Việt Nam Thời Báo

VNTB – O’Henry không ngớ ngẩn

Saigon

Trần Thế Kỷ

(VNTB) – Ông Vương Trí Nhàn chỉ nói rằng tôi đang sống trong miền Nam thì nên hỏi ý kiến của nhà phê bình văn học nào đó ở miền Nam, còn ông ấy thì đang sống ở miền Bắc.

 

1️⃣. Khi tờ Văn Việt của Nguyên Ngọc ra đời độ một tháng, tôi có gởi đến 5 truyện ngắn. Văn Việt đã không đăng các truyện này. Âu cũng là chuyện bình thường. Họ không thích thì họ có quyền không đăng.

Nhưng sự đời lại chẳng bình thường. Đúng 5 tháng sau (Vâng, 5 tháng), Văn Việt bất ngờ gởi email cho tôi, đề nghị gởi cho họ một hình chụp chân dung kèm đôi dòng về nhân thân của tôi để họ đăng cùng các truyện ngắn mà tôi đã gởi trước đó. Dù khá băn khoăn nhưng tôi vẫn làm theo ý họ. Sau đó thì sao? Xin thưa, Văn Việt vẫn không hề đăng bất kỳ truyện nào của tôi. Đó là quyền của họ.

Nhưng qua sự việc lạ lùng này, tôi phải đặt câu hỏi: Các truyện ngắn và phong cách viết của tôi có gì đáng ngại tới mức Văn Việt lúc đầu không đăng nhưng 5 tháng sau lại muốn đăng và giờ chót lại quyết định không đăng. Chẳng lẽ viết về Cô Bé Bán Diêm hay Chúa Hài Đồng…lại làm Văn Việt đắn đo cân nhắc, tính tới tính lui đến thế ư?!

Cách hành xử của Văn Việt, đứng đầu là Nguyên Ngọc, thật đáng nực cười. Có cảm tưởng Ban biên tập Văn Việt chỉ là một đám trẻ ranh!

 

2️⃣. Năm 1990, như đã kể trong “O’Henry không viết truyện cao bồi”, tôi cho xuất bản quyền “Cánh Chim Phiêu Lãng” mà tôi là tác giả, gồm 8 truyện ngắn. Nhân vật trong các truyện ngắn này di động trong một không gian rộng lớn: Từ nước Mỹ thời Lincoln đến Đan Mạch với cuộc gặp gỡ tưởng tượng giữa Andersen và Cô Bé Bán Diêm, từ Trung Hoa với Hoàng Hạc Lâu đến nước Áo thời Johann Strauss…

Ngoài việc gởi bán ở các nhà sách , tôi còn tặng sách cho một số người trong đó có nhà nghiên cứu và phê bình Văn học Vương Trí Nhàn , một người tôi chưa từng biết mặt nhưng đã biết danh. Trong lá thư đính kèm, tôi đề nghị ông ấy cho tôi đôi lời phê bình thật ngắn gọn về quyển “Cánh Chim Phiêu Lãng”. Lúc đó tôi là một cây bút mới nên cần được nghe những lời phê bình thẳng thắn của một người am hiểu về văn học như Vương Trí Nhàn mà tôi nghe tiếng là rất thẳng thắn.

Trong lá thư trả lời tôi, ông Vương Trí Nhàn chỉ nói rằng tôi đang sống trong miền Nam thì nên hỏi ý kiến của nhà phê bình văn học nào đó ở miền Nam, còn ông ấy thì đang sống ở miền Bắc. Thực lòng , khi thấy ông Vương Trí Nhàn trả lời như thế, tôi cứ tưởng đất nước vẫn còn đang chia cắt, hai miền vẫn còn chìm trong khói lửa chiến tranh.

Thật là một lời từ chối khéo léo!

Thật là một con người thẳng thắn!

( Lá thư này mà ông Vương Trí Nhàn gửi cho tôi cách đây 30 năm, tôi hiện vẫn còn lưu giữ).

 

3️⃣. Ngoài Vương Trí Nhàn, tôi cũng gởi tặng cho ông Nguyễn Quang Sáng, lúc đó là Tổng Thư ký Hội Nhà Văn TP.HCM, một quyển “Cánh Chim Phiêu Lãng” theo địa chỉ của Hội Nhà Văn TP.HCM là 81, Trần Quốc Thảo, quận 3.

Với “Cánh Chim Phiêu Lãng”, tôi rất mong sẽ đem lại một luồng gió mới cho nền văn học Việt Nam lúc ấy vốn vô cùng nhàm chán.

Một hôm, tôi tình cờ gặp Nguyễn Quang Sáng tại nhà sách Fahasa 40 Nguyễn Huệ. Tôi hỏi ông ấy có nhận được quyển sách của tôi không thì ông ấy đáp rằng đã nhận được và có đọc sơ qua. Với vẻ khinh khỉnh, ông ấy cho rằng lối viết của tôi có vẻ lạc điệu, ngớ ngẩn.

Tất nhiên cảm nhận thế nào là quyền của ông ấy. Rồi sau đó xảy ra việc truyện ngắn “Tay Súng Tay Đàn” của tôi (có in trong quyển “Cánh chim Phiêu Lãng”) được đăng trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 134, nhưng với tên tác giả là O’Henry (về danh nghĩa, KTNN là phụ trương của Tạp chí Văn trực thuộc Hội Nhà Văn TP.HCM).

Mà ông Sáng đời nào dám nói O’Henry là viết văn ngớ ngẩn. Rốt cuộc, chính những kẻ có cái đầu tủn mủn như Nguyễn Quang Sáng mới thực là ngớ ngẩn!

 

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Chuyện đông chuyện tây: Xương máu tơi bời

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Biếm hoạ: Mèo và chuột

Phan Thanh Hung

VNTB – Chuyện đông chuyện tây: Bàn tay nhuốm máu

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo