Việt Nam Thời Báo

VNTB – “Nhận thức về KTTT định hướng XHCN”: Tư bản đỏ vẫn tích lũy và lũng đoạn!

Hiền Nghi(VNTB) – Đó chính là cách mà Đảng nhận thức rõ tác dụng lớn lao giữa sự gán ghép khiên cưỡng giữa kinh tế thị trường và thể chế XHCH nhằm mục đích “trục lợi đảng phái”, là con đường thoát mà Đảng tìm cách dung hòa và lợi dụng nó nhằm tìm kiếm sự tồn tại trước mắt của mình.

Đảng tìm cách dung hòa và lợi dụng nó nhằm tìm kiếm sự tồn tại trước mắt của mình


Phi thị trường

Sáng 28/2/2015, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận TƯ phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN tổ chức tọa đàm “Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng XHCN”, nhằm góp phần phục vụ hoàn thiện Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 30 năm đổi mới và dự thảo Báo cáo chính trị của TƯ tại Đại hội Đảng 12.

Theo đó, khái niệm mới được hình thành: “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nội hàm gồm 3 ý:

1. Thẳng thắn nhận định nền kinh tế thị trường XHCN là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo quy luật kinh tế thị trường.

2. Nền kinh tế có sự quản lý của nhà nước pháp quyền XHCN

3. Nền kinh tế do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Từ một góc nhìn khác: “Mặc dù Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong một số cải cách kinh tế” (*), nhưng thực tế cho thấy, Việt Nam vẫn đang chật vật trong việc tìm kiếm sự ủng hộ của các nước về công nhận nền kinh tế thị trường, đặc biệt là với Hoa Kỳ, một trong những nước mà Việt Nam ghi nhận là thông qua Hiệp định Việt Nam – Hoa Kỳ đã “phát huy tác dụng tích cực, mở ra nhiều cơ hội phát triển to lớn cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam. Nó chứng tỏ việc giải phóng thể chế mang lại sức thúc đẩy phát triển mạnh mẽ.”

Tiến bộ đáng kể mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ công nhận là đã “cho phép một số lượng hạn chế các lực lượng cung cầu tác động đến sự phát triển kinh tế của mình. Ví dụ, tiền lương trong khu vực tư nhân thường được xác định thông qua đàm phán giữa người lao động và nhà quản lý lao động. Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành nhiều cải cách pháp lý tích cực dẫn đến sự tăng trưởng rõ rệt và liên tục của khu vực kinh tế tư nhân.” (*)

Tuy nhiên, điều cản trở cật lực việc đạt đến mức độ thị trường của nền kinh tế chính là việc “can thiệp của Chính phủ vào nền kinh tế vẫn còn làm cho giá cả và chi phí không phải là thước đo có ý nghĩa của giá trị. Ðồng tiền Việt Nam, tiền đồng, chưa hoàn toàn có khả năng chuyển đổi, và phải chịu các hạn chế đáng kể trong việc sử dụng, chuyển nhượng và xác định tỷ giá hối đoái. Ðầu tư trực tiếp nước ngoài được khuyến khích, nhưng Chính phủ vẫn còn duy trì việc định hướng và kiểm soát thông qua các quy định. Tương tự như vậy, mặc dù các loại giá cả hầu hết đã được tự do hóa, nhưng Ban Vật giá Chính phủ vẫn tiếp tục duy trì sự kiểm soát tùy ý đối với giá cả trong các lĩnh vực nằm ngoài những lĩnh vực đặc trưng được coi là độc quyền tự nhiên. Việc tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước và các ngân hàng do Nhà nước nắm giữ diễn ra chậm, do đó ngăn không cho khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực, và tránh cho khu vực nhà nước khỏi sự cạnh tranh. Vấn đề cuối cùng là quyền sở hữu đất tư nhân không được cho phép và Chính phủ chưa khởi xướng chương trình tư nhân hóa đất đai.” [*]

Ngoài ra, Việt Nam còn vấp phải một số vấn đề khác như [*]:

– Nhà nước có vai trò mang tính can thiệp xâm phạm vào khu vực đầu tư nước ngoài, vì thế làm cho các nhà đầu tư nước ngoài bị phụ thuộc vào những động lực chính trị của Việt Nam.

– Chính phủ hạn chế các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào một số lĩnh vực, vì thế cho phép nhiều SOE hoạt động trong một môi trường gần như không có cạnh tranh.

– Ban Vật giá Chính phủ của Việt Nam trực tiếp ấn định giá cả trong nhiều ngành công nghiệp.

– SBV (Ngân hàng nhà nước) kiểm soát bốn ngân hàng thương mại quốc doanh – chiếm 80% lĩnh vực ngân hàng.

– Hiến pháp đảm bảo quyền tối cao của Ðảng Cộng sản và các nguyên tắc của Ðảng.

– Pháp quyền kém phát triển.

Do đó, nền kinh tế thị trường XHCN không thể nào là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo quy luật kinh tế thị trường chừng nào còn tồn tại 2 mệnh đề sau đó là:

– Nền kinh tế có sự quản lý của nhà nước pháp quyền XHCN

– Nền kinh tế do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Tư bản đỏ

Mô hình kinh tế thị trường XHCN (hay định hướng XHCN – Trung Quốc) mà cả hai nước anh em đang bám víu vào, và luôn tâng bốc nó là “mô hình có sức sống, mạnh mẽ” trong thực tiễn, lịch sử thực chất là sự thay đổi tạm thời để duy trì sự tồn tại cho bằng được nền chính trị trước sức ép ngày càng lớn về sự tụt hậu lý luận. Phương cách này được áp dụng lần đầu từ đại hội VI (1986), với nền kinh tế vận hành trong khuôn khổ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp đã phủ nhận quan hệ hàng hóa tiền tệ, thị trường, khiến cho nền kinh tế, xã hội lao vào khủng hoảng, buộc Việt Nam “bước đầu phải thừa nhận thị trường là một công cụ bổ sung cho kế hoạch”, từ đây, trạng thái thị trường từ “đối lập” sang thành “chấp nhận được”.

Tiếp đó, Đại hội VII, lại thừa nhận sự tồn tại khách quan của “nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng XHCN, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước” trên con đường đi lên CNXH.

Dù bản thân đạt lấy những thành tựu kinh tế nhất định, nhưng nhà nước Việt Nam vẫn ôm đồm về mặt chính sách, vai trò nhà nước vẫn chi phối hoạt động của nền kinh tế, tư tưởng bảo hộ – độc quyền nhà nước (thông qua các tập đoàn trụ cột) vẫn còn hiện hữu.

Do đó, sự thay đổi về khái niệm mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN mới đây chỉ đơn thuần là làm mới về mặt câu chữ, không làm mới về mặt lý luận. Cái “sức sống thực tiễn” của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN do ông GS.TS Nguyễn Xuân Thắng (Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nêu thực ra đang đuối dần với nền kinh tế mà nhà nước chủ đạo làm ăn không hiệu quả, tình trạng độc quyền – nhất là độc quyền trong các ngành liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất doanh nghiệp ngày một cho thấy tác hại trầm trọng của nó trong nền kinh tế, GDP càng chứng tỏ sự không bền vững về mặt chất…

Chính sự thiếu sức sống đó nên 30 năm trôi qua, nền kinh tế Việt Nam phát triển trong một cái vòng tròn, tưởng là đang chạy đi lên, nhưng thực chất là sự dậm chân tại chỗ. Vấn đề buộc phải giữ cái định hướng đó chính là nhằm giữ vững ổn định chính trị (nói trắng ra là sự tồn tại của thể chế), giải quyết tạm thời các vấn đề kinh tế – xã hội phát sinh.

Lũng đoạn kinh tế

Việc Đảng tiếp tục can thiệp, điều hành nền kinh tế thông qua khái niệm mới nêu trên cũng đã cho thấy sự quay lại của nền kinh tế Đảng, nền kinh tế chỉ huy trước ĐH VI (1986), và thay vì một nền kinh tế thị trường tự do, chính trị Việt Nam sẽ sử dụng kinh tế thị trường để làm phương tiện xây dựng nên một nền kinh tế thị trường kiểu tư bản đỏ. Khi nhà nước tái lập Ban Kinh tế T.Ư cũng chính là mở đầu cho cái thời kỳ đó, một thời kỳ mà Đảng “tăng cường và toàn diện” can thiệp vào tất cả lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội.

Đó chính là cách mà Đảng nhận thức rõ tác dụng lớn lao giữa sự gán ghép khiên cưỡng giữa kinh tế thị trường và thể chế XHCH nhằm mục đích “trục lợi đảng phái”, nói cách khác, đó chính là con đường thoát mà Đảng tìm cách dung hòa và lợi dụng nó nhằm tìm kiếm sự tồn tại trước mắt của mình.

Và tư bản đỏ ở đây chính là can thiệp Đảng mạnh vào nền kinh tế, các chính khách cao cấp nhà nước sẽ sử dụng con bài “đại gia tư nhân” để đầu tư vào DNNN sau cổ phần hóa như những năm gần đây, để làm chủ, như một số báo giới tiết lộ, khi muốn thể hiện rằng, “doanh nhân trong nước không chỉ mạnh hơn về tiền mà đã lớn hẳn về vị thế.”,

Nhưng rõ ràng, để một doanh nghiệp tư nhân làm chủ nhà nước cần phải có nguồn vốn và nguồn lực, mà theo sự phân giới của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, các Ngân hàng thương mại, các tập đoàn tư nhân, có phần vốn khá lớn của các chính khách Việt Nam. Ngân hàng Bản Việt và những thương vụ thâu tóm ngân hàng trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế cũng như sự sở hữu cổ phiếu ngân hàng trong các thời kỳ tách nhập là một ví dụ nhỏ cho thấy một phần bức tranh vẽ về một thời kỳ mở đầu quá trình đẩy mạnh tích lũy vốn của tư bản đỏ tại Việt Nam.

Cốt lõi là không thay đổi, như TS Nguyễn Quang A từng nhận định. Nhưng hiện tại, cốt lõi đó đang bộc lộ dần bản chất như một giai đoạn tiếp theo của nền kinh tế, chính trị của những ông vua tập thể đang mượn danh nhà nước để lũng đoạn nền kinh tế – chính trị, phục vụ lợi ích cá nhân.

(*) vietnamese.vietnam.usembassy.gov/bta_nmedecision.html

Tin bài liên quan:

VNTB- Quay tiêu cực tại sở KH&ĐT Hà Nội: Chỉ làm khổ doanh nghiệp?

Phan Thanh Hung

“Trỗi dậy hòa bình” của Viện Khổng Tử ở Việt Nam?

Phan Thanh Hung

VNTB – “Gia tài của mẹ, một lũ bội tình”

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo