VNTB – Ai chống lưng cho Việt Á?

VNTB – Ai chống lưng cho Việt Á?

Hà Nguyên

 

(VNTB) – Ông Nguyễn Xuân Phúc được công luận đồn đoán là “ông lớn” trong vụ kit-test Việt Á.

 

Thế nhưng “ông lớn” ấy rất có thể không phải là người đứng ra góp 80% vốn bằng “tiền tươi thóc thật” ở Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á. Hoặc giả có thể ở đây là “vốn góp” được định giá bằng “uy tín chính trị” với tư cách là một Ủy viên Bộ Chính trị mấy khóa liên tiếp, Thủ tướng và sau đó là Chủ tịch nước.

Vẫn còn nguyên đó bí ẩn 80% cổ phần còn lại của Việt Á

Ghi nhận một năm trước đây và đến nay vẫn chưa thêm manh mối nào mới, đó là Công ty Việt Á có tên cũ là Công ty thương mại, sản xuất và dịch vụ Việt Á, được thành lập vào tháng 2-2007, có trụ sở chính tại số 372A/8 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM, với 3 cổ đông sáng lập, gồm: Người đại diện pháp luật là ông Phan Quốc Việt (hộ khẩu thường trú tại phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM), nắm giữ 10,2% cổ phần; ông Đồng Sỹ Huy (hộ khẩu ở phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM), nắm giữ 5% cổ phần; bà Hồ Thị Thanh Thủy (hộ khẩu ở xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), nắm giữ 4,8% cổ phần.

Cả 3 cổ đông sáng lập của Công ty Việt Á còn là cổ đông, thành viên và người đại diện theo pháp luật của nhiều doanh nghiệp khác.

Cụ thể, ông Đồng Sỹ Huy là người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư Việt Á, có địa chỉ tại số 372A/8 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM và Công ty TNHH Việt Á SUN-INTECH có địa chỉ tại số 134/3D Đào Duy Anh, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Ông Đồng Sỹ Huy cũng là thành viên và cổ đông góp vốn của hàng loạt công ty, như: Công ty TNHH Việt Á SUN-INTECH – 500 triệu đồng, tương ứng 10% giá trị vốn góp; Công ty cổ phần Y tế Việt Á – 450 triệu đồng, tương ứng 0,23% giá trị vốn góp; Công ty TNHH Khoa học An Việt – 225 triệu đồng, tương ứng 22,5% gia trị vốn góp.

Còn bà Hồ Thị Thanh Thủy là thành viên góp vốn của 3 công ty, gồm: Công ty cổ phần Truyền thông VIAMC – 5 tỷ, tương ứng 10% giá trị vốn góp; Công ty TNHH Đầu tư phát triển kinh doanh Việt Á – 48 tỷ đồng, tương ứng 24% giá trị vốn góp; Công ty TNHH rau sạch Thảo mộc – 450 triệu đồng, tương ứng 45% giá trị vốn góp.

Sau 6 lần đăng ký thay đổi thông tin doanh nghiệp, vốn điều lệ thì ở lần gần nhất trước khi xảy ra vụ án, Công ty Việt Á đã tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng vào tháng 10-2017.

Đường đi của những dòng tiền vốn góp?

Rất đáng lưu ý ở đây là sau khi tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng thì tỉ lệ góp vốn của 3 cổ đông sáng lập trên vào Công ty Việt Á không thay đổi, cả 3 người này vẫn nắm giữ khoảng 20% cổ phần vốn doanh nghiệp.

Như vậy, còn khoảng 80% cổ phần vốn tương đương 800 tỷ đồng của Công ty Việt Á đã được các cổ đông khác “bơm” vào doanh nghiệp này, và đến nay danh tánh của những cổ đông đó vẫn chưa thấy công khai trên báo chí khi đưa tin về diễn biến của vụ án này.

Nếu không xảy ra vụ án kit-test Covid ở Việt Á thì về nguyên tắc của yêu cầu minh bạch thị trường vốn, cũng cần làm rõ những ai là cổ đông nắm giữ đến 80% vốn ở doanh nghiệp này.

Sự cần thiết đó là vì không chỉ các cổ đông sáng lập của Công ty Việt Á góp vốn với các doanh nghiệp nêu trên, mà công ty này cũng là thành viên góp vốn của hàng loạt doanh nghiệp với tổng số tiền góp vốn lên đến cả trăm tỷ đồng.

Cụ thể, Công ty Việt Á góp vốn tại các doanh nghiệp sau: Công ty cô phần Công nghệ cao GENNE Việt – 9 tỷ đồng, tương ứng 9% giá trị vốn góp; Công ty cổ phần Đầu tư Đức Ân – 16 tỷ đồng, tương ứng 16% giá trị vốn góp; Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Hải Long – 65,6 tỷ đồng, tương ứng 10% giá trị vốn góp;

Công ty cổ phần đầu tư SVG – 2 tỷ đồng, tương ứng 10% giá trị vốn góp; Công ty cổ phần xây dựng Kiên Á- 3 tỷ đồng, tương ứng 30% giá trị vốn góp; Công ty cổ phần Y tế Việt Á – 20 tỷ đồng, tương ứng 10% giá trị vốn góp; Công ty TNHH du lịch Lạc Việt –10 tỷ đồng, tương ứng 10% giá trị vốn góp;

Công ty TNHH Du lịch sinh thái Thác Voi – 5 tỷ đồng, tương ứng 10% giá trị vốn góp; Công ty TNHH Khoa học An Việt – 100 triệu đồng, tương ứng 10% giá trị vốn góp; Công ty TNHH Khoa học Việt Á – 1 tỷ đồng, tương ứng 10% giá trị vốn góp; Công ty TNHH tư vấn Trí Nhân – 1 tỷ đồng, tương ứng 10% giá trị vốn góp; Công ty TNHH Việt Á SUN-INTECH – 500 triệu, tương ứng 10% giá trị vốn góp; Công ty TNHH Y tế Âu Lạc – 2 tỷ đồng, tương ứng 10% giá trị vốn góp; Công ty TNHH Y tế Lạc Việt – 1 tỷ đồng, tương ứng 10% giá trị vốn góp.

Một lưu ý khác, những doanh nghiệp được Công ty Việt Á góp vốn thành lập trước đó, cũng là thành viên góp vốn vào các doanh nghiệp thành lập sau.

Liệu có ‘lách’ thuế thu nhập cá nhân của cổ đông 80% vốn ở Việt Á?

Trước khi diễn ra dịch giã Covid-19, Công ty Việt Á đã nổi lên như một “ngôi sao sáng” giữa bầu trời thương trường doanh nghiệp cung ứng sinh phẩm, hóa chất phục vụ cho ngành y tế.

Doanh nghiệp này liên tục trúng hàng loạt gói thầu dạng “khủng” tại các bệnh viện lớn trên cả nước, như: gói thầu cung ứng hóa chất năm 2016 – 2017 (thuốc, hóa chất, vật tư y tế) cho bệnh viện Quân y 175; gói thầu cung cấp hóa chất vật tư tiêu hao theo máy và vật tư tiêu hao phục vụ hoạt động xét nghiệm tại bệnh viện Bạch Mai…

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, sau 17 tháng chỉ bán kit test Covid-19, Việt Á đạt mức doanh thu cực lớn với gần 4.000 tỷ đồng. Con số này mới chỉ là thống kê doanh số bán cho các đơn vị công lập, chưa nói đến khối tư nhân.

Lợi nhuận thu về sẽ là con số cần phải làm rõ đối với cổ đông đang nắm giữ 80% vốn ở Việt Á, bởi đây còn là vấn đề của các sắc thuế tương ứng, như quyết toán thuế thu nhập cá nhân chẳng hạn…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)