Việt Nam Thời Báo

VNTB – Những người đã chích vắc-xin Vero Cell cần được chích liều tăng cường

Nguyễn Huỳnh

 

(VNTB) – Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 9-12 khuyến nghị những người bị suy giảm miễn dịch hoặc đã chích vắc-xin Covid-19 bất hoạt nên được chích liều tăng cường.

 

Reuters đưa tin Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 9-12 khuyên những người bị suy giảm miễn dịch hoặc đã được chích vắc-xin Covid-19 bất hoạt nên được chích liều nhắc lại.

Chủ tịch SAGE (Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược của WHO), ông Alejandro Cravioto cho biết hiệu quả vắc-xin trước việc ngăn mắc bệnh nặng vẫn được duy trì trong ít nhất 6 tháng. Tuy vậy, dữ liệu cho thấy miễn dịch ở người lớn tuổi và những người có bệnh nền bị giảm dần.

“Hiện tại, chúng tôi tiếp tục ủng hộ phân phối vắc-xin công bằng và chỉ sử dụng liều tăng cường ở những người có vấn đề về sức khỏe, hoặc những người đã chích vắc-xin bất hoạt” – Chủ tịch SAGE nói và không cụ thể tên của vắc-xin.

Trước đó, vào tháng 10, WHO đã khuyến cáo những người trên 60 tuổi được chủng ngừa vắc-xin Sinopharm hoặc Sinovac nên chích thêm một liều.

Ở Việt Nam, bên cạnh vắc-xin bất hoạt Vero Cell do Trung Quốc sản xuất, thì vắc-xin bất hoạt Hayat-Vax do Công ty TNHH Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc sản xuất bán thành phẩm, được đóng gói sơ cấp, thứ cấp và xuất xưởng tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, cũng được đưa vào sử dụng, bất chấp đây là vắc-xin chưa được WHO phê duyệt cho tình trạng sử dụng khẩn cấp.

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế Việt Nam, vắc-xin Covid-19 Hayat-Vax được chỉ định chích cho người từ 18 tuổi trở lên, mỗi người được chích 2 mũi cách nhau 2 – 4 tuần. Đặc biệt, có thể sử dụng Hayat-Vax để chích mũi 2 cho người đã chích mũi 1 là vắc-xin Sinopharm.

Về tương tác của vắc-xin bất hoạt Hayat-Vax với vắc-xin khác, theo Bộ Y tế Việt Nam thì hiện chưa có kết quả thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Hayat-Vax chích cùng với các vắc-xin khác.

Ngày 21-9-2021, theo đề nghị của Bộ trưởng Y tế, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký phát hành Nghị quyết số 110/NQ-CP với nội dung được cho là bất lợi khi xảy ra tranh chấp, theo đó cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật đấu thầu đối với việc mua 20 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm, Trung Quốc với các điều kiện sau đây:

“1. Chấp thuận điều khoản miễn trừ trách nhiệm đối với các khiếu nại phát sinh từ hoặc liên quan đến vắc-xin hoặc việc sử dụng vắc-xin.

2. Chấp nhận phương thức thanh toán theo các điều khoản trong hợp đồng.

3. Chấp nhận không có nội dung về bảo lãnh tạm ứng, bảo lãnh thực hiện hợp đồng.

4. Việc ký kết, hiệu lực, giải thích, thực hiện và giải quyết tranh chấp của hợp đồng áp dụng theo luật pháp của Trung Quốc. Trường hợp không giải quyết được, tranh chấp do Ủy ban trọng tài thương mại và kinh tế quốc tế Trung Quốc tại Bắc Kinh, Trung Quốc phán quyết, ngôn ngữ trọng tài là tiếng Trung Quốc”.

Gần 10 ngày sau đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg, có nội dung:

“Bổ sung 3.231,698 tỷ đồng (Ba nghìn hai trăm ba mươi mốt tỷ sáu trăm chín mươi tám triệu đồng) cho Bộ Y tế để mua và tiếp nhận 20 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm, Trung Quốc như đề nghị của Bộ Tài chính tại văn bản số 11163/BTC-HCSN ngày 28 tháng 9 năm 2021 và của Bộ Y tế tại văn bản số 8159/BYT-KHTC ngày 29 tháng 9 năm 2021, trong đó:

(i) Sử dụng 1.237 tỷ đồng (Một nghìn hai trăm ba mươi bảy tỷ đồng) từ nguồn kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế đã được Quốc hội đồng ý cho chuyển nguồn để mua vắc xin phòng Covid-19 và quyết toán vào chi ngân sách nhà nước năm 2021 theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội; (ii) Sử dụng 1.994,698 tỷ đồng (Một nghìn chín trăm chín mươi tư tỷ sáu trăm chín mươi tám triệu đồng) từ Quỹ vắc xin phòng Covid-19 Việt Nam”.

Khá bất ngờ về chuyện giá cả khi Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chấp nhận mức giá cao chót vót như trên của loại vắc-xin bất hoạt, khi so giá của loại vắc-xin truyền tin RNA (mRNA) dạy các tế bào cách tạo protein giúp kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể người.

Theo Quyết định số 1547/QĐ-TTg, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành ngày 17-9-2021, thì: “Sử dụng 2.652.537 triệu đồng (Hai nghìn sáu trăm năm mươi hai tỷ năm trăm ba mươi bảy triệu đồng) từ nguồn Quỹ vắc xin phòng Covid-19 Việt Nam để mua bổ sung 19.998.810 liều vắc xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer và chỉ thực hiện các hoạt động phục vụ công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 theo đề nghị của Bộ Y tế tại văn bản số 7731/BYT-KHTC ngày 16 tháng 9 năm 2021”.

Như vậy, cùng con số 20 triệu liều vắc-xin, tổng giá mua vắc-xin bất hoạt Vero Cell thể hiện trên hợp đồng là ba nghìn hai trăm ba mươi mốt tỷ sáu trăm chín mươi tám triệu đồng. Tổng giá mua vắc-xin mRNA Pfizer là hai nghìn sáu trăm năm mươi hai tỷ năm trăm ba mươi bảy triệu đồng, thì bài toán thiệt hơn về giá cả lẫn chất lượng đều đã rõ.

Thiệt hại càng nặng nề hơn nếu như sắp tới đây Việt Nam chấp nhận theo khuyến nghị của WHO, là những người bị suy giảm miễn dịch hoặc đã chích vắc-xin Covid-19 bất hoạt nên được chích liều tăng cường.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết từ tháng 3-2021 đến hết ngày 04-12-2021, Việt Nam đã tiếp nhận 150.623.444 liều vắc-xin phòng Covid-19, cụ thể theo loại vắc-xin: AstraZeneca: 48.688.076 liều; Pfizer và Moderna: 46.576.370 liều; Sinopharm: 48.700.000 liều; Abdala: 5.150.000 liều; Sputnik V: 1.508.998 liều.


Tin bài liên quan:

VNTB – Đừng lên dây cót bằng tin tức kiểu cổ động chính trị

Phan Thanh Hung

VNTB – Mất cân bằng trong kinh tế toàn cầu: đô la và virus Vũ Hán

Phan Thanh Hung

VNTB – Cần truy cứu trách nhiệm tham mưu của ban Tuyên giáo trung ương tại Đà Nẵng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo