Khánh Hòa
(VNTB) – Thời sự lúc này là tin tức bão lụt miền Trung nên ít ai để ý rằng Chính phủ Việt Nam đang nợ nần bủa vây.
Tin tức tường thuật về kỳ họp Quốc hội đang diễn ra dường như ít được chú ý, vì gần như người dân đang lo lắng cho chuyện bão chồng bão, lũ lụt tàn phá miền Trung.
Giở tờ báo ra, bên cạnh thiên tai đó, là chuyện hoa tràn ngập của mùa đại hội đảng ở các tỉnh, thành. Chuyện dịch Covid cũng dần ít được lưu tâm, nên nợ nần quốc gia của Chính phủ lẽ ấy ‘trôi lặng lẽ’ theo đúng định hướng mà Tổng bí thư – Chủ tịch nước luôn tự tin đến mức hôm 21-10-2020, ông đã huấn dụ tại buổi trao quyết định bổ nhiệm và tiếp các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài – được báo Nhân Dân tường thuật như sau:
“Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phân tích về bối cảnh tình hình khu vực và thế giới, thời cơ và thách thức đặt ra đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nêu bật những thành tựu của đất nước sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và nhấn mạnh, đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế như ngày nay, đây là động lực, là chỗ dựa vững chắc cho triển khai công tác đối ngoại nói chung, trong đó có công tác của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; mong muốn các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện ở nước ngoài phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao” (https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong-trao-quyet-dinh-bo-nhiem-tiep-cac-dai-su-truong-co-quan-dai-dien-viet-nam-tai-nuoc-ngoai-621367/)
Mẫu câu ưa dùng trong thời gian gần đây của ông Nguyễn Phú Trọng, là, “những thành tựu của đất nước sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và nhấn mạnh, đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế như ngày nay”. Với câu này, có thể hiểu đây là thành quả đắc ý của ông Nguyễn Phú Trọng trong gần mười năm ròng rã làm Tổng bí thư.
Sự thật thế nào?
Với các nhà phân tích tài chính, thì ở nhiệm kỳ mới của đảng cộng sản Việt Nam, đối mặt rủi ro thanh khoản cho ngân sách, chủ yếu phát sinh từ các khoản nợ trong nước của Chính phủ do nghĩa vụ trả nợ đến hạn tập trung cao vào một số năm và một số thời điểm trong năm.
Ngoài ra, khoản vay IDA (*) từ Ngân hàng Thế giới (WB) và khoản vay ADF (Quỹ Phát triển Châu Á) từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẽ bắt đầu áp dụng điều khoản trả nợ nhanh, kỳ hạn trả nợ gốc rút ngắn còn một nửa so với điều kiện vay ban đầu.
Bên cạnh đó, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách có xu hướng tăng nhanh và có nguy cơ vượt ngưỡng 25% trong một số năm sắp tới không chỉ làm giảm mạnh dư địa cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên của ngân sách, mà còn tiềm ẩn rủi ro đối với an ninh tài chính quốc gia. Thậm chí, có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ số tín nhiệm quốc gia.
Thêm vào đó, áp lực cân đối thanh khoản, bố trí nguồn lực ngân sách để trả nợ đến hạn – chủ yếu là nợ trái phiếu chính phủ – là không hề nhỏ nếu không kiềm chế hiệu quả nhu cầu vay vốn để bù đắp cân đối ngân sách Trung ương, hoặc không tích cực triển khai nghiệp vụ quản lý nợ chủ động, gồm: hoán đổi, mua lại công cụ nợ trước hạn – trong bối cảnh dư địa tăng thu ngân sách giai đoạn tới gặp khó khăn.
Ông Võ Hữu Hiển, phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), trong một trả lời báo chí vào giữa năm ngoái đã cảnh báo với những con số rành mạch: “Theo cam kết với Ngân hàng Thế giới (WB), từ tháng 7-2020, Việt Nam phải trả số nợ gốc gấp đôi so với trước đây cho các khoản vay hỗ trợ phát triển nước nghèo từ WB.
Bởi Việt Nam đã “tốt nghiệp IDA”, tức là trở thành nước có thu nhập trung bình thấp; tháng 7-2017, Việt Nam ngừng nhận tín dụng bao cấp từ Hiệp hội Phát triển quốc tế – IDA, thuộc WB, sau khi thu nhập bình quân đầu người vượt mức trần 1.200 USD.
Hiện mỗi năm, bình quân Việt Nam trả nợ cho WB từ 300-500 triệu USD, nhưng từ năm sau thì số tiền trả nợ gốc tăng gấp đôi, tức là 600 triệu – 1 tỉ USD, tương đương 15.000-23.500 tỉ đồng…”.
Ở Việt Nam lúc này, nếu ai đó trăn trở về hiện tình của đất nước trước nội dung Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, tiếp tục đeo đuổi nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thì sẽ thấy ngay diện mạo kinh tế nước nhà là nhìn đâu cũng thấy nợ nần bủa vây!
_________________
Chú thích:
(*) Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) là tổ chức trực thuộc nhóm WB, được thành lập năm 1960 chuyên cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính cho các quốc gia nghèo nhất thế giới với mục tiêu nhằm xóa đói giảm nghèo thông qua việc cung cấp các khoản cho vay không có lãi suất (còn gọi là khoản tín dụng) cũng như các khoản viện trợ không hoàn lại cho các chương trình/dự án để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa bỏ bất bình đẳng cũng như cải thiện đời sống.
Tiêu chuẩn để được vay IDA tùy thuộc vào mức độ đói nghèo tương đối của quốc gia đó, được xác định theo tỷ lệ Tổng thu nhập Quốc dân (GNI) theo đầu người dưới ngưỡng quy định của WB và được cập nhật hàng năm.