Thới Bình
(VNTB) – Một doanh nghiệp muốn xây dựng nhanh một nhà xưởng, vẫn phải đăng ký để năm sau mới được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sau đó mới được quyền xây nhà xưởng cho sản xuất.
Xây nhà xưởng phải mất một năm cho phần thủ tục đất đai
Ông Lê Hữu Nghĩa – phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết theo quy định, các doanh nghiệp phải đăng ký trước một năm mới được chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Do vậy ngay cả một doanh nghiệp muốn xây dựng nhanh một nhà xưởng vẫn phải đăng ký để năm sau mới được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cộng thêm nhiều thủ tục khác, khiến chậm chạp trong yêu cầu mở rộng sản xuất trên phần diện tích đất đã lựa chọn.
Ông Lê Hữu Nghĩa chia sẻ thực tế trên cương vị là Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành (Lê Thành) trong chuyện thủ tục hành chính về đất đai lâu nay là vật cản làm nản lòng nhà đầu tư.
Đơn cử trong lãnh vực xây dựng nhà ở xã hội, theo ông Nghĩa, có một nghịch lý là pháp lý dự án nhà ở xã hội khó hơn dự án nhà ở thương mại. Vì hiện không có quy chuẩn, không có quy trình pháp lý riêng nào cho dự án nhà ở xã hội, mà đang “dùng chung” pháp lý đối với dự án nhà ở thương mại.
Đặc biệt, các dự án nhà ở xã hội cũng có thủ tục hậu kiểm. Do đó, ngay ở khâu xin giấy phép xây dựng cũng bị soi kỹ khiến thủ tục pháp lý để làm một dự án nhà ở xã hội quá lâu, có khi kéo dài 3 năm chưa chắc đã có giấy phép xây dựng.
“Càng vô lý hơn, với một dự án nhà ở xã hội làm xong, đối với những doanh nghiệp sử dụng quỹ đất công, tài chính công thì việc kiểm toán là hợp lý. Nhưng với Lê Thành, dù thực hiện dự án nhà ở xã hội với vốn tự bỏ ra, đất tự bồi thường, nhưng lại bị kiểm toán lên xuống nhiều lần. Đó là những lý do khiến các doanh nghiệp bất động sản nản lòng không muốn đầu tư, mục tiêu phát triển nhà ở xã hội không đạt được trong nhiều năm qua” – ông Nghĩa nói.
Ám ảnh hình sự hóa giao dịch kinh tế
Một giám đốc doanh nghiệp bất động sản khác đề nghị không nêu tên, than vãn, “Việc tiếp cận, xin đầu tư dự án khó quá, chi phí bôi trơn lớn quá; cách hiểu về các chi phí hợp lý, hợp lệ để tính giá thành, giá bán và tỷ suất lợi nhuận giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp bất động sản vênh nhau; … nhưng hơn hết là cả nỗi sợ thanh tra, kiểm tra, rủi ro hình sự hóa các giao dịch kinh tế, … khiến doanh nghiệp không mặn mà”.
Tiếp câu chuyện, ông Lê Hữu Nghĩa cho rằng cần bỏ quy định bỏ khung giá đất, và cần đưa bảng giá đất về sát giá thị trường. Từ đó doanh nghiệp tính được tiền sử dụng đất, tính được chi phí đầu tư ngay từ đầu chứ không phải tù mù như bây giờ khi nhiều dự án trước đây tạm đóng tiền sử dụng đất x đồng, doanh nghiệp cộng vào giá bán cho khách hàng.
Nhưng rồi đến khi doanh nghiệp đã hoàn thành, người dân vào ở nhiều năm, nhà nước mới đưa ra số tiền thực tế doanh nghiệp phải đóng cao hơn dự kiến ban đầu rất nhiều. Việc này dẫn đến có nhiều doanh nghiệp thậm chí bán hết dự án cũng không đủ đóng tiền sử dụng đất. Đáng nói, hiện rất nhiều doanh nghiệp đang mắc kẹt, không đóng tiền sử dụng đất được.
“Nếu đưa ra được bảng giá đất sát giá thị trường và tính tiền sử dụng đất được nhanh chóng, không chỉ doanh nghiệp lợi mà nhà nước cũng có lợi vì thu được tiền sử dụng đất.
Ngoài ra, phân lô bán nền là nhu cầu có thật của người dân và doanh nghiệp, nhưng do chưa có quy định cụ thể nên mỗi địa phương làm mỗi cách, thậm chí đa số địa phương đều bắt ngưng”, ông Nghĩa cho biết.
Góp tiếng nói, trên cương vị là người đứng đầu HoREA, ông Lê Hoàng Châu cho hay thực tế một dự án cùng một công ty định giá đất, nhưng nếu dùng 2 phương pháp xác định giá đất sẽ ra 2 con số khác nhau, với chênh lệch gần 20%.
Hay cùng một dự án mà 2 công ty định giá sẽ ra 2 mức giá khác nhau, với chênh lệch cũng gần 20%. Trong tình cảnh đó nên lâu nay mỗi phương pháp xác định giá đất đều đưa ra một con số khác nhau, gây “nguy hiểm” cho cán bộ quản lý về hành chính thủ tục.
Chính vì vậy nhiều địa phương không thuê được công ty định giá, cán bộ cũng không dám đề xuất tiền sử dụng đất để UBND tỉnh ra thông báo cho doanh nghiệp…
1 comment
Thủ tục “đầu tiên” là cơ bản nhứt!