Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nhân dịp tưởng niệm Gạc Ma, so sánh “chiến thuật xúc xích của Hitler và Tập Cận Bình

Trần Trung Đạo

(VNTB) – Thay vì chiếm toàn bộ Trường Sa như Hitler đã làm đối với Áo và Tiệp, Trung Cộng gặm nhấm từng phần của quần đảo giàu tài nguyên thiên nhiên này cho đến hết.

Salami là một loại xúc xích làm bằng thịt bò hay heo được cắt thành những lát mỏng để ăn. Khi dùng trong chính trị học, “Chiến Thuật Xúc Xích” (Salami Tactics) là một chiến thuật nhằm chẻ mỏng đối phương để dễ bề lần lượt tiêu diệt toàn bộ.

Chiến thuật này được các đảng CS áp dụng trong các giai đoạn tranh chấp chính trị tại Ba Lan và Hungary sau Thế Chiến Thứ Hai, trong đó các đảng CS Đông Âu dưới sự ủng hộ tích cực của Liên Xô đã từng bước loại các thành phần không CS ra khỏi guồng máy lãnh đạo quốc gia.

Thuật ngữ chính trị “Chiến Thuật Xúc Xích” (Salami Tactics) đầu tiên được lãnh tụ CS Hungary Mátyás Rákosi dùng để mô tả cách ông ta loại bỏ các thành phần không CS cuối thập niên 1940.

Tuy nhiên, Rákosi không phải là người đầu tiên áp dụng “Chiến Thuật Xúc Xích” mà trước đó, Hitler đã áp dụng tại Châu Âu để từng bước chiếm đoạt những vùng chiến lược và quốc gia đầu cầu quan trọng trước khi phát động Thế Chiến Thứ Hai.

Đặng Tiểu Bình và các lãnh tụ Trung Cộng tránh đương đầu trực tiếp với các cường quốc, nhất là Mỹ, nên đã áp dụng “Chiến Thuật Xúc Xích” để từng bước gặm nhắm hết Biển Đông của Việt Nam bằng các phương pháp dã man, hèn hạ và bẩn thỉu.

Gạc Ma, Vành Khăn, Chữ Thập, Tư Chính chỉ là một điểm nhỏ khác trong tiến trình thực hiện chính sách bành trướng của Tập Cận Bình trên toàn bộ Biển Đông.

Tiến trình bành trướng của Trung Cộng trên lãnh thổ Việt Nam từ các vùng phía Bắc như Nam Quan, Bản Giốc, Lão Sơn đến Biển Đông được đáp ứng bằng một chuỗi dài im lặng của đảng CSVN và các lãnh đạo thế giới.

Lịch sử nhân loại chứng minh, chìm trong đáy hồ sâu im lặng của các lãnh đạo các nước tự do là máu của hàng trăm triệu người vô tội, trong đó có nhiều triệu người Việt cả hai miền Nam Bắc.

Đọc lại bài học của Hitler để nhận ra bản chất của Tập Cận Bình.

Sách vở về Thế Chiến Thứ Hai còn đang nằm trên giá sách của Barnes & Noble.

• Tháng 3, 1935, Hitler vi phạm hiệp ước Versailles khi đơn phương xóa bỏ “status quo” (tình trạng hiện hữu) của vùng kỹ nghệ Saar Basin đang trực thuộc quyền cai quản của Anh Pháp và sáp nhập lãnh thổ này vào Đức. Anh Pháp coi như không biết.

• Tháng 3, 1936, Hitler đưa quân chiếm đóng khu phi quân sự Rhineland. Anh và Pháp có quyền được quy định trong hiệp ước Versailles để giải giới hay đánh bật quân Hitler ra khỏi vùng Rhineland. Anh Pháp ngồi yên.

• Tháng 3, 1938, bằng những xúi giục chính trị từ bên trong Áo và áp lực quân sự bên ngoài biên giới Áo, Hitler đã hoàn thành dự tính chiếm Áo mà y đã viết trong Mein Kampf 1925 không tốn một viên đạn. Anh Pháp làm ngơ.

• Tháng 9, 1938, Hitler công khai bày tỏ ý định sáp nhập vùng Sudetenland có đông dân Đức, có nguồn dự trữ nguyên liệu lớn của Tiệp Khắc và dùng khu vực giàu có này làm bàn đạp thôn tính toàn bộ Tiệp Khắc. Anh Pháp nhân nhượng.

• Tháng 3, 1939 lợi dụng sự suy yếu trầm trọng của chính phủ Tiệp và đất nước này bị các nước Ba Lan, Hung xâm lấn, Hitler xua quân chiếm toàn bộ nước Cộng Hòa Tiệp Khắc vốn là một cường quốc của châu Âu. Anh Pháp buông xuôi.

Nếu bất cứ vi phạm nào trong các vi phạm vừa nêu trên của Hitler, hai liên minh Anh-Pháp và Pháp-Tiệp phản ứng một cách quyết liệt, hàng trăm triệu người đã không chết.

