Việt Nam Thời Báo

VNTB- Ôn cố tri tân: Di chúc bị phản bội đưa nhà Tần đến diệt vong

Phùng Hoài Ngọc

               Các nho sinh bị bắt vì tội phỉ báng Tần Vương.

DI CHÚC được hiểu là ý nguyện của người sắp qua đời để lại cho những người kế tiếp theo thứ tự trong gia đình dòng họ hay của người có trách nhiệm đối với cộng đồng. Hiểu đơn giản như vậy. Ý nguyện ấy được thể hiện bằng văn bản hoặc lời nói (lời trực tiếp có nhân chứng, lời ghi âm ghi hình thời hiện đại). Di chúc được coi là ý nguyện cuối cùng của con người mà những người kế tiếp có bổn phận thực hiện. Theo niềm tin tâm linh, những người thực hiện di chúc tin rằng người qua đời sẽ dõi theo việc thực hiện di chúc, nếu làm đúng linh hồn họ sẽ phù hộ cho, nếu làm trái linh hồn sẽ trừng phạt kẻ thực hiện. Những kẻ vô thần sẽ không nghiêm túc thực hiện di chúc vì nó đếch sợ quỉ thần. Nó chỉ cần lợi ích của nó được bảo đảm, nên nó có thể giấu nhẹm hoặc thay đổi, sửa chữa di chúc.
Phản bội Di chúc hoàng đế là nguyên nhân đầu tiên đưa nhà Tần sớm diệt vong
Tần Nhị Thế, hay Nhị Thế hoàng đế, tên thật là Doanh Hồ Hợi là vị hoàng đế thứ nhì và cuối cùng của nhà Tần trong lịch sử Trung Quốc, cai trị được 3 năm (từ 210 tr CN đến 207 trước CN).
Hồ Hợi là con thứ 18 trong 20 người con của Tần Thủy Hoàng. Từ nhỏ, Hồ Hợi được vua cha giao cho hoạn quan Triệu Cao dạy dỗ về pháp luật và mệnh lệnh. Tuy vậy Tần Thủy Hoàng vẫn dự định truyền ngôi theo lệ cho con trưởng là Phù Tô.
Tháng 10 năm 210 Tr.CN, Tần Thủy Hoàng đi tuần du thiên hạ, tả thừa tướng Lý Tư đi theo, hữu thừa tướng Khứ Tật ở lại kinh thành trông coi triều đình. Hồ Hợi xin đi theo, được vua cha bằng lòng. Sau khi tế lễ vua Hạ Vũ ở Cối Kê, Tần Thuỷ Hoàng trở về kinh, khi về đến bến Bình Nguyên thì ngã bệnh. Bệnh tình ngày càng nặng, biết không qua khỏi nên vua Tần viết thư, đóng dấu ngọc tỷ gửi công tử Phù Tô nói: “Con về Hàm Dương với đám tang, và chôn cất ta ở đấy”. Bức thư đã niêm phong trong Phủ trung xa do Triệu Cao phụ trách. Bức thư có dấu của nhà vua chưa kịp giao cho sứ giả thì vào ngày Bính Dần tháng 7 tức ngày 10 .9. 210 tr. CN (theo lịch Julius), Thủy Hoàng chết tại đất Sa Khâu (Cũng có thuyết cho rằng hoàng đế chết vì nuốt thủy ngân với hy vọng trường sinh, qua đời khi mới 39 tuổi, để lại vương quốc rộng lớn cho con cái và các nhóm lợi ích hủy hoại).
Thừa tướng Lý Tư thấy nhà vua chết ở xa kinh đô sợ các công tử và thiên hạ có biến loạn, bèn giấu kín, không báo tang ngay. Chỉ có Hồ Hợi, Triệu Cao và một vài hoạn quan thân tín của nhà vua, tất cả có năm sáu người biết là vua đã chết. Sau khoảng hai tháng, Lí Tư và xa giá trở lại Hàm Dương, cái chết của Tần Thủy Hoàng mới được công bố. Sau khi ông chết, Phù Tô theo lệ sẽ là hoàng đế nối ngôi.
Lý Tư và Triệu Cao âm mưu giết Phù Tô con trưởng vì vị tướng được Phù Tô yêu thích là Mông Điềm, người mà họ không thích. Họ sợ rằng nếu Phù Tô được lên ngôi, họ sẽ bị mất quyền lực. Triệu Cao bèn cùng Lý Tư âm mưu tiêu hủy bức thư Di chúc của Thủy Hoàng gửi cho công tử Phù Tô, bịa ra chuyện thừa tướng Lý Tư đã nhận được tờ chiếu của Thủy Hoàng trước khi chết bảo lập Hồ Hợi làm thái tử; Đồng thời lại làm một bức thư giả khác gửi cho công tử Phù Tô và tướng Mông Điềm kể tội hai người, ra lệnh cho hai người phải chết. Công tử Phù Tô một lòng trung hiếu nên đọc thư xong bèn tự vẫn, Mông Điềm thì nghi ngờ không chịu chết, bị bắt mang về giam ở Dương Châu.
Hồ Hợi lên nối ngôi, tức là Nhị Thế hoàng đế, năm ấy 21 tuổi.

Nhị Thế sống giữa hai nhóm lợi ích lớn. Thái giám Triệu Cao và thừa tướng Lý Tư.
Theo mưu của Triệu Cao, vua tăng thêm nhiều luật lệ mệnh lệnh. Hoàng thân quốc thích vả các quan đại thần đều bực bội, chỉ theo ngoài mặt, trong lòng không phục. Triệu Cao khuyên vua “trong lúc này không thể theo văn trị mà phải dùng võ lực để quyết định. Làm như thế, trên dưới sẽ theo mà nước được an”. Nhị Thế bèn giết các quan đại thần và các công tử anh em, liên lụy cả những viên quan nhỏ hầu hạ cũng bị giết. Các quan tam lang không còn ai sống sót, 6 vị công tử đều bị giết ở đất Đỗ. Cả tông thất run sợ, quần thần ai ngăn cản thì phạm tội phỉ báng. Các quan đại thần thì lo giữ lộc để được yên thân, còn nhân dân thì sợ hãi.
BA CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN XƯƠNG MÁU VÀ CỦA CẢI NHÂN DÂN là nguyên nhân thứ 2 chôn vùi triều đại nhà Tần quá sớm
Lăng mộ  Tần Thủy Hoàng và các loại tượng đài
Lăng mộ nằm sâu dưới ngọn đồi chân núi Ly Sơn, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, và còn có tên gọi khác là Địa lăng Tần Thủy Hoàng.
Tháng 9 năm 210 TCN, Tần Nhị Thế chôn vua cha Tần Thủy Hoàng ở Ly Sơn. Lăng Mộ vốn được khởi xây từ khi Thủy Hoàng còn sống. Dân phu phải đào ba con suối, ở dưới đổ đồng và đưa quách vào; sai lấy thủy ngân đổ vào, mô phỏng sông Trường Giang, sông Hoàng Hà và Biển Đông. “Sông và biển” thủy ngân là chất độc tạo hàng rào bảo vệ quan quách xác chết. Nhị Thế sai chôn theo tất cả các cung nữ của Thuỷ Hoàng, lại còn sai đóng đường hầm đi vào huyệt, những người thợ và người cất giấu của cải không thoát ra được, đều bị chết trong đó. Rất nhiều vật quý được chôn theo. Đặc biệt 8000 bức tượng “chiến binh đất sét” to như người thật dùng để canh giữ mộ… Đó là một lăng mộ phức tạp nhất từng được xây dựng ở Trung Quốc. Một khối kiến trúc chìm dưới đất đầy phức tạp, chứa mọi thứ hoàng đế cần cho“cuộc sống” sau khi chết.
Thừa tướng Lý Tư là người phụ trách lên kế hoạch và thiết kế. Thời gian xây dựng tổng cộng tới 38 năm, huy động nguồn nhân lực khổng lồ 700.000 người, bằng 1/10 tổng dân số lúc bây giờ.
Từ trên xuống dưới có ba tầng: trên cùng là Ngoại cung, tiếp theo là Nội cung và dưới cùng là Tẩm cung (nơi để thi hài Tần thủy hoàng). Lăng mộ mô phỏng kiến trúc kinh đô Hàm Dương thời Tần, bao bọc bởi các thành quách, được chia làm hai phần Thành nội và Thành ngoại.
Ngoài địa cung, khu vực có lớp đất bao bọc bên trên với 300 đường hầm bồi táng, chôn kèm theo xác trên 50.000 cổ vật quan trọng. Địa cung là khu vực có giá trị nhất trong lăng, nhưng với khả năng kinh tế và trình độ khoa học hiện nay, mặt khác vì mê tín lo sợ hậu họa, Trung Quốc vẫn chưa thể khai quật được khu vực cốt lõi này.
Bộ Sử ký Tư Mã Thiên thuật lại việc xây lăng mộ Tần Thủy Hoàng như sau: “Khi Thủy Hoàng 13 tuổi mới lên ngôi đã sai đào núi Ly Sơn. Đến khi thôn tính được thiên hạ thì điều 70 vạn người dân đến xây lăng mộ, đào ba con suối, ở dưới đổ đồng nung và đưa quách vào. Đem những đồ quý báu của các cung điện, của trăm quan xuống cất đầy ở dưới. Lại sai thợ làm máy bắn tên hễ có ai đào đến gần thì bắn ra. Sai lấy thủy ngân làm một trăm con sông, như Trường Giang, Hoàng Hà và biển lớn. Các máy móc làm cho nước sông và biển chảy vào nhau. Ở trên có đủ thiên văn, ở dưới có đủ địa lý, lấy đầu cá nhân ngư để thắp đuốc, trù tính thế nào để cháy mãi mãi”.
Ngôi mộ còn lưu giữ nhiều bí mật chưa có lời đáp của lịch sử, và cho đến nay vẫn chưa có người nào từng quan sát được bên trong nơi này.
Tiếp tục xây cung A PHÒNG
Tần Thủy Hoàng đang xây dở cung A Phòng để ăn chơi thì ngã bệnh mà qua đời.
Lý Tư a dua theo vua Nhị Thế để lập công, dâng “thuyết đốc trách” xây cung A Phòng đề nghị tăng hình luật tàn khốc hơn để trị thiên hạ, do đó pháp luật của triều đình càng khắc nghiệt hơn cả thời Thuỷ Hoàng, nhân dân càng thêm oán hận. Gỗ hiếm, đá quí, cây lạ khắp trong nước được huy động vơ vét đưa về xây cung điện (sau này Hạng Võ cho lính đốt ba tháng liền mới cháy hết chưa kể vật liệu bị cướp bóc rút ruột). Nhân công và của cải chi phí xây cung điện không thể tính đếm hết.
Vạn lý Trường Thành
(còn có tên dân gian VẠN LÝ NGHĨA ĐỊA)
Trước thời nhà Tần, từ Chiến quốc, nhiều khúc đoạn của Trường Thành đã được xây, đến Tần Thủy Hoàng quyết tâm kết nối và gia cố. Tường cao 7 mét, bề mặt rộng 5,6 mét, dài ước tính 8.850 km. (Theo số liệu mới được công bố, Vạn Lý Trường Thành dài 21.196 km, tùy theo qui ước tính đến thời đại nào xây dựng. Sau nhà Tần, đến tận nhà Minh vẫn bồi đắp bổ sung Trường Thành).
Triều đình bắt người dân phải làm việc đắp thành như là nghĩa vụ lao động, và các công nhân luôn bị nguy hiểm vì cướp tấn công đoạt lương, dụng cụ. Ước tính khoảng một triệu người thợ đã chết khi xây dựng bức tường thành. Trong số triệu mạng người chết, ước tính 300 ngàn binh lính với nhiều tội nhân, quan lại phạm lỗi, nho sĩ không tuân lệnh đốt sách phải làm khổ sai. Nó được đặt cho cái tên khủng khiếp “Vạn lý Nghĩa địa”.
TỨC NƯỚC VỠ BỜ
Tháng 7 năm 209 tr.CN, Trần Thắng và Ngô Quảng khởi nghĩa chống lại nhà Tần, tuyên bố lập lại nước Sở đã bị nhà Tần giải thể. Quân khởi nghĩa nhanh chóng đánh chiếm nhiều nơi, các chư hầu cũ thời Chiến Quốc nổi dậy hưởng ứng đòi ly khai. Trần Thắng tự xưng làm Trương Sở Vương. Năm 208 TCN, một cánh quân Trương Sở do Chu Văn chỉ huy đánh vào ải Hàm Cốc. Tình hình nguy cấp Nhị Thế nghe tin hoảng sợ, hỏi ý quần thần. Quan thiếu phủ là Chương Hàm tâu: Bọn giặc đã đông và mạnh. Nay nếu đem binh ở các huyện đến thì không kịp nữa. Những người bị đày phải làm khổ sai ở lăng mộ Ly Sơn rất đông. Nhị Thế vội đại xá thiên hạ, sai lấy vũ khí trong kho, giao cho các dân phu ra mặt trận.
Trong hoàn cảnh triều đình tàn phá sức người sức của đến mức nguy cấp, Hữu thừa tướng Khứ Tật, tả thừa tướng Lý Tư và tướng quân Phùng Kiếp can Nhị Thế giảm bớt việc binh dịch và lao dịch xây cung điện A Phòng và lăng mộ Lý Sơn: “Ở Quan Đông bọn giặc nhao nhao nổi lên, ta đem quân trừ khử giết cũng nhiều nhưng vẫn không thôi. Giặc phần lớn là những người đi thú và lo vận chuyển trên cạn dưới nước, họ làm giặc vì việc xây đắp cực khổ vì thuế má nặng. Xin bệ hạ đình chỉ việc xây đắp cung A Phòng, giảm bớt lính thú ở các biên giới”.
Lời tâu trái ý, Nhị Thế bèn sai bắt luôn cả Khứ Tật, Lý Tư, Phùng Kiếp, xét tội trạng. Khứ Tật và Phùng Kiếp không chịu nhục nên tự vẫn trong ngục, còn Lý Tư bị khép vào tội chết và bị xử tử. Triệu Cao được cất nhắc làm Thừa tướng. Ông ta tiếp tục xúi giục Nhị Thế trừng phạt những người không trung thành với các hình phạt nặng nề hơn. Mười hai vị công tử bị xử tử giữa chợ Hàm Dương. Mười công chúa cũng bị xử xé xác.
