Thới Bình
(VNTB) – Tin tức về ông chủ FLC đang bị hoãn xuất cảnh đang là đồn đoán mà phía Bộ Công an, tính đến cuối giờ chiều ngày 28-3 vẫn chưa thấy lên tiếng.
Dự kiến, Tập đoàn FLC, hãng hàng không Bamboo Airways phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Anh tổ chức Diễn đàn xúc tiến đầu tư tại London, ngày 30-3-2022.
Tin tức về ông chủ của FLC đang bị hoãn xuất cảnh đang là đồn đoán mà phía Bộ Công an, tính đến cuối giờ chiều ngày 28-3 vẫn chưa thấy lên tiếng. Đồn đoán này cũng khiến cổ phiếu FLC bị bán tháo trên sàn chứng khoán trong ngày 28-3.
Theo kế hoạch, ông Quyết sẽ tham gia Diễn đàn đầu tư Việt Nam ở London vào sáng 30-3 và phát biểu kết luận vào cuối phiên với vai trò Chủ tịch Bamboo Airways. Chiều cùng ngày, Roadshow giới thiệu về hệ sinh thái của FLC cũng sẽ được tổ chức tại đây. Sự hiện diện trực tiếp của ông Quyết tại hai sự kiện này đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.
Trước đó, từ ngày 6-3 đến ngày 14-3, FLC, Bamboo Airways đã tổ chức thành công “Tuần lễ xúc tiến đầu tư vào Việt Nam” tại Đức và Hà Lan. Theo ghi nhận hình ảnh, ông Quyết có mặt tại Đức hôm 8-3.
Trước đó nữa, FLC còn ra mắt thương hiệu FJC để lấn sân thị trường vàng bạc và trang sức, đồng thời đề xuất xây tòa tháp cao 99 tầng tại huyện Bình Chánh và 2 dự án lớn tại Củ Chi (TP.HCM) là Công viên Sài Gòn Safari (quy mô hơn 456 ha) và Khu đô thị nghỉ dưỡng ven sông Sài Gòn (quy mô hơn 910 ha).
Báo Người Lao Động, phiên bản điện tử, số phát hành lúc 17g32 ngày 28-3n cho biết “đã liên hệ với ông Trịnh Văn Quyết để tìm hiểu thông tin. Sau khi phóng viên giới thiệu qua điện thoại, ông Trịnh Văn Quyết chỉ nói ngắn gọn: “Tôi đang rất bận”, rồi ngắt máy. Phóng viên tiếp đó đã nhắn tin và gọi điện thoại nhiều lần vào số máy của ông Trịnh Văn Quyết để tìm hiểu thêm thông tin nhưng vị Chủ tịch Tập đoàn FLC này đã không nghe máy hay phản hồi”.
Thị trường chứng khoán Việt Nam lâu nay được đánh giá là rất dễ lên – xuống theo các tin đồn chốn hậu trường. Với việc Bộ Công an vẫn chưa lên tiếng về tin tạm hoãn xuất cảnh đối với ông chủ tập đoàn FLC càng đẩy đồn đoán đi xa hơn gấp bội.
Chuyện đồn đoán này thật ra không phải là thiếu căn cứ.
“Tình trạng cố tình bán chui cổ phiếu để đem lại giá trị cao nhất cho người bán. Như vậy, hành vi cố tình bán chui cổ phiếu là hành vi lừa đảo nhà đầu tư chứng khoán. Lừa đảo ở đây là việc che giấu thị trường, che giấu các nhà đầu tư chứng khoán về hành vi lén lút của mình” – ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), cho biết như vậy khi đề cập vụ hồi đầu năm nay, ông Trịnh Văn Quyết – chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC – bị phạt tiền 1,5 tỉ đồng và bị đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng do bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà không báo cáo.
Thời điểm đó, tin tức còn cho biết Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) ngoài chuyện đã ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Trịnh Văn Quyết, mà còn cho biết là đang tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý vụ việc.
Theo đó, để đảm bảo tính nghiêm minh của thị trường, SSC khẳng định trong năm 2022 và những năm tiếp theo cơ quan này sẽ tiếp tục tăng cường mạnh mẽ hơn công tác giám sát giao dịch, chủ động phát hiện các dấu hiệu giao dịch bất thường, giao dịch nội bộ, thao túng giá chứng khoán. SSC tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm; phối hợp xác minh các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán; phối hợp với cơ quan quản lý trong giám sát việc tuân thủ pháp luật của các thành viên thị trường.
Trước khi xảy ra phi vụ “bán chui”, ông Trịnh Văn Quyết là cổ đông lớn nhất sở hữu 215,4 triệu cổ phiếu FLC, tương đương 30,34% vốn của tập đoàn. Sau khi hủy giao dịch, tất nhiên tỉ lệ sở hữu của ông Quyết tại FLC không thay đổi.
Liên tưởng từ vụ án hình sự theo điều 331 đối với bà chủ của tập đoàn Đại Nam (Bình Dương) phải mất cả năm trời và sau đó cũng có “tạm hoãn xuất cảnh một tháng”, dư luận càng thêm củng cố ngờ vực về tình huống pháp lý của ông chủ FLC hiện tại.
Vấn đề khác cũng đang đặt ra với chính phủ Phạm Minh Chính: FLC là một công ty đã lên sàn, vì vậy, cổ đông, và tất cả những người có tham gia vào thị trường chứng khoán có quyền biết đến những yếu tố có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của FLC, trong đó có thông tin liên quan đến ông Quyết.
Chỉ có một chuyện cỏn con là ông ấy có bị cấm xuất cảnh hay không, mà cũng mập mà mập mờ, thì làm sao mà người ta yên tâm với thị trường chứng khoán? Làm sao mà người dân dám đầu tư vào thị trường chứng khoán? Làm sao mà nền kinh tế phát triển được? Và làm sao để chúng ta có được các doanh nghiệp mạnh?
Hay đó là kiểu của nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa?