Hà Nguyên
(VNTB) – Với việc chấp nhận “thôi giữ chức vụ” như trong trường hợp bà Trương Thị Mai, ông Vương Đình Huệ, ông Võ Văn Thưởng…, nhưng không công khai lý do cụ thể các vi phạm, cho thấy sự tù mù của nhân quyền chính trị ở Việt Nam.
Theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights – ICCPR), thì quyền chính trị là quyền tham gia chính trị (right of political participation), quyền tự do hội họp (freedom of assembly), quyền tự do lập hội (freedom of association).
Quyền chính trị ở Việt Nam, nhìn từ các thông báo “thôi giữ chức vụ” mà Đảng đưa ra, nhưng vẫn giấu nhẹm các lý do cụ thể về những sai phạm về mặt Đảng lẫn pháp luật hiện hành, thì quyền này vẫn là câu chuyện thiếu sự tôn trọng về nhân quyền.
Một khi không tường minh về các sai phạm thì khó trách cho chuyện dẫm lại vết xe đổ của những chính khách đi trước này. Mặt khác, thế giới tin đồn lại thêm môi trường cho sinh sôi, nảy nở.
Có thể dẫn các đồn đoán quanh chính khách Võ Văn Thưởng. Khi vụ bốn cô tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines được công an nhận định là “bị lợi dụng” trong vận chuyển ma túy từ Paris về Tân Sơn Nhất, và rất nhanh sau đó là trả tự do, để rồi… “biệt vô âm tính”, công luận đã rộ lên thông tin là một trong bốn cô tiếp viên đó là cháu ruột của ông Võ Văn Thưởng.
Hạ tuần tháng 3-2024, việc cơ quan Công an khởi tố, bắt tạm giam ông Đặng Trung Hoành, Chánh Văn phòng Huyện ủy huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, được tiếp tục đồn đoán ông Hoành là người trung gian nhận tiền của Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn thay cho ông Võ Văn Thưởng.
Cũng có đồn đoán ông Võ Văn Thưởng đã trục lợi lúc ông là Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, trong chuyện “bút phê” ở một thủ tục của Dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp tại khu đất số 151-155 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4, TP.HCM. Đây là dự án đã đưa hai cựu tổng biên tập báo Thanh Niên là ông Nguyễn Công Khế và Nguyễn Quang Thông vào vòng lao lý hồi trung tuần tháng 1-2024.
Vương Đình Huệ là một dẫn chứng khác. Ngày 26-4-2024, trang thông tin điện tử của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa tin: “Ban Chấp hành Trung ương xem xét cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội”.
Nội dung bản tin này chỉ nêu tóm tắt là “Những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Vương Đình Huệ đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đồng chí Vương Đình Huệ đã có Đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác”.
Thực tế thì “dư luận xấu” này cụ thể là gì mà khiến “ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân”, thì không cho biết. Và chính điều này khiến các chính khách khác khó mà “rút kinh nghiệm” cho “vi phạm, khuyết điểm” này của Vương Đình Huệ.
Cũng mẫu câu “đồng phục” trên, với bà Trương Thị Mai: “Đồng chí Trương Thị Mai là cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở; được phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước. Trong suốt quá trình công tác và trên các cương vị lãnh đạo, đồng chí luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng và hoạt động của Quốc hội.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, trong thời gian giữ cương vị Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, đồng chí đã có một số vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và cá nhân. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, đồng chí đã có Đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác” (trích).
Dư luận cho rằng bà Trương Thị Mai đã có “bảo kê” trong vụ dự án Đại Ninh, Lâm Đồng. Đây là vụ án có liên quan đến bà Trương Mỹ Lan của tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Minh bạch về quyền chính trị của đảng viên, xem ra ở Việt Nam vẫn là khoảng trống nhân quyền cần phải được xem xét tường tận cho nghi vấn “cung đấu” của vương triều Đảng.