VNTB – Ông Nguyễn Văn Bình và công tác nhân sự Đại hội Đảng XIII

VNTB – Ông Nguyễn Văn Bình và công tác nhân sự Đại hội Đảng XIII

Hoàng Nghĩa Nhân

(VNTB) – Các vấn đề của ngân hàng thì cũ, nhưng việc xử lý lại diễn ra ở thời điểm này, dẫn tới những liên tưởng không phải không có cơ sở về sự liên quan đến những công việc cuối cùng chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng.

Những đồn đoán về việc Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Bình bị xem xét trách nhiệm giai đoạn làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 2011-2016, đã xuất hiện từ giữa tháng 10, tức sau Hội nghị Trung ương 13, đến chiều tối 3/11 trở thành sự thật qua thông báo kỳ họp thứ 49 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Các vấn đề của ngân hàng thì cũ, nhưng việc xử lý lại diễn ra ở thời điểm này, dẫn tới những liên tưởng không phải không có cơ sở về sự liên quan đến những công việc cuối cùng chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng.

Hội nghị 13 vừa rồi, Trung ương đã làm những thủ tục cuối cùng, lấy phiếu giới thiệu nhân sự tham gia Trung ương khóa XIII, bao gồm cả tái cử và lần đầu. Công tác nhân sự ở cấp cao hơn, Bộ Chính trị, Ban Bí thư – cũng gồm cả tái cử, lần đầu – và có thể là cả lãnh đạo chủ chốt, gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội… sẽ được lấy phiếu, quyết nghị ở Hội nghị 14, sau khi công bố kết quả lấy phiếu nhân sự Ủy viên Trung ương. Tất cả sẽ thành danh sách để giới thiệu ra Đại hội XIII, nếu như thường lệ thì sẽ tổ chức trước Tết Nguyên đán, đầu 2021.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, sinh năm 1961, nằm trong nhóm trẻ của Bộ Chính trị đương nhiệm, về tuổi đương nhiên đủ điều kiện tái cử vào Bộ Chính trị khóa XIII. Và nếu điều đó diễn ra, thì gần như chắc chắn, ông sẽ là hạt giống đỏ cho những vị trí cao hơn trong Bộ Chính trị khóa tiếp theo…

Nhưng tương lai của ông trở nên bất định sau thông báo công khai của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Khác với thường lệ, thông báo kỳ họp thứ 49 này không nêu thời gian diễn ra kỳ họp. Các thông tin rò rỉ cho biết cơ quan kiểm tra của Trung ương Đảng đã họp về việc ông Bình từ nhiều ngày trước, nhưng còn phải thêm các thủ tục khác nữa mới đi đến kết quả được công khai.

Theo thông báo, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật ông Bình xuất phát từ việc “xem xét kết quả thẩm tra, xác minh nội dung phản ánh”. Các thông tin rò rỉ cho biết bản chất đây là giải quyết đơn tố cáo.

Kết quả, ông Bình bị kết luận là thời còn là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng NHNN – chức vụ về đảng của Thống đốc, ông đã:

(1) “Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát”.

(2) Việc này dẫn tới “để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc ban hành và tổ chức thực hiện một số nghị quyết, quy định, quyết định về hoạt động tín dụng ngân hàng”.

(3) “Các vi phạm này dẫn tới hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục. Nhiều cán bộ, đảng viên của Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo chủ chốt một số tổ chức tín dụng vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự”.

Không biết cụ thể vụ việc, vấn đề mà ông Bình sai phạm. Nhưng nhìn vào thời điểm này, khi hệ thống ngân hàng đang phải trải qua cú sốc do đại dịch Covid-19 gây ra mà nhiều ngân hàng thương mại vẫn có lãi, thì thật tương phản với hệ thống ngân hàng ấy, ở thời điểm ông Bình nhậm chức Thống đốc, năm 2011.

“Một cách hình ảnh, thời điểm ấy, hệ thống ngân hàng bên bờ sụp đổ, như bệnh nhân trên bàn mổ vậy. Còn giờ thì yên tâm hơn nhiều rồi, đã được xuất viện, về nhà nghỉ dưỡng sức” – TS. Võ Trí Thành trao đổi với các bạn trẻ tại Học viện lãnh đạo ABG, hôm sáng 25-10, khi chưa có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

TS Thành nhận xét như vậy trong một nội dung trao đổi không liên quan hay ám chỉ gì tới ông Bình. Nhưng không ít người làm ngân hàng, thì đánh giá ông Bình giỏi: “Các vấn đề của ngân hàng thương mại thời điểm đấy đã tích lũy từ trước. Chưa kể, phải tính tới hậu quả của điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ trước đó, khi vung tiền mặt cứu nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu”.

Còn ông Bình, từ 2012, đã tự chấm điểm thành tích của mình khi lạm phát phi mã cùng cuộc đua lãi suất của các ngân hàng bắt đầu được kiềm chế.

Trưởng thành từ ngành ngân hàng, mới ngồi ghế Thống đốc chưa lâu, ông tự tin báo cáo với Quốc hội vẫn đầy lo lắng với các chỉ số ví mô của nền kinh tế, ở kỳ họp cuối năm ấy: “Người ta tìm ra bộ 3 bất khả thi giữa tăng trưởng, lạm phát và tỷ giá, ông đó được quốc tế cho giải thưởng Nobel. Vậy mà hiện nay chúng ta phải vừa làm sao kiềm chế được lạm phát mà vẫn phải tăng trưởng. Tôi đã có lần nói đùa với Chủ tịch Quốc hội là em chỉ cần nửa giải thưởng Nobel cũng được, nếu em làm được một trong hai”.

Chả biết có phải vì thành tích ấy, hay còn những yếu tố gì khác, Đại hội XII ông vượt ngọ môn, vào Bộ Chính trị.

Nhưng “giải thưởng” ấy cũng chỉ đủ để ông ngồi lặng lẽ ở Ban Kinh tế Trung ương – nơi sau đó đón ông Đinh La Thăng, bị buộc phải thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị, ngồi tạm, trước khi quy trình điều tra hình sự được khởi động về những sai phạm từ thời ở dầu khí.

Giờ tới lượt mình, những vi phạm, khuyết điểm của ông Bình được cơ quan kiêm tra của Trung ương Đảng đánh giá ở mức “nghiêm trọng”.

Đánh giá ở mức ấy, có lẽ vì lỗi của ông Bình, như mô tả trong thông báo là lỗi gián tiếp, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm vì “hậu quả rất nghiêm trọng”.

Đây là mức thấp nhất trong ba khung đánh giá của Đảng với đảng viên của mình – “nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng” – đủ để xem xét thi hành kỷ luật.

Tương xứng với đó, như thông lệ có thể là hình thức kỷ luật khiển trách, hoặc cảnh cáo.

Chiếu theo quy định của Đảng thì người bị khiển trách, cảnh cáo vẫn có thể được tái cử, tất nhiên là không được lên vị trí cao hơn. Nhưng đấy chỉ là có thể, bởi để được giới thiệu tái cử, ông Bình sẽ còn trải qua nhiều quy trình, rất cần phiếu.

Chỉ biết, Đảng đã có thời, như lúc ông Mười Cúc – Nguyễn Văn Linh, ra khỏi Bộ Chính trị, rồi lại vào, để tín nhiệm trở lại, giữ tới chức Tổng Bí thư. Hoặc như, cần đây thôi, Ủy viên Bộ Chính trị Trương Tấn Sang, bị kỷ luật khiển trách do liên quan trách nhiệm trong vụ Năm Cam, để rồi sau tiếp tục công tác, giữ tới chức Chủ tịch nước.

Thật khó để so sánh Đảng lúc này với Đảng lúc trước, hay ông Bình với các vị vừa được nhắc tên.

Nhưng biết đâu…

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)