VNTB – Nhân viên y tế nghỉ việc để đi đâu?

VNTB – Nhân viên y tế nghỉ việc để đi đâu?

Ngọc Lan

 

(VNTB) – Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng làm đơn xin nghỉ việc…

 

Đầu tháng 7, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong 18 tháng qua có gần 10.000 nhân viên y tế thôi việc, tập trung nhiều ở TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng. Số thôi việc năm 2021 là 5.200; 6 tháng đầu năm 2022 hơn 4.000, gồm 3.700 người do Sở Y tế quản lý, gần 360 người công tác tại cơ sở thuộc Bộ Y tế.

Khủng hoảng nhân lực y tế

Ở Hà Nội, trong báo cáo mới đây của UBND TP Hà Nội cho hay có gần 900 nhân viên y tế thủ đô xin nghỉ việc. Theo đó, trong năm 2021, toàn ngành y tế có 532 người xin nghỉ việc, 82 người xin chuyển công tác. Trong 4 tháng đầu năm nay, con số tương tự là 226 và 17.

Tại TP.HCM cao hơn khi chỉ tính riêng năm 2021 có hơn 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc và tính riêng quý 1-2022 đã có gần 400 người nghỉ việc.

Tại Đồng Nai, chỉ trong khoảng 6 tháng đầu năm 2022 đã có 230 bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên tại các cơ sở y tế công lập từ tỉnh đến xã nghỉ việc, số này cao hơn nhiều so với các năm trước.

Tại Gia Lai, trong năm 2021, toàn ngành có 110 trường hợp là bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tiếp tục có 23 trường hợp nghỉ việc, trong đó có 6 bác sĩ.

Ngày 11-7, ông Kiên Sóc Kha, Giám đốc Sở Y tế Trà Vinh, cho biết từ đầu năm 2022 đến nay tại đơn vị có 51 trường hợp viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc gồm: 20 bác sĩ, 17 điều dưỡng, 5 kỹ thuật y và 9 cán bộ y tế khác. Bệnh viện sản nhi có số lượng nghỉ nhiều nhất là 12 người, tiếp đến là Bệnh viện đa khoa tỉnh Trà Vinh và Trung tâm Y tế huyện Cầu Kè, mỗi đơn vị 6 người.

Ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh có 35 cán bộ y tế xin thôi việc, bỏ việc gồm: 21 bác sĩ, 2 điều dưỡng, 2 kỹ thuật y và 10 cán bộ y tế khác. Trung tâm Y tế thành phố Vĩnh Long có số lượng nghỉ nhiều nhất với 12 người, kế đến là bệnh viện Đa khoa tỉnh với 8 người…

Ông Minh cho biết thêm, nguyên nhân chính là chế độ tiền lương không đủ đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt cho bản thân và gia đình. Sự chênh lệch cao về tiền lương giữa y tế nhà nước và y tế tư nhân; do nhu cầu cuộc sống, viên chức y tế nhất là đội ngũ bác sĩ xin thôi việc để tìm đến các cơ sở y tế tư nhân có chế độ tiền lương cao hơn. Chính sách ưu đãi, đãi ngộ cho viên chức y tế chưa hấp dẫn, chưa thật sự giữ chân được đội ngũ y tế.

Tại tỉnh Quảng Bình, theo thống kê, từ ngày 1-1-2022 đến ngày 3-7-2022, tại các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 25 cán bộ, nhân viên y tế xin nghỉ việc và 1 trường hợp bác sĩ y học cổ truyền chuyển công tác ra ngoài tỉnh.

Trong 25 cán bộ, nhân viên y tế xin nghỉ việc có 12 bác sĩ, 13 trường hợp là điều dưỡng, kỹ thuật y, viên chức y trực thuộc các đơn vị của Sở Y tế và Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới.