Nhưng Pháp đã không giữ cam kết với người bạn lâu năm Tiệp Khắc (Treaty of Alliance 1924 giữa Pháp và Tiệp có giá trị không giới hạn thời gian) và Anh lẫn Pháp đều làm ngơ khi Hitler ráo riết tái vũ trang.

Giả thiết tham vọng của Hitler không điên cuồng mà có giới hạn và biết dừng chân sau mỗi lần chinh phục. Thay vì tấn công Ba Lan để đẩy thế giới vào lò lửa Thế Chiến Thứ Hai vào đầu tháng 9, 1939, Hitler sau khi thu lại cả vốn lẫn lời về lãnh thổ Đức bị tước đoạt trong hiệp ước Versailles, chọn dừng lại mười năm để củng cố đế quốc Đức mới mênh mông, xóa bỏ mọi tàn tích văn hóa lịch sử của các dân tộc bị chiếm, tăng cường kỹ nghệ quốc phòng và kỹ thuật chiến tranh thì khuôn mặt thế giới sẽ ra sao vào mười năm sau, tức năm 1949?

Thế Chiến Thứ Hai vẫn có thể bùng nổ mười năm sau đó nhưng đồng minh sẽ không chỉ cần sáu năm để chiếm Berlin mà có thể rất lâu và nhân loại không chỉ chết 85 triệu hay 3 phần trăm trong tổng số 2.3 tỉ người, mà có thể vài trăm triệu mới đánh bại được Đế Quốc Đức.

Nhân loại đang đối phó với một Hitler khác, lần này ở Á Châu và có tên là Tập Cận Bình.

Adolf Hitler và Tập Cận Bình có những điểm giống nhau về tham vọng lãnh thổ, độc quyền toàn trị, dã man, tôn thờ cá nhân, tuyên truyền và khủng bố.

Điểm khác duy nhất giữa Hitler và các lãnh tụ CS Trung Quốc là cách áp dụng chính sách bành trướng.

Thay vì chiếm toàn bộ Trường Sa như Hitler đã làm đối với Áo và Tiệp, Trung Cộng gặm nhấm từng phần của quần đảo giàu tài nguyên thiên nhiên này cho đến hết.

Thay vì quốc hữu hóa toàn bộ Biển Đông một cách nhanh chóng như Hitler đã làm đối với hai khu kỹ nghệ Saar Basin và Rhineland, Tập Cận Bình vẫn để cho tàu bè các nước qua lại nhưng cùng lúc quân sự hóa từng khu vực qua việc xây dựng ít nhất bảy đảo nhân tạo trên Biển Đông.

Tập Cận Bình tin rằng đến một thời điểm thuận tiện hải quan Trung Cộng đóng cửa và Biển Đông sẽ là một Venice của Trung Cộng.

Câu hỏi được đặt ra Trường Sa của Việt Nam là chặng dừng chân nào trong bản đồ chinh phục đầy tham vọng của Tập? Là Saar Basin? Là Rhineland? Là Áo? Là Sudetenland? Là Tiệp Khắc? Là Ba Lan?

Biết chặng đường nào rất cần thiết vì qua đó đo lường phản ứng của quốc tế. Có chặng họ sẽ làm ngơ. Có chặng họ sẽ nhượng bộ. Có chặng họ sẽ buông xuôi và có chặng buộc quốc tế phải can thiệp võ trang.

Tranh chấp quốc tế cũng đơn giản như nấu một nồi nước. Những mâu thuẫn giữa Mỹ và đồng minh của Mỹ với Trung Cộng vẫn còn trong giai đoạn đầu và còn lâu để nồi nước Biển Đông sôi sục.

Trong giai đoạn từ 1933 đến khi thế chiến thứ hai bùng nổ liên minh Anh, Pháp, Tiệp cũng nhiều lần biểu dương lực lượng qua các cuộc điều binh và tăng cường phòng thủ. Tuy nhiên những hành động đó chỉ để hỗ trợ cho đàm phán chứ không phải để tấn công. Hitler biết rõ điều đó và tiếp tục chính sách bành trướng bằng quân sự.

Lịch sử đang tái diễn. Những căng thẳng ở Biển Đông sẽ ngày càng tăng cường độ nhưng còn lâu mũi tên mới rời khỏi dây cung của Mỹ.

Số phận Trường Sa của Việt Nam hôm nay, vì thế, có thể sẽ giống như các lãnh thổ, các quốc gia bị Hitler và Stalin chiếm đoạt trước tháng 9, 1939.

Học các bài học thế giới để thấy, cuối cùng, sẽ không ai cứu Việt Nam ngoài chính người Việt Nam.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Ôn ra đi để lại nụ cười

Do Van Tien

VNTB – Cập nhật tình hình tàu Hướng Dương Hồng 10

Do Van Tien

VNTB – Câu hỏi dành cho thế hệ 13

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo