Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ở Việt Nam người dân không được quyền kêu gọi biểu tình

Trần Dzạ Dzũng

 

(VNTB) – Điều 25 của Hiến pháp 2013 nói rằng người dân có quyền biểu tình.

 

Tin tức cho biết, Công an tỉnh Bình Dương đã phối hợp với Công an TP.HCM xác định và mời chủ tài khoản mạng xã hội TikTok@phunguniexport là Lê Văn Phụng, sinh năm 1990, tạm trú tại khu phố Tân Bình, phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương để làm rõ sự việc kêu gọi biểu tình tại khu du lịch Đại Nam hôm 27-3-2022 để phản đối việc bắt giữ hình sự bà Nguyễn Phương Hằng.

Nhà chức trách giải thích rằng cho đến hiện tại vì Việt Nam chưa có Luật quy định về biểu tình, nên những hành vi kêu gọi biểu tình đều được coi là trái phép.

Theo đó, ngày 18-3-2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2005/NĐ-CP quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng.

Theo Điều 7 của Nghị định này, việc tập trung đông người ở nơi công cộng phải đăng ký trước với UBND có thẩm quyền nơi diễn ra các hoạt động đó, và phải thực hiện đúng nội dung đã đăng ký. Hành vi gọi là biểu tình, tuần hành không đăng ký và chưa được phép của chính quyền địa phương là phạm pháp.

Lưu ý ở Điều 112, Tội bạo loạn, Bộ luật hình sự năm 2015, quy định: “Người nào hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau: Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Nội dung của tội bạo loạn trên thường được vận dụng để xử lý răn đe về nhóm cá nhân nào đó được cho là cầm đầu biểu tình dẫn đến xô xát.

Tuy nhiên ở chiều lập luận ngược lại thì do hiện nay hệ thống pháp luật ở Việt Nam chưa có luật riêng để điều chỉnh, quy định về việc thực hiện quyền biểu tình của công dân.

Chính vì vậy, mọi cuộc biểu tình ở Việt Nam diễn ra đều không thể đánh giá là hợp pháp hay bất hợp pháp, chính vì vậy việc xử lý rất khó khăn, tùy thuộc vào cái gọi là “bản lĩnh chính trị” của chính quyền địa phương nơi diễn ra cuộc biểu tình. Bởi trong quá khứ vài năm trước cho thấy biểu tình chủ yếu là để bày tỏ thái độ không đồng tình trước chính sách pháp luật, hay thái độ xử trí vấn đề đại sự nào đó của quốc gia từ cấp lãnh đạo trung ương.

Nếu được quyền tranh luận tử tế với nhà chức trách ở đây quanh cáo buộc “kêu gọi biểu tình là trái phép”, sẽ thấy rõ là đầy mẫu thuẫn khi trên các diễn đàn của chuyên mục “Chống diễn biến hòa bình”, luôn cho rằng quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là tôn trọng dân chủ, nhân quyền, tôn trọng những ý kiến, quan điểm khác biệt cũng như khuyến khích phản biện xã hội, đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực để xây dựng và phát triển đất nước.

Vậy thì khi Hiến pháp năm 2013 quy định “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân” (Điều 28);

Và Điều 14 của Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”, thì khi người dân biểu tình bằng các hình thức khác nhau như xuống đường tuần hành, tọa kháng, biểu lộ thái độ trên mạng xã hội…, cần xem đó là các biểu hiện của Hiến định tại Điều 28.

Nhà chức trách chỉ xử lý khi họ có hành vi gây rối, chống người thi hành công vụ, đập phá tài sản, chứ không xử lý họ vì “biểu tình ôn hòa”.

Thực tế thì nếu xuống đường tuần hành ủng hộ chính sách nào đó như sự kiện trên 2.000 phụ nữ trong trang phục áo dài đã tuần hành hôm 6-3 vừa qua trên đường phố ở Sài Gòn, thì dù chưa có luật biểu tình, song không ai lập biên bản phạt hành chính.

Thế nhưng ở chiều ngược lại, chỉ cần 1/10 số phụ nữ kể trên xuống đường để phản ứng về một trì trệ nào đó, như tính phi lý của sắc thuế tiêu thụ đặc biệt đang áp với xăng dầu chẳng hạn, tin chắc các quý bà, quý cô này sẽ không thể yên thân mà dung dăng, dung dẽ để ý kiến này nọ theo Điều 25 và 28 của Hiến pháp 2013.


Tin bài liên quan:

VNTB – Quyền tự do công đoàn trong bộ luật lao động ở Việt Nam?

Phan Thanh Hung

VNTB – Không gì phải sợ hãi biểu tình

Phan Thanh Hung

VNTB – Vì sao 4.000 người ‘diễn tập chống gây rối’?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo