nhà trong đó, upgrade lên rùi bán với giá mắc . 1 cách nữa là chủ khu thương mại tăng giá để những shops cà chớn move đi, thay vào là những cửa hiệu high-end. Người dân sẽ phải đi xa để có thể mua sắm vừa với túi tiền của mình -> tâm lý muốn chuyển nhà . Nếu có cơ hội sẽ đi ngay . Cách nữa là ra giá đủ cao để người ta động lòng tham . Dont take much vì người ở đã khó khăn sẵn về kinh tế . Chưa kể vòng xoáy khôn cùng, người thu nhập thấp thường là victims của những economic woes như nợ nần, dính líu vào các tệ nạn xã hội … nên thường khả năng giữ nhà không cao . Cộng tất cả các yếu tố lại, những căn nhà đó lại vào tay những người có tiền, và Mèo vẫn hoàn mèo .