Năm 207 TCN, Chương Hàm cầm quân vây thành, tướng nước Sở là Hạng Vũcầm đầu quân Sở đến cứu Cự Lộc, đánh tan quân của Vương Ly và Chương Hàm. Bị Triệu Cao bức bách quá, Chương Hàm bèn đem binh đầu hàng chư hầu, cùng Hạng Vũ đi đánh Tần. Một cánh quân Sở khác do Lưu Bang chỉ huy cũng tiến gần đến Quan Trung.
Tháng 8 năm 207 TCN, Triệu Cao muốn làm phản, bèn dời Nhị Thế đến cung Vọng Di.
Triệu Cao bàn mưu với người rể là Diễm Nhạc và em là Triệu Thành: “Nhà vua không nghe lời can ngăn. Nay việc đã gấp, nhà vua muốn quy tội cho chúng ta. Ta muốn thay đổi vua lập công tử Anh. Tử Anh là người nhân đức, cần kiệm, trăm họ đều kính trọng lời nói của ông ta”.
Triệu Cao liền sai Diễm Nhạc cầm hơn một nghìn người đến cửa cung Vọng Di. Nhạc trói người vệ binh giữ cửa, chém quan giữ thành rồi đem quân đi vào, vừa đi vừa bắn. Các quan lang và hoạn quan hoảng hốt bỏ chạy, ai kháng cự đều bị giết chết, tất cả mấy mươi người. Diễm Nhạc bước vào, bắn vào cái màn Nhị Thế ngồi. Diễm Nhạc tiến đến trước mặt Nhị Thế và ép ông tự sát. Dù Nhị Thế xin làm quan nhỏ, rồi làm dân thường nhưng Diễm Nhạc vẫn không tha, nói rằng làm theo lệnh của Triệu Cao. Nhị Thế biết không thoát được đành phải tự sát.Tần Nhị Thế ở ngôi được 3 năm, lúc đó 24 tuổi.
Triệu Cao lập hoàng tử Tần Tử Anh lên ngôi vua nhưng chỉ 46 ngày sau Lưu Bang tiến vào Hàm Dương lập ra nhà Hán. Triều đại nhà Tần đến đó là sụp đổ chỉ sau 15 năm tồn tại.
KẾT
Bản chất của giai cấp thống trị chế độ phong kiến là muốn giữ quyền lợi trường tồn, bất chấp sự vận động của lịch sử. Nguyên nhân chính là sự ngu dốt triết học và lòng tham vô đáy. Sự ngu dốt lịch sử thể hiện rõ ở khẩu hiệu tung hô “vạn tuế/ muôn năm/ bất diệt”. Sự ngu dốt văn hóa dẫn đến mê tín cho rằng lăng mộ, tượng đài xây dựng chất liệu bền vững và hoành tráng thì bảo đảm cho chế độ bền vững theo. Có thể coi đây là dấu hiệu nhận dạng những chế độ hậu phong kiến vẫn còn quán tính khó bỏ.
UNESCO vinh danh tới 50 “di sản văn hóa” trên đất Trung Hoa trong đó có Vạn lý Trường Thành và Lăng mộ Tần Thủy Hoàng (riêng cung A Phòng đã bị quân Hạng Võ thiêu hủy và cướp bóc nên chỉ còn tồn tại trong sử sách và ngoại sử). 50 di sản thế giới tại Trung Quốc gồm 11 di sản tự nhiên, 35 di sản văn hóa và 4 di sản hỗn hợp. Tiêu chí “di sản văn hóa” của UNESCO thực đáng được xem xét lại. Không nên a dua theo tuyên truyền du lịch và chính trị. Lại càng không nên ngu dốt như nhà cầm quyền Đà Lạt mô phỏng xây “Vạn lí trường thành” để trục lợi, tự phô bày sự ngu dốt về lịch sử văn hóa, bất chấp lòng tự tôn dân tộc. Câu nói của họ Mao“Bất đáo Trường Thành phi hảo hán” (không đến Trường thành không phải là hảo hán) chỉ là lời cuồng ngông khi say rượu, cớ sao hậu thế phải khắc ghi ?

Tin bài liên quan:

VNTB- Xướng – họa với Nguyễn Khoa Điềm ‘Đất nước những tháng năm thật buồn’

Phan Thanh Hung

VNTB- ‘Cướp chính quyền’ và bài thơ duy nhất của Tố Hữu

Phan Thanh Hung

VNTB – Xử án ông Trâu mang bản sắc văn hóa Việt Nam

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo