Nguyễn Huỳnh
(VNTB) – “Trên cương vị chính khách đứng đầu đảng, ông Trọng cần cẩn trọng hơn khi tự khen về những điều mà ông cho là thành tựu từ các chính sách trong nhiệm kỳ của ông”.
“Ông nên lắng nghe các trợ lý báo chí của mình”.
Trà dư tửu hậu dịp đầu xuân Tân Sửu, một thân hữu của trang Việt Nam Thời Báo, người từng có thời gian ngắn làm trợ lý cho một quan chức hàm thứ trưởng, cho biết như vậy bởi vài lý do sau:
“Trong Thư chúc Tết Canh Tý 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói: “Học theo thơ Bác Hồ, tôi lại xin nôm na có mấy vần: Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay cả nước chắc càng thắng to/ Hòa bình, hạnh phúc, ấm no/ Rạng danh Tổ quốc, cơ đồ Việt Nam!. (*)
Chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô xuân Tân Sửu, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc mấy câu thơ: Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay Hà Nội phải càng thắng to/ Hào hoa, thanh lịch, ấm no/ Xứng danh Hà Nội – Thủ đô anh hùng. (**)
Hai lần đọc thơ đều cho thấy khả năng thi phú của một chính khách có học vị cử nhân văn chương là tuy có vấn đề về chuyện văn chương thật, nhưng cái đó không đáng ngại bằng kiến thức kinh tế của ông quá hạn hẹp, khi tự tin nghĩ rằng hết ‘thắng lợi vẻ vang’ năm Hợi đến ‘thắng lợi vẻ vang’ năm Tý và sẽ ‘càng thắng to’ ở năm Sửu.
Tôi cho rằng ông không nhận được tham vấn đầy đủ từ đội ngũ trợ lý báo chí, hoặc cũng có thể ông đã hiểu chưa tới về những con số báo cáo thống kê.
Tăng trưởng GDP năm 2020 chủ yếu đến từ đầu tư công và FDI – những khu vực hầu như không sử dụng tín dụng, tuy nhiên tín dụng lại tăng tới 12,13%. Nhiều khả năng, dòng tiền đã chảy vào các kênh tài sản và tạo ra rủi ro cho nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. Như vậy các từ đao to búa lớn ‘vẻ vang’, ‘thắng to’ ở đây là một ngộ nhận nguy hiểm cho những quyết sách từ người đứng đầu đảng.
Cũng có thể ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước hồ hởi với thành tích xuất siêu kỷ lục 19,1 tỷ USD, nhưng xin lưu ý rằng ông cần đọc đầy đủ hơn chút các thông tin tiếp theo đó từ các báo cáo kinh tế sẽ thấy đây chỉ là xuất siêu hàng hóa.
Cán cân thương mại gồm hai bộ phận là hàng hóa và dịch vụ. Hàng hóa xuất siêu nhưng dịch vụ lại nhập siêu. Năm 2020, Việt Nam nhập siêu dịch vụ tới 12 tỷ USD, tăng gấp 8 lần so với năm 2019. Như vậy, về thực chất, Việt Nam chỉ xuất siêu 7,1 tỷ USD thôi.
Đối với con số xuất siêu hàng hóa 19,1 tỷ USD, chúng ta nhìn kỹ có thể thấy kỷ lục đó đến từ FDI. Khu vực này không chỉ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn mà còn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này cho thấy một tín hiệu không vui rằng các doanh nghiệp FDI đang thích ứng tốt hơn với tình hình hiện tại, và tận dụng các ưu thế FTAs (hiệp định thương mại tự do) tốt hơn các doanh nghiệp Việt Nam.
Một lưu ý khác là trong khi xuất siêu sang Mỹ, thì Việt Nam lại nhập siêu lớn từ Trung Quốc. Và điều này làm dấy lên những nghi ngại Trung Quốc đang mượn đường Việt Nam để hưởng lợi về thuế quan. Nghi ngại đó có cơ sở hơn khi nhìn vào cơ cấu mặt hàng. Cụ thể, cả xuất khẩu và nhập khẩu năm 2020 có sự tăng trưởng đột biến ở một số mặt hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị… Các mặt hàng này, Việt Nam nhập nhiều từ Trung Quốc và lại xuất nhiều sang Mỹ.
Chưa cần thiết đi sâu hơn về chuyên môn trong việc đọc những phân tích báo cáo thống kê, đã cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng trên cương vị chính khách đứng đầu đảng, với gánh nặng tuổi tác có thể dẫn tới sút kém trí tuệ, ông cần biết tiết chế, biết cẩn trọng hơn khi tự khen về những điều mà ông cho là thành tựu từ các chính sách trong nhiệm kỳ của ông”.
_______________
Chú thích: