Việt Nam Thời Báo

VNTB – Niềm tin tư pháp

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – ‘Tư pháp’ là gì mà để luật sư ‘mất niềm tin’?

 

Tôi bỏ nghề luật sư từ ngày hôm nay 27-5-2021 vì đã mất hết niềm tin vào nền tư pháp Việt Nam”.

Luật sư Lê Văn Hòa, thành viên Đoàn Luật sư TP Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Ban Nội chính Trung ương, người tham gia nhiều vụ án oan, án nhạy cảm, một trong các luật sư tham gia phiên toà vụ án Đồng Tâm…, vừa tuyên bố từ bỏ nghề luật sư vì không còn niềm tin vào nền tư pháp Việt Nam.

Liệu tin tức này có gây sốc cho tân Trưởng Ban Cải cách Tư pháp của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam – ông Nguyễn Xuân Phúc?

Dân chủ là tôn trọng quyền tự do cá nhân, miễn không trái luật. Ở đây ông Lê Văn Hòa với tuyên bố trên tuy có thể dễ dàng bị quy chụp về tư tưởng chính trị, song ông không vi pháp pháp luật.

Trước hết, ‘tư pháp’ là gì mà để luật sư ‘mất niềm tin’?

Có một thực tế, lâu nay, ở thể chế chính trị đơn nguyên của Việt Nam, tư pháp được hiểu theo nghĩa rộng, và theo đó là hàng loạt cách “duy danh định nghĩa” xuất hiện, nên khó có được nhận thức chung về tư pháp và quyền tư pháp trong giới học thuật.

Về lý thuyết trên giảng đường trường luật, quyền tư pháp là một dạng quyền lực nhà nước, được minh định khi quyền lực nhà nước phân chia thành ba quyền độc lập với nhau, bổ trợ cho nhau và kiểm soát lẫn nhau. Đó là các quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp.

Đây là sản phẩm của các cuộc biến đổi thể chế mang tính cách mạng, học thuyết và thực tiễn phân chia quyền lực, cân bằng quyền lực, kiểm soát quyền lực cùng với việc xây dựng nhà nước pháp quyền, ba quyền kể trên đã chứng tỏ sức sống của mình trong thế giới đương đại.

Ở thể chế chính trị Việt Nam, mặc dù lâu nay Đảng tuy không thừa nhận và không tổ chức Nhà nước theo nguyên lý tam quyền phân lập mà đặc trưng là các quyền đối trọng và kiểm soát lẫn nhau, nhưng có thể nói, pháp luật và thực tiễn của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, đặc biệt là Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trước đây, đã tiếp thu nhiều yếu tố hợp lý của thuyết tam quyền.

Đó là cách gọi tên các quyền (và các cơ quan) lập pháp, hành pháp, tư pháp, coi trọng tính độc lập của hoạt động tư pháp, xác định toà án là mắt xích trọng tâm của hệ thống tư pháp cùng với cách phân biệt ngày càng rành mạch giữa các quyền này và phương hướng tăng cường kiểm soát quyền lực nói chung và kiểm soát giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp nói riêng.

Là một trong ba trụ cột của quyền lực nhà nước, phân biệt theo chức năng, quyền tư pháp không đồng dạng với hai loại quyền còn lại và luôn giữ một vị thế độc lập, một nhánh quyền lực quan trọng trong các thể chế nhà nước hiện đại, đặc biệt là trong nhà nước pháp quyền.

Trên giảng đường trường luật phổ quát chung, có 10 ngành học phổ biến trong lĩnh vực tư pháp: Tội phạm học (Criminology); Tâm lý học tội phạm (Criminal psychology); Khoa học Pháp y (Forensic science); Tư pháp hình sự (Criminal justice); Hành chính tư pháp (Law enforcement); Dự bị Luật và luật học (Pre-law and legal); Trợ lý luật (paralegal); Khoa học cảnh sát (Police science); Quản giáo (Corrections); Cải tạo (Rehabilitation).

Như vậy, nếu mang kiến thức của 10 ngành học phổ biến đó để luật sư làm căn cứ củng cố cho các vụ án nhận bào chữa như vụ Đồng Tâm, rõ ràng là tư pháp đã bị xâm phạm nghiêm trọng ít nhất là ở các nội dung sau đây: Tâm lý học tội phạm – Khoa học pháp y – Tư pháp hình sự – Khoa học cảnh sát.

Mà đâu chỉ vụ án Đồng Tâm, ở các oan ức như Thủ Thiêm, như Lộc Hưng ở Sài Gòn, cho thấy tư pháp còn bị bức hại thô bạo không kém. Do vậy một khi cảm thấy bế tắc niềm tin thì tuyên bố như luật sư Lê Văn Hòa, thật ra chỉ khó hiểu ở mỗi chi tiết: trước khi là luật sư, ông Lê Văn Hòa từng là một Vụ trưởng của Ban Nội chính Trung ương.

Ông Lê Văn Hòa thừa hiểu ‘tư pháp độc lập’ ở Việt Nam chỉ là hình thức, bởi vì Việt Nam vẫn nhập nhằng “báo cáo án”/ “trao đổi án”; và cấp ủy Đảng có quyền ý kiến về yêu cầu xét xử nặng/ nhẹ…

Ví dụ cho dễ hình dung, báo Tuổi Trẻ hôm 18-3-2021, có bài “Bổ sung một số vụ án vào diện Ban Chỉ đạo trung ương chống tham nhũng chỉ đạo”, theo đó, “Tổng bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng trung ương, địa phương đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi đúng kế hoạch”.

Nếu là tư pháp độc lập, thì tư pháp ấy không thể chịu sự chỉ đạo của bất kỳ ‘bề trên’ nào, kể cả với một nơi gọi là “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng” – kiểu như “Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu khẩn trương xét xử 5 vụ án trọng điểm”…

***

Một ví dụ về “niềm tin tư pháp” từ luật sư Ngô Ngọc Trai – “Công lý theo thủ tục”

Hôm rồi xem báo nói về một vụ án giết người bên Nhật Bản, quá trình xét xử đã xảy ra tranh cãi xung quanh việc thu thập chứng chứ là mẫu lông tóc của nghi phạm để giám định ADN.

Phía luật sư bào chữa cho rằng việc thu thập lấy mẫu từ túi rác của gia đình nghi phạm mà không có quyết định khám xét thu giữ vật chứng là không hợp pháp do vậy cần hủy bỏ cáo buộc phạm tội.

Phía công tố lại cho rằng những vật dụng mà gia đình đã bỏ vào túi rác để ở ngoài cửa là đã từ bỏ quyền sở hữu đối với chúng, do vậy việc thu thập lấy mẫu không cần qua thủ tục khám xét thu giữ thì vẫn hợp pháp. Tòa án đã chấp nhận quan điểm của phía công tố.

Tôi thấy thật hay vì những tranh cãi như vậy, cho thấy căn cứ viện dẫn dựa vào thủ tục quy trình tố tụng là một phần rất quan trọng trong việc bào chữa thoát tội của luật sư bên Nhật Bản, cũng do bởi pháp luật bên họ coi trọng về công lý theo thủ tục.

Quá trình làm luật sư tôi luôn tham khảo học hỏi thêm những kiến thức như vậy.


Tin bài liên quan:

VNTB – Đạo luật Mậu Dần của Cao Đài giáo

Do Van Tien

VNTB – Vì sao có ‘bệnh’ sợ sai, sợ trách nhiệm?

Do Van Tien

VNTB – Ngũ “tinh” của ” Hà Nội không vội được đâu”

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo