Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nới “room” tín dụng lên mức 14% từ giữa năm: động thái lạ của Ngân hàng Nhà nước VN

Hàn Lam

(VNTB) – Để đạt được mức tăng trưởng tín dụng 14% cho cả năm nay, thì từ nay đến cuối năm hệ thống ngân hàng sẽ phải bơm ròng ra nền kinh tế thêm hơn 1,1 triệu tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng nhằm cung ứng thêm vốn tín dụng đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế, và điều này dẫn đến lo ngại của rủi ro lạm phát.

Trong các năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước thường chia thành nhiều đợt nới “room” tín dụng, rơi vào đầu, giữa và cuối năm. Hiếm khi cơ quan này phân bổ hết hạn mức tín dụng ngay từ giữa năm.

Số liệu thống kê cho biết cuối tháng 6-2023, dư nợ cho vay toàn hệ thống là 12,4 triệu tỷ đồng, chỉ tăng hơn 4,7% so với cuối 2022. Nguyên nhân chính không đến từ việc thiếu “room” mà do doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh đầu ra kém và lãi suất cao. Trong khi đó, cùng thời điểm này năm ngoái, tín dụng đã tăng 8-9% so với đầu năm, nhiều ngân hàng chạm trần hạn mức tăng trưởng.

Trước đó, hồi tháng 2-2023, Ngân hàng Nhà nước đã giao “room” tín dụng cho các ngân hàng thương mại cả nước với mức tổng 11%, với định hướng cả năm tăng 14 – 15%.

Ước tính, để đạt được mức tăng trưởng tín dụng 14% cho cả năm nay thì từ nay đến cuối năm, hệ thống ngân hàng sẽ phải bơm ròng ra nền kinh tế thêm hơn 1,1 triệu tỷ đồng.

Nguy cơ mất giá tiền đồng là một cảnh báo đang được đưa ra. Đại diện Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, hiện tại chênh lệch lãi suất USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đang ở mức cao kỷ lục, cao nhất là 4,4 điểm % đối với lãi suất qua đêm và thấp nhất là 0,6 điểm % đối với lãi suất kỳ hạn 3 tháng. Tại các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên, lãi suất VND cao hơn khoảng 0,3 – 1,4 điểm % so với lãi suất USD.

VDSC cho rằng, chênh lệch lãi suất nới rộng hiển nhiên sẽ kích thích hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất và tạo nên áp lực mất giá tiền đồng. Trong khi đó, đa số các tổ chức tài chính đều cho rằng triển vọng đồng USD nửa cuối năm 2023 là tích cực. Kỳ vọng chung, đồng tiền này sẽ neo ở mức cao nhờ lãi suất hấp dẫn và vai trò nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh kinh tế thế giới lao đao.

Các chuyên gia còn lưu ý một số yếu tố có thể gây sức ép lên tỷ giá VND trong nửa cuối năm 2023, bao gồm lãi suất điều hành của Fed có thể duy trì ở vùng đỉnh đến cuối năm 2023 để kiềm chế lạm phát, trong khi Ngân hàng Nhà nước định hướng tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng.

Thêm vào đó, lạm phát trong nước có thể tăng từ cuối quý III/2023. Tuy vậy, tỷ giá VND vẫn sẽ được hỗ trợ bởi các yếu tố như thặng dư thương mại duy trì mức cao, vốn FDI và lượng kiều hối ổn định, các thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thực hiện trong nửa cuối năm 2023 sẽ làm tăng nguồn cung ngoại tệ, Việt Nam hiện duy trì lãi suất thực cao.

Như vậy, xem ra từ nay đến cuối năm 2023, hệ thống tổ chức tín dụng sẽ phải tăng trưởng tín dụng gần gấp đôi nửa đầu năm để đạt được mục tiêu 14% cả năm.

Trong thông cáo gửi các cơ quan báo chí hôm 11-7-2023, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã việc điều chỉnh hạn mức (room) tín dụng, là dựa vào việc đánh giá tình hình hoạt động của tổ chức tín dụng và còn phải đảm bảo góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ…

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến cuối tháng 4-2023, tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng đạt 6,33 triệu tỷ đồng, tăng 7,96% so với cuối năm 2022. Đây là mức cao nhất kể từ trước tới nay. Nửa đầu năm 2023, dù lãi suất huy động đã trải qua 4 lần giảm ăn theo lãi suất điều hành hạ nhưng tiền gửi dân cư vào ngân hàng vẫn tăng đều.

Góc nhìn chuyên môn cho rằng theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay bình quân đến giữa tháng 6-2023 ở mức 8,9%. Sau khi trừ lạm phát, lãi suất cho vay thực 6,9%, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP cũng như mức lãi suất thực trung bình của giai đoạn 2013-2021. Đây là mức lãi suất cản trở phục hồi kinh tế và tăng trưởng, đồng thời làm tăng nợ xấu.


Tin bài liên quan:

VNTB – Sinh trắc học ngân hàng: chống lừa đảo mạng hay kiếm soát túi tiền người dân?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Việt Nam bơm tới 24 tỷ USD để giải cứu ngân hàng SCB

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Công ty mẹ lỗ để công ty con lời?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.