Sở Y tế Quảng Bình nhận định nguyên nhân khiến hàng loạt cán bộ, nhân viên y tế xin nghỉ việc là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến cho cường độ và áp lực công việc rất lớn. Ngoài ra, cơ sở vật chất của các đơn vị hạn chế, môi trường làm việc và các chế độ chính sách của nhân viên y tế chưa đủ hấp dẫn, nhất là ở các đơn vị y tế vùng sâu, vùng xa.

Trước đó, năm 2021, tại Quảng Bình cũng có 7 cán bộ, nhân viên y tế xin nghỉ việc, trong đó có 6 bác sĩ và 1 y sĩ.

Họ đi đâu để tiếp tục mưu sinh?

Đào tạo được một bác sĩ phải mất 6 năm, sau đó thực hành ở bệnh viện 15 tháng mới được phép hành nghề. Ngoài ra, họ còn phải học thêm chuyên khoa 1, 2, học thạc sĩ, tiến sĩ… “Cá nhân tôi mất khoảng 15 năm học mới có thể trở thành bác sĩ cứng tay nghề, nhưng thực tế thu nhập và đãi ngộ vẫn chưa tương xứng” – bác sĩ Nguyễn Đình Hưng, nói.

Hiện cán bộ, nhân viên trung tâm y tế thu nhập khoảng 5 – 6 triệu đồng/tháng; khối bệnh viện lớn 11 – 12 triệu/tháng.

Vậy những nhân viên y tế nghỉ việc ở các bệnh viện công lập đó, họ sẽ làm gì cho tiếp tục cuộc sinh kế? Câu hỏi này chưa thấy một báo cáo cụ thể nào đề cập.

Theo lời kể của một bác sĩ đang làm việc tại bệnh viên công, thì, “Những y bác sĩ bệnh viện công chúng tôi, ai cũng phải làm việc ít nhất 8 – 10 giờ mỗi ngày, trực 24 tiếng vào các ngày thứ sáu, thứ bảy và ngày lễ đều không nghỉ bù theo quy định của pháp luật, nhưng cũng không được tính công làm thêm giờ, chẳng ai nghỉ phép nếu gia đình không có việc hệ trọng.

Bệnh viện hạng 1 tiền trực của bác sĩ là 115.000 đồng. Hầu hết nhân viên y tế chỉ có lương cơ bản. Cơ sở hạ tầng xập xệ, cả khoa sinh hoạt chung tại buồng hành chính bé tí, phòng vệ sinh cũng phải dùng chung với bệnh nhân rất bẩn thỉu. Trang thiết bị máy móc luôn cũ kĩ, lạc hậu, thậm chí kém chất lượng đến mức rất khó khăn để làm chẩn đoán và thực hiện các thủ thuật can thiệp.

Ở bệnh viện tư ngược lại. Phòng ốc bệnh viên tư luôn rộng rãi và sáng choang, mỗi khoa có một phòng giao ban chung, mỗi bác sĩ có phòng riêng và phòng làm việc bố trí ngăn nắp tiện nghi, chưa kể nhiều phòng tập thể dục, phòng đọc sách, quán cà phê, phòng ăn sạch sẽ và sang trọng.

Ở bệnh viện tư, nhân viên y tế không phải tiếp xúc với quá nhiều bệnh nhân mỗi ngày, thường có lịch hẹn khám trước, có nhiều thời gian trao đổi với bệnh nhân nên không có nguy cơ xảy ra xung đột. Các trang thiết bị máy móc được đầu tư đảm bảo chất lượng tốt nhất, máy phục vụ chẩn đoán đúng nghĩa là con mắt thần, giúp bác sĩ nhìn xuyên thấu những căn bệnh…”.

Vào làm việc  bệnh viện tư thì tay nghề phải giỏi. Vậy thì có phải tất cả con số về nhân viên y tế nghỉ việc trong các báo cáo, đều là những y bác sĩ, điều dưỡng thuộc nhóm được gọi là “xương sống của những bệnh viện hàng đầu”?


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)