Nguyễn Huỳnh
(VNTB) – Dường như người ta đang chính trị hóa khi thưởng thức một bức tranh.
Nhà văn quân đội Trung Sỹ, viết (trích): “Đơn vị tôi không thiếu những anh khiếm khuyết hình thể nhưng vẫn cầm súng: Hòa lác giống hệt nhân vật trong tranh này luôn, rồi Thiệu mù mắt mống, đêm phải gác chung với Ban điếc. Một thằng bảo thấy địch vào mày bảo tao, thằng kia bảo mày nghe thấy âm lạ thì nhắc tao. May họ vẫn còn sống cả ở đây. Rồi còn Cầm điếc, Lẽ ve, Lượng khỉ… kể sao cho xiết.
Có những điều người lính chứng kiến sống để dạ chết mang theo, và có thể sẽ phải nghĩ về những chuyện này suốt đời. Chiến trận là vô luân và đau khổ, và sau đó người ta mới trở lại hồn người. Hùng nào chẳng có bi ở trong đó, cũng như chiến thắng nào chẳng có hy sinh. Làm gì có cái thứ chiến tranh đèm đẹp người lính xung phong dưới chớp đạn cầu vồng”.
Một ông thầy giáo dạy văn nhìn bức tranh đang được chính trị hóa này, đưa ra bình phẩm rằng, “Nó thật đến mức không thể thật hơn. Những người lính Điện Biên theo như mô tả của Tố Hữu: “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi,/ ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non…”, thì làm sao mà đẹp mã như hoàng tử đi chinh chiến được?. Chẳng qua lâu nay chúng ta bị định hướng nhiều mà quên đi sự thật nó trần trụi”.
Ông thầy giáo nói thêm nếu được bình giảng về bức tranh này, ông sẽ nói với học trò của mình rằng, “Ánh mắt tái dại nhìn về phía sau vì người đồng đội bạn mình vừa ngã xuống, tay vẫn giơ tấm ảnh người thân. Miệng hét to, quần xắn ống vì đây là thời khắc chiến thắng, vượt qua 55 ngày đêm đào hào, khoét núi. Ánh mắt đó, vẻ mặt đó đúng là khúc bi tráng của người chiến sĩ Điện Biên”.
Ông thầy giáo đó có người bạn từng tham gia chiến trường Tây Nam ở thập niên 70, 80 thế kỷ trước. Cựu chiến binh này có ý kiến thô ráp và trần trụi: “Tôi, một người lính, và xin nói thật là chiến tranh không phải trò đùa.
Trong một trận chiến thực sự thì chả có cờ quạt gì đâu. Thằng nào cũng lo giữ gáo, cần có súng đạn trong tay thôi. Nếu cấp chỉ huy có đưa quân kỳ, cũng ném bố nó vào một chỗ nào đó. Ví dụ như trận Điện Biên Phủ cắm cờ nọ kia chỉ là để đóng phim. Chứ đâu có thực trong thời điểm súng nổ?.
Hành động anh hùng của người lính thực ra đều bột phát theo diễn biến của trận đánh, chứ lúc ấy cũng chả nghĩ lý tưởng cái con củ vọt gì. Sau trận đánh viết báo cáo mới lý tưởng nọ kia thôi, bởi vì có một điểm đặc biệt là khi mùi khói súng nó bao phủ chiến trường, nó làm kích động người lính, khi thấy thằng A thằng B nó thân thiết với mình hàng ngày bị chết ngay trước mắt mình, mình như thằng rồ luôn… Bắn… Bắn… và bắn… khi xông lên kể cả biết chắc mình sẽ chết, vẫn cứ xông lên.
Những lá cờ chiến thắng bao giờ cũng là những lá cờ có khi rách te tua, có khi thấm đẫm máu người lính, nhưng đều là những lá cờ bị nằm vương vãi trên chiến địa. Bởi dù chính hay tà, thì chiến tranh đều mang khuôn mặt của Thần Chết”.
Tạm kết cho loạt ghi nhận này, là ý kiến của cơ quan có tên Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): “Nguyên lý sáng tạo của hội họa mang tính nội giới, nó thuộc nghệ thuật tạo hình (Art), và đi sâu khai thác tâm lý cá nhân. Sản phẩm của nó mang tính độc bản, không chấp nhận tác phẩm sản xuất hàng loạt. Vẻ đẹp độc lập có tính lan tỏa làm giàu nhận thức tự nhiên và nhận thức cái đẹp của người thưởng lãm. Do vậy, cái tôi được tôn vinh gần như tuyệt đối